Lời ru của các cô thiếu nữ sớm làm mẹ ấy cứ buồn đến nao lòng, bởi phong tục, tập quán lạc hậu và nghèo khó gây ra
Hệ lụy “lấy chồng từ thuở 13”
Ông Mùa Xia Lữ, Giám đốc Trung tâm Dân số, Kế hoạch hóa gia đình huyện Kỳ Sơn thống kê, tình trạng hôn nhân cận huyết thống của đồng bào Mông ở Kỳ Sơn chiếm 15%-20% trong số các cặp vợ chồng kết hôn. Trong khi đó, theo Đại úy, Bác sỹ Nguyễn Bá Lương, Đồn Biên phòng Keng Đu, huyện Kỳ Sơn thì thực trạng tảo hôn đã để lại cho xã hội không ít hệ lụy, đặc biệt các cuộc hôn nhân cận huyết thống sẽ dẫn đến sinh ra những đứa con còi cọc, thậm chí tật nguyền, kém về thể chất và tinh thần.
Ở bên kia khu vực Tây Bắc xứ Nghệ, huyện địa đầu Quế Phong, Quỳ Châu, tình trạng lấy chồng, lấy vợ sớm từ lâu cũng là thực trạng chung của các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2015, Ủy ban Dân tộc đã tiến hành khảo sát trên cả nước về vấn đề này và đưa ra những con số “giật mình”: Trong 53 cộng đồng thiểu số ở Việt Nam có đến 26,6% kết hôn sớm.
Trung bình cứ 4 cuộc hôn nhân thì có một cặp là tảo hôn, trong đó có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, có 6 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 50 - 60%. Chiếm tỉ lệ nhiều nhất là các cộng đồng người Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Raglay và Bru - Vân Kiều.
Một người vợ trẻ thẹn thùng khi được cán bộ đến nhà vận động, tuyên truyền đăng ký kết hôn.
Công tác vận động, tuyên truyền được chú trọng nhưng chưa mang lại hiệu quả.
Trước thực trạng này, Ủy ban Dân tộc đã đề xuất Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2015 – 2025 và đã được Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đặt ra là "Giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn có tỷ lệ này còn cao".
Sau hai năm thực hiện, với nhiều hình thức đa dạng như truyền thông, xây dựng mô hình thí điểm ở các tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao và tổ chức tập huấn theo khu vực, Đề án đã mang lại kết quả bước đầu. Mặc dù vậy, xác định “cuộc chiến” với hủ tục tảo hôn là cam go và lâu dài, nên phía trước vẫn còn rất nhiều việc để làm. Điều quan trọng nhất, là phải làm thế nào để thay đổi được tư duy, nhận thức và cả phong tục, tập quán của bà con, để họ có cái nhìn đúng đắn hơn về hôn nhân gia đình, đó mới chính là gốc rễ để thay đổi được cách nghĩ, cách làm vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.
Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: Mặc dù trong thời gian qua, các cấp chính quyền, đặc biệt là lực lượng công an cắm bản và bộ đội biên phòng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động song tình trạng tảo hôn ở các xã biên giới Việt – Lào ở các huyện miền Tây Nghệ An vẫn gia tăng.
Khó khăn lớn nhất, ngoài việc đây là các xã biên giới, địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người, sinh sống rải rác trên các sườn núi nên rất khó để tiếp cận thì phong tục, tập quán lạc hậu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tình trạng tảo hôn. Có những em gái học đến lớp 7, lớp 8 ở trường dân tộc nội trú, khi bị bạn trai đến bắt về làm chồng cũng không hề kháng cự, chấp nhận làm vợ người ta, coi như số mệnh đã định sẵn.
Theo thống kê, tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, năm học 2015- 2016 toàn trường có 16 em học sinh bỏ học lập gia đình, bình quân hằng năm xã này có khoảng 10 em học sinh bỏ học để lấy chồng. Thực trạng tương tự cũng xảy ra ở một số địa bàn khác.
Với một số già làng, trưởng bản là người dân tộc ít người, mặc dù họ nhận thức được song không thể tuyên truyền được vì con, cháu của mình cũng là nạn nhân của tảo hôn. Bởi, quan niệm của một số dân tộc như Mông, Khơ Mú… con gái mà có người để ý, hỏi cưới nếu không gả bán thì nhất định sẽ mang lại xui xẻo cho cả dòng họ.
Cũng bởi vậy, xuất phát từ tục bắt vợ bị biến tướng, nhiều em học sinh rời bản bám trường học bán trú đến lớp 7, lớp 8 đã phải xếp sách vở về bản lấy chồng khi có các chàng trai đến tận khu nội trú để bắt vợ. Kể chuyện này, Trung úy Vi Văn Phi, cán bộ công an cắm bản huyện Kỳ Sơn chia sẻ kỉ niệm bi hài khi đến vận động các gia đình không nên cho con em mình lấy chồng sớm.
Nghe tuyên truyền, vị phụ huynh nọ đồng ý nghe theo cán bộ, nhưng với một điều kiện là nếu sau này con gái họ không lấy được chồng nữa thì sẽ “bắt đền”, “phạt vạ” cán bộ.
Tại tỉnh Nghệ An, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, các cấp chính quyền nơi đây đang quyết liệt thực hiện các biện pháp, kết hợp tuyên truyền vận động với những giải pháp dài hơi và mạnh tay hơn.
Nói như ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thì thời gian sắp tới, cùng với các giải pháp khác, sẽ tiến hành một số biện pháp để có tính răn đe, giáo dục như xử lý hành chính, thậm chí cần thiết sẽ truy tố một số vụ vi phạm luật hôn nhân gia đình, để nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các bản làng miền Tây xứ Nghệ.
>> XEM THÊM: Câu chuyện buồn phía sau bộ ảnh cưới của cặp đôi cô dâu 16, chú rể 17 tuổi