Điều gì đã khiến một bộ phận không nhỏ người dân mù quáng tái diễn hành vi phản cảm nơi lễ hội, đền chùa?
Phóng viên ghi lại những kiến giải của TS Nguyễn Ánh Hồng – Phó trưởng khoa Văn hóa Phát triển – HV Báo chí và Tuyên truyền.
Trong quá khứ, người Việt không “sỗ sàng” như bây giờ
Là một nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là một người phụ nữ, TS Nguyễn Ánh Hồng chia sẻ, bà cũng thường xuyên đi chùa, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
“Việc đi chùa, đi lễ… là một thói quen tốt của người Việt từ xưa đến nay. Đầu năm lên chùa để xin lộc, xin sức khỏe, sự bình yên. Cuối năm đi chùa với mục đích trả ân trả nghĩa. Người Việt Nam là vậy, quan niệm có vay, có trả, có đầu có đuôi, đây là một triết lý sống đầy đặn, ngọn nguồn” – TS Hồng nói.
Theo TS Hồng, như vậy, bản thân việc hướng đến và đi chùa chiền đã là một điều đáng quý, một hành xử đẹp và hiện nay, người Việt đã có những thay đổi văn minh hơn khi lên chùa.
TS Nguyễn Ánh Hồng.
“Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà lâu nay báo chí, truyền thông phản ánh như việc một số người xô bồ chen lấn, dán tiền lên tượng Phật, lừa đảo, buôn thần bán thánh công khai… Điều này những người có minh triết đạo Phật hẳn sẽ phải suy nghĩ” – TS Hồng khẳng định.
Bà lý giải: “Nhiều người đi chùa nhưng không có đầy đủ nhận thức dẫn đến hành vi, ứng xử sai lầm. Họ nghĩ đơn giản “trần sao thì âm vậy”, “một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”, cho bao nhiêu, nhận bấy nhiêu. Những người thích cỗ mặn sẽ mang cả xôi, gà, thịt… thậm chí cả thịt sống vào chùa. Tiếp nữa, họ mang tiền rải nơi cửa Phật, tìm mọi cách để đồng tiền của mình tiến càng sát tượng Phật càng tốt, sẵn sàng nhét vào tai, tay, mắt, miệng tượng Phật… vì tin rằng như thế đồng tiền mới đi tới được đức Phật.
Họ không biết ý nghĩa của việc dâng tiền vào chùa chỉ là gửi chút tiền lẻ “mua giọt dầu nén hương” – tức là những đồng tiền thành tâm, dù rất nhỏ. Điều này, có lẽ cũng khởi phát tự thực tế cuộc sống khi xã hội coi trọng đồng tiền, coi trọng sự giàu sang khiến người ta cho rằng phải đặt nhiều tiền, càng nhiều, càng lộ liễu càng được phúc, lộc to…
Trước đây, người Việt có dâng lễ lên cửa Phật, nhưng không sỗ sàng như bây giờ. Phần nhiều, họ dâng các thức giản dị do bàn tay mình làm ra như oản, xôi, hương, hoa… rất nền nã, thành tâm. Còn bây giờ cửa thiền ít nhiều bị uế tạp vì “của cho không bằng cách cho”, những cách thức cung tiến thô tục khiến mục đích hướng Phật mất đi giá trị. Những điều này cần phải bị loại bỏ để văn hóa đi chùa vào những ngày đầu xuân thực sự có ý nghĩa, làm đẹp thêm cuộc sống”.
Thiếu đức tin, khác biệt về văn hóa vùng miền?
Theo TS Hồng, ngoài những yếu tố như thiếu hiểu biết về nghi lễ và giáo lý của đạo Phật, không được giáo dục kỹ lưỡng trong gia đình và cộng đồng khiến văn hóa lễ hội của một số người Việt bị sụt giảm còn có các yếu tố về lịch sử văn hóa.
Tiền lẻ tràn bệ thờ.
“Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, bên cạnh đó còn có một hệ thống tín ngưỡng lâu đời, niềm tin tín ngưỡng của người Việt rất mạnh, chi phối mọi tôn giáo khi du nhập vào nước ta, khiến quan niệm và mục đích đi chùa của người Việt trở nên đa dạng. Người Việt hầu như không có sự phân định rạch ròi giữa các cơ sở thờ tự như đền – chùa – miếu – đình… nên tất cả những nơi thuộc về giới tâm linh người ta đều dễ quy về một mối. Việc lên chùa của người Việt cũng đa mục đích: Đi chùa vãn cảnh, đi để du lịch, giải tỏa những áp lực, cân bằng cuộc sống, đi để tìm kiếm đức tin... Khi đông người đến nơi cửa chùa với nhiều mục đích khác nhau thì họ cũng có nhiều nhu cầu từ giải trí, tiêu khiển đến ăn nghỉ, chơi bời… Các dịch vụ “ăn theo” đua nhau mọc ra để đáp ứng các nhu cầu này cũng là điều dễ hiểu. Đó chính là mặt trái của kinh tế thị trường mà chúng ta cần phải gạn đục khơi trong, để trả lại vẻ đẹp đích thực cho văn hóa đi chùa của người Việt” – TS Hồng nói.
Đồng ý rằng hiện tượng phản cảm trong lễ hội, chùa chiền ở miền Bắc phổ biến hơn một số tỉnh thành miền trong, TS Hồng nhìn nhận: “Cảnh tượng chùa ở miền Bắc quả thực bị thế tục hóa nhiều, gần gũi và thân thiện với con người trong đời thường, trong khi yếu tố tâm linh ở các chùa chiền miền trong vẫn được gìn giữ nổi bật hơn. Điều này chi phối hành vi ứng xử của người đi chùa: Một khi người ta đi để vui chơi là chủ yếu, cái phần đời thường sẽ lấn lướt cái phần tôn kính, linh thiêng, khiến hành vi của con người ta buông thả hơn một chút, dễ vượt qua khuôn mẫu hơn. Kẻ có tiền đi chùa, đi lễ, dễ hành xử kiểu “vung tiền mua lấy niềm vui, lấy cảm giác, lấy niềm tin” của một bộ phận người Việt.
Bản thân những kẻ lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi nơi cửa chùa, thương mại hóa các hoạt động ở chùa chiền cũng bớt đi nỗi sợ tâm linh.
“Trong khi đó ở miền trong, đi chùa không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh và nhu cầu giải trí, mà người ta đến chùa bằng lòng thành kèm với đức tin. Chùa chiền thường gắn với lễ cầu siêu, gắn với linh hồn ông bà, cha mẹ trong gia đình, gắn với đạo Hiếu. Một số ngôi chùa ở miền Bắc, điều này khá mờ nhạt với một số người nên người ta cũng dễ thoải mái, tùy tiện hơn…” – TS Hồng phân tích.