Ngày 23/10, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh nhi 13 tuổi (Yên Bái) được đưa tới viện trong tình trạng bị biến chứng nặng nề sau tiêm filler (chất làm đầy) để nâng mũi.
Do không hài lòng về mũi tẹt nên bệnh nhi này ấp ủ mong muốn nâng mũi. Đến ngày 21/10, bệnh nhi tới một spa tiêm chất làm đầy với giá 2 triệu đồng. Với số tiền này, bệnh nhi không đủ có thể trả góp nên em đã giấu mẹ tìm tới spa này.
Sau khi được nhân viên ở spa tiêm filler, chỉ 30 phút sau tiêm em cảm thấy đau mắt bên phải, thị lực giảm dần, đau đầu nhiều và buồn nôn. Quá hoảng sợ, em mới nhờ người gọi gia đình đến đón, đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương cấp cứu.
Ảnh minh họa.
Các bác sĩ cho biết mắt của bệnh nhân bị tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi. Mẹ bệnh nhân đã khóc như mưa vì con trót dại mà hỏng cả mắt.
Sau đó bệnh nhi được đánh giá tổn thương ở vùng mắt và một số vùng da nên chuyển bệnh nhi sang Bệnh viện Da liễu trung ương điều trị.
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương), cho biết tiêm filler là một kỹ thuật cần được thực hiện bài bản, bởi bác sĩ có tay nghề. Vì một mũi tiêm filler tưởng như đơn giản lại cực nguy hiểm bởi sai kỹ thuật sẽ có nguy cơ để lại nhiều biến chứng. Như cô gái trẻ trên tiêm filler xong đã có ngay dấu hiệu mất lực mắt phải do tắc mạch.
Theo bác sĩ Hà, vùng mũi có rất nhiều mạch máu, nếu tiêm không đúng, filler theo mạch máu ở vùng mũi đến mạch máu võng mạc của mắt làm tắc mạch gây mù mắt. Với những biến chứng ở mắt do tiêm filler, việc cứu chữa mắt khỏi mù hoặc trở lại như bình thường cho bệnh nhân là hầu như không thể, nhất là khi filler "chạy" vào mạch máu trung tâm của võng mạc.
Quá trình này diễn ra rất nhanh sau tiêm đi kèm triệu chứng đau nhức mắt, choáng váng... Nếu tiêm filler bởi những người không được đào tạo, không có chuyên môn mà chỉ học sơ qua sẽ rất nguy hiểm, dễ gây biến chứng, nhất là mù mắt.
Theo giới chuyên môn, tiêm filler hay còn gọi là chất làm đầy là thủ thuật rất thường dùng trong làm đẹp để cải thiện sắc đẹp cho khách hàng. Dù được phép sử dụng trong làm đẹp nhưng với bất cứ "chất lạ" nào khi vào cơ thể đều có nguy cơ gây biến chứng và biến chứng đó phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là tay nghề của bác sĩ. Thời gian qua, bệnh viện đã xử lý khoảng 10 ca biến chứng sau tiêm filler. Trong đó có 2 trường hợp mất hoàn toàn thị lực một bên; một số trường hợp khác có hoại tử sau khi được điều trị tích cực đã phục hồi tương đối tốt.