“Không phải bây giờ xảy ra sự việc tôi mới nói vậy mà ngay lúc lên xe đi Hoà Bình, bản thân luôn có cảm giác bất an", anh Thường cho biết.
Như Báo Gia đình & Xã hội đã thông tin, vào khoảng 8 giờ 40 phút ngày 16/3, tại ngã 5, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe tải và xe chở khách 16 chỗ đang đi đón dâu khiến 3 người tử vong và 13 người nhập viện.
Sau khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Nam đã có mặt tại hiện trường đưa các nạn nhân đi cấp cứu và khám nghiệm hiện trường. Đồng thời, bàn giao các nạn nhân Nguyễn Hữu Sầm (SN 1955), Nguyễn Hữu Sản (1945) và Vũ Xuân Phòng (SN 1972) cho gia đình lo hậu sự. Trong đó, anh Phòng (xã Quỳnh Hưng, cùng huyện Quỳnh Phụ) là con rể lớn của nạn nhân Sầm.
Chiều 17/3, PV Báo Gia đình & Xã hội tìm về thôn Trung Châu Đông, xã An Cầu (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) nơi có 2/3 nạn nhân xấu số tử nạn khi đang được họ hàng, dòng tộc tổ chức tang lễ. Trong không khí tang thương và tiếng khóc ai oán, ai đến hỏi thăm đều xót xa và không cầm được nước mắt.
Anh Nguyễn Hữu Chính (SN 1978, con trai ông Sầm) nói giọng đau buồn: "Đến giờ tôi vẫn không tin vào sự việc và không ngờ rằng, vụ tai nạn thảm ấy đã cướp đi người bố thân yêu, người chú họ và em rể trong ngày đại hỉ".
Theo lời anh kể, khi xe lưu thông đến đoạn đường trên do khuất tầm nhìn, cho nên lái xe không xử lý kịp. Lúc nhìn thấy chiếc xe tải trước mặt cách khoảng vài mét, anh Chính chỉ kịp hô lên rồi tiếng va chạm lớn xảy ra, sau đó anh không còn biết gì nữa và khi tỉnh dậy biết mình bị gãy tay.
Anh Thường luôn cảm thấy bất an khi đi Hoà Bình ăn cưới. Ảnh: Đ.Tuỳ
Là người may mắn khi chỉ bị xây sát nhẹ, nhưng nhớ lại sự việc, anh Hoàng Văn Thường (SN 1982, con rể út của ông Sầm) vẫn không khỏi hoảng sợ. Mặc dù, đây không phải là lần đầu tiên đi xa vào đêm tối, nhưng lần đi ăn cưới này anh luôn cảm thấy bất an.
“Không phải bây giờ xảy ra sự việc tôi mới nói vậy mà ngay lúc lên xe đi Hoà Bình, tôi luôn có cảm giác bất an. Trong khi, chúng tôi xuất phát vào ban đêm, phải đi đoạn đường xa khiến ai cũng mệt mỏi, căng thẳng. Thậm chí, người tài xế cũng rất kiệm lời nhưng quan trọng nhất là bản thân tôi có linh tính không hay sẽ xảy ra việc gì đó", anh Thường cho biết.
Không biết có phải sự trùng lặp hay không mà khi lên xe đưa dâu về, anh Thường được mọi người bố trí ngồi ở cuối xe và cầm theo quần áo. Cho nên, khi xảy ra tai nạn, anh bị hất lên ngã sấp xuống sàn và chỉ bị xây sát.
Lý giải về việc đi ăn cưới ở Hoà Bình, anh Thường cho hay, bố của cô dâu là em ruột của bố vợ anh. Khi lấy nhau xong cả gia đình cô dâu lên Hoà Bình lập nghiệp sinh sống. Rạng sáng ngày15/3, gia đình anh cùng họ hàng thuê xe của anh Lương Thành Uy (SN 1967, cùng làng) đi Hoà Bình ăn cưới. Khoảng 6 giờ 30 phút sáng hôm sau (16/3) gia đình anh cùng nhà trai đưa dâu về huyện Thái Thuỵ để tổ chức lễ thành hôn. Khi đến địa phận xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng thì xảy ra tai nạn.
Danh sách các nạn nhân gặp nạn trên xe 16 chỗ đi đón dâu. Ảnh: Đ.Tuỳ
Theo tìm hiểu của PV, trong chuyến xe gặp nạn hôm đó tất cả 19 người (cả lái xe), thì 8 người thường trú tại xã An Cầu. Riêng gia đình ông Sầm có 6 người gồm: anh Chính, anh Phòng, anh Thường, chị Hồng và cháu Dương.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Đình Biển – Chủ tịch UBND xã An Châu cho hay, vào khoảng 9 giờ sáng qua ông nắm được thông tin sự việc. Tuy nhiên, lúc đó chưa biết tình trạng của mọi người thế nào.
“Đây là vụ tai nạn tang thương xảy ra lần đầu ở xã chúng tôi cho nên ai cũng đau xót. Sau đó, địa phương đã tiến hành cuộc họp khẩn về sự việc. Đồng thời, thành lập đoàn vào thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các nạn nhân", Chủ tịch xã An Cầu cho biết.
Ban ANGT tỉnh Thái Bình về gia đình các nạn nhân để hỏi thăm và hỗ trợ. Ảnh: Đ.Tuỳ
Cũng trong chiều 17/3, Ban ATGT, Hội chữ thập đỏ tỉnh Thái Bình cùng các ngành của huyện Quỳnh Phụ đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các nạn nhân tử nạn và người bị thương. Riêng huyện Quỳnh phụ hỗ trợ mỗi người tử nạn 3 triệu đồng và người bị thương 2 triệu đồng.
"Do những nạn nhân tử vong có quan hệ họ hàng gần gũi, cho nên từ lúc khâm niệm đến lúc an táng các gia đình tách biệt về thời gian. Vào 8 giờ sáng mai (18/3), di quan của ông Sầm sẽ được an táng trước. Còn nạn nhân Sảng và anh Phòng cũng được an táng lúc 13 giờ cùng ngày”, ông Biển thông tin.
Được biết, nạn nhân Sầm và Sản có quan hệ họ hàng con chú, con bác, hai gia đình cách nhau khoảng 100m và đang lo hậu sự.