Không ít cư dân mạng đã phải giật mình trước màn lý giải những hiện tượng tự nhiên xuất hiện trong bài thơ Sóng (nữ thi sĩ Xuân Quỳnh) của nữ sinh này.
Muốn đạt điểm cao môn Văn thì học trò phải biết phân tích ý thơ sâu sắc, viết dài 2-3 tờ giấy... Tuy nhiên, không phải bất cứ cô cậu học trò nào cũng có khả năng đó, nhất là học sinh ban A, ban B quanh năm dùng máy tính, đọc hiểu con số lại càng khó viết hơn. Vậy nên mới có chuyện dân Tự nhiên viết văn theo kiểu đối phó, đang phân tích 1 đằng bỗng "cua gắt" chuyển hướng viết một nẻo.
Biến thơ thành Lý chắc hẳn là biệt tài của bạn học sinh sáng tạo này.
Mới đây, trên một group Facebook, một thành viên đã chia sẻ hình ảnh bài phân tích tác phẩm "Sóng" của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Trong phần giới thiệu về tác giả, nữ sinh mở đầu rất mượt nhưng đến khi cần phân tích sâu sắc, cô nàng bỗng quay ngược lại lấy hình tượng Sóng trong văn thành bằng đồ thị sóng dao động trong Vật lý.
Đoạn đầu cô bạn phân tích như sau: "Đoạn thơ trên đã thể hiện rất rõ tài năng của Xuân Quỳnh, bà không những là nhà thơ tài hoa mà còn là một nhà Vật lý. Sóng ở đây ngoài ý nghĩa là sóng nước, ta có thể hiểu đó là sóng dao động của các phần tử trong môi trường biến thiên theo hàm sin hoặc cos.
Tại đây "con sóng dưới lòng sâu" tức là điểm tại đáy sóng và "con sóng trên mặt nước" là đỉnh sóng. Cụm từ "ôi con sóng nhớ bờ" tức chỉ khi 2 điểm trở về trạng thái cân bằng. Và ngày đêm không ngủ ám chỉ thời gian 1/4 chu kỳ là 1 ngày".
Quả là một đoạn phân tích sáng tạo. Cô nàng đã đem đến một cách lý giải hình tượng Sóng vô cùng khác, vừa vô lý nhưng lại rất thuyết phục. Những hình tượng trữ tình như "con sóng dưới lòng sâu", "con sóng trên mặt nước", "ôi con sóng nhớ bờ" hóa ra đều có ý nghĩa khoa học của riêng nó.
Sau khi được chia sẻ, bài viết đã thu hút sự chú ý của vô vàn cư dân mạng với hàng nghìn lượt tương tác và chia sẻ. Mọi người không khỏi ngạc nhiên bởi sự thông minh và tính sáng tạo của bạn học sinh này.
Tuy nhiên, nhiều dân tình cho rằng khi phân tích thơ mà dựa trên yếu tố khoa học thì sẽ mất đi sự bay bổng và ý đồ tác giả.
Nhưng quả thật, thầy cô khi chấm bài này có lẽ sẽ gặp một chút khó khăn khi không biết nên lựa chấm theo kiến thức Vật lý hay kiến thức Văn học.