Việt Nam lên phương án đối phó với virus Zika gây teo não

Ngày 29/01/2016 08:40 AM (GMT+7)

Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc virus Zika nào nhưng để phòng tránh, ngành y tế Việt Nam đã yêu cầu kiểm soát và sẵn sàng biện pháp đối phó khi nghi ngờ có ca mắc.

Trước tình hình dịch do virus Zika diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, Bộ Y tế cho biết đã thường xuyên liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam để nắm tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống. Đồng thời đã có công văn khẩn gửi các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Viện Pasteur về tăng cường công tác giám sát bệnh do virus Zika.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay ngoài những quốc gia châu Mỹ La tinh và vùng Ca-ri-bê ghi nhận có loại virus này thì tại châu Âu cũng đã ghi nhận có sự xuất hiện của virus Zika, điển hình là tại Đức đã ghi nhận trường hợp thứ hai nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Haiti.

Tuy Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc loại virus này, nhưng để chủ động giám sát, xác định sự lưu hành của virus này, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời cho người dân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu đã đề nghị các Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Paster Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hoạt động giám sát những trường hợp nghi mắc bệnh do virus Zika, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia hiện đang có dịch. Lồng ghép hoạt động giám sát virus Zika và hoạt động giám sát  trọng điểm sốt xuất huyết Dengue.

Việt Nam lên phương án đối phó với virus Zika gây teo não - 1

Bé Ludmilla Hadassa Dias de Vasconcelos bị tật đầu nhỏ, đang điều trị tại Bệnh viện Oswald Cruz (Recife, Brazil). Ảnh: Huffingtonpost

Đồng thời, đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đầu mối, phối hợp với các viện Vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur để thống nhất quy trình xét nghiệm, phát hiện virus Zika. Các viện chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện vận chuyển mẫu, đảm bảo đủ sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm chẩn đoán xác định các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm virus Zika.

Chỉ đạo hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tăng cường giám sát các trường hợp nghi nhiễm virus Zika đi về từ khu vực có các trường hợp mắc bệnh, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm tác nhân gây bệnh. Báo cáo kết quả thực hiện giám sát virus Zika  về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo và có các khuyến cáo kịp thời phù hợp cho người dân.

Được biết, tới thời điểm hiện tại chưa có vắc xin hay thuốc đặc hiệu để phòng bệnh do virus Zika gây nên, vì vậy tại thời điểm hiện nay, những người sống ở vùng nhiệt đới cần cố gắng phòng tránh muỗi đốt, mắc màn, mặc quần áo dài tay hay bôi thuốc. Phụ nữ mang thai được khuyến nghị không nên di chuyển đến các vùng có dịch.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Trương Đình Bắc – Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, các biện pháp phòng bệnh hiệu quả là loại trừ nơi sinh sản của muỗi, đặc biệt là những đồ đựng nước, ngăn chặn muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách thu dọn những vật dụng đựng nước nơi muỗi có thể đẻ trứng như thùng, xô, chậu, lọ hoa, lốp xe và đậy nắp kín những nơi đựng nước sinh hoạt. Điều này cũng góp phần khống chế dịch sốt xuất huyết và Chikungunya.

Người dân sống trong khu vực lưu hành muỗi Aedes cần phòng muỗi đốt bằng bôi hóa chất đuổi muỗi hoặc mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt; đóng các cửa để muỗi không vào nhà, nằm màn khi ngủ kể cả ban ngày (khi muỗi hoạt động).

Phụ nữ mang thai nên được chăm sóc cẩn thận để tránh bị muỗi đốt. Mặc dù bệnh do virus Zika chủ yếu có biểu hiện nhẹ nhưng vụ dịch Zika tại Brazil đã trùng hợp với sự gia tăng đáng kể các trường hợp mắc bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

Phụ nữ khi đi đến vùng lưu hành virus Zika nên tư vấn cán bộ y tế trước và sau khi trở về; trong trường hợp có phơi nhiễm với virrus Zika nên tư vấn với cán bộ y tế để theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai.

                                                                                                                                                           

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự