WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika

Ngày 02/02/2016 10:08 AM (GMT+7)

Ngày 1/2, Tổ chức Y tế thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika, kêu gọi phản ứng phối hợp nhanh chóng của toàn nhân loại.

Virus Zika gây teo não ở trẻ nhỏ đang tấn công các quốc gia châu Mỹ khi 30 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Mỹ đã ghi nhận có ca nhiễm kể từ khi Brazil thông báo trường hợp đầu tiên vào tháng 5/2015. Các chuyên gia y tế lo ngại virus Zika có thể lây lan nhanh trong cộng đồng. Zika được đặt trong cùng hạng mục với dịch Ebola. 

Trong cuộc họp ủy ban khẩn cấp Quy chế y tế quốc tế về virus Zika tại Geneva, Thuỵ Sĩ ngày 1/2, Tổng giám đốc tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan gọi Zika gây bệnh đầu nhỏ là "sự kiện bất thường", đòi hỏi phản ứng phối hợp nhanh chóng của toàn nhân loại.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika - 1

Tổng giám đốc tổ chức Y tế thế giới (WHO) Margaret Chan gọi Zika gây bệnh đầu nhỏ là "sự kiện bất thường"

"Giờ đây tôi xin tuyên bố hàng loạt ca mắc dị tật đầu nhỏ và những bất thường về thần kinh khác gần đây được báo cáo tại khu vực Mỹ Latinh tạo thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế", bà Margaret Chan cho biết. 

Theo bà Chan, tuyên bố này được đưa ra sau khi có sự thống nhất giữa các chuyên gia y tế hàng đầu về khả năng liên quan giữa hiện tượng nhiễm virus Zika trong khi mang thai và não nhỏ bất thường ở trẻ sơ sinh.

Giám đốc Chan cho biết ưu tiên trước mắt là bảo vệ phụ nữ mang thai và con của họ khỏi sự lây nhiễm của virus Zika. Bà khuyến cáo phụ nữ mang thai nên hạn chế di chuyển đến các vùng có dịch vì lo ngại sẽ nhiễm virus Zika, tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang sống tại vùng có virus này, tự bảo vệ mình khỏi bị muỗi cắn.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika - 2

Bản đồ các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lây lan virus Zika trong vòng 9 tháng qua (đến ngày 28/01/2016).

Virus Zika được phát hiện đầu tiên vào năm 1947 tại khu rừng Zika của Uganda, sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng vi rút lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi.

Trong năm 2015, dư luận thế giới hoang mang khi số ca nhiễm virus Zika tăng đột biến tại Brazil trong thời gian từ tháng 10/2015 đến tháng 1/2016. Theo thông báo ngày 31/12/2015, Bộ Y tế Brazil đã ghi nhận 2.975 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong.

Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae và lây nhiễm qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes. Người nhiễm virus này có các triệu chứng: sốt, phát ban, đau khớp, viêm màng kết, các triệu chứng thường kéo dài dưới một tuần. Tuy nhiên với các thai phụ, vi rút này có thể lây sang bào thai và làm nhỏ kích thước não hoặc tử vong ở thai nhi.

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

Hà Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Virus Zika gây teo não