Chỉ trong vòng 3 ngày, hai trường hợp tử vong do xe chở tôn gây ra, điều này khiến không ít người hoang mang, lo lắng và đặt câu hỏi, những người chở tôn kia sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, hai vụ việc cùng do xe chở tôn gây ra, nhưng bản chất sự vụ thứ hai khác so với vụ thứ nhất diễn ra ngày 23/9 khiến cháu bé 9 tuổi tử vong.
Liên tiếp trong những ngày gần đây trên địa bàn Thủ đô Hà Nội xảy ra các vụ tai nạn giao thông với hậu quả nghiêm trọng. Như vậy có thể thấy tình trạng tai nạn giao thông hiện nay ở nước ta là rất đáng báo động.
Luật sư Thơm cho biết, vụ tai nạn giao thông xảy ra chiều ngày 25/9, trên cầu Mai Lĩnh (Hà Nội) với hậu quả rất thương tâm khiến người phụ nữ 66 bị tử vong khi đang đứng bắt xe về quê (nạn nhân đứng ven đường, không có vỉa hè).
Thời điểm trên một người điều khiển xe máy kéo theo xe cải tiến chở tôn và cọc tre di chuyển từ Hà Đông về Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội). Đến khu vực xảy ra tai nạn, dây chun chằng buộc bị đứt khiến xe cải tiến chở hàng lao sang vệ đường khiến tấm tôn cứa vào cổ người phụ nữ 66 tuổi khiến người này tử vong sau đó
Luật giao thông đường bộ năm 2008, qui định phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
“Như vậy, theo qui định của Luật giao thông đường bộ thì xe cải tiến không được coi là phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Do đó, xe cải tiến này được coi là hàng hóa lưu thông trên đường giao thông.
Vụ tai nạn ở cầu Mai Lĩnh lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện.
Vụ tai nạn này được xác định lỗi hoàn toàn thuộc về người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (xe mô tô hai bánh) gây ra”, luật sư Thơm cho biết.
Theo luật sư Thơm, hành vi của người điều khiển xe mô tô hai bánh đã có lỗi vi phạm sau:
- Vi phạm Điều 8, khoản 23 Luật giao thông đường bộ: Các hành vi bị nghiêm cấm “Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
- Vi phạm Điều 20, khoản 1 Luật giao thông đường bộ: Xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ “Hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe”.
Đối với hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ của người điều khiển xe mô tô hai bánh gây hậu quả nghiêm trọng làm 01 người tử vong đã phạm Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tội phạm và hình phạt được qui định tại khoản 1, Điều 202 Bộ luật hình sự 1999.
Khoản 1, Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 quy định rõ: “Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.