Đối với họ, những ngày tháng ấy giống như một “vùng kí ức đen” vì họ đã nhẫn tâm bỏ đi một phần máu thịt của mình… không chỉ 1 lần.
Hiện nay, quan hệ tình dục trước hôn nhân đã và đang trở thành “trào lưu” phổ biến của giới trẻ. Có thai rồi đi giải quyết hậu quả không còn là chuyện xa lạ đối với nhiều bạn gái. Mặc dù, họ lường trước được những mối nguy hiểm sau khi nạo phá thai nhưng vẫn lao đầu vào tình yêu và chấp nhận cái kết đắng. Trong số đó, không ít cô gái mất đi thiên chức làm mẹ bởi một quá khứ “tội lỗi” nạo phá thai…không chỉ 1 lần.
2 lần có thai, đều dùng thuốc phá
4 năm trôi qua, chị T.Ngọc (24 tuổi-Hà Nam) vẫn không nguôi khi nghĩ tới quãng thời gian “đen tối” ấy. Nhìn những đứa trẻ được ba mẹ ẵm trên tay, chị quặn lòng đau đớn, nước mắt rơi lã chã. “Ngày đó, tôi là học sinh THPT cuối cấp. Nhưng tôi đã tự tay giết chết con của mình khi nó mới là giọt máu vừa tròn 4 tuần tuổi. Quan hệ và mang thai với bạn nam cùng lớp khiến tôi hoảng sợ và không biết xử trí thế nào? Sau 2-3 lần que thử thai hiện rõ 2 vạch, tôi bắt đầu rớt xuống vực thẳm của tuyệt vọng. Và…tôi chấp nhận bỏ đi đứa con vì tương lai của bản thân và bạn trai”, chị T.Ngọc đau đớn nghĩ lại.
Vì không biết hết những mối nguy hiểm khi nạo phá thai, chị T.Ngọc đã tìm hiểu trên mạng và quyết định mua thuốc phá thai ở ngoài về nhà tự xử lý. Chị cho biết, tế bào thai trong bụng chị nhẹ nhàng ra đi như một kỳ kinh nguyệt. Chị không sợ hãi và không hề đau đớn về thể xác. Có lẽ vì vậy, 2 năm sau chị tiếp tục mắc phải "vết bùn" này thêm 1 lần nữa.
Không ít cô gái mất đi thiên chức làm mẹ bởi một quá khứ “tội lỗi” nạo phá thai…không chỉ 1 lần (ảnh minh họa)
“Năm 2 Cao đẳng, tôi đem lòng yêu 1 anh kỹ sư và có quan hệ tình dục nhiều lần. Khi chia tay, tôi rất buồn vì bị người yêu phản bội. Giữa lúc đau đớn, tôi tìm tới anh bạn thân của người yêu để chia sẻ mọi chuyện. Trong bữa nhậu say, tôi và anh ta đã lên giường với nhau. Do không bảo vệ, tôi đã dính bầu lần thứ 2 khi tròn 20 tuổi”, chị T.Ngọc nghẹn ngào chia sẻ.
Lúc đó, chị T.Ngọc khăng khăng giữ lại cái thai, bởi chính chị là người hiểu được cảm giác tự mình đánh mất con như thế nào? Nhưng chị và anh bạn thân người yêu cũ không thể tiến tới hôn nhân. Do vậy, họ thỏa thuận nghĩa vụ nuôi con sau này. “Tôi tin tưởng anh ta. Nào ngờ, vài ngày sau anh ta vứt cho tôi một hộp thuốc nhỏ rồi nói uống đi, mọi chuyện sẽ kết thúc. Dường như, một màu đen vây kín quanh tôi, xen vào đó là cảm giác ê chề và nhục nhã. Hình ảnh viên thuốc phá thai 2 năm trước bỗng xuất hiện trong tâm trí tôi. Gào thét và van xin nhưng anh ta vẫn lạnh lùng. Cuối cùng, tôi ngậm đắng nuốt cay uống viên thuốc. Lần nữa, tôi tự tay giết chết đứa con thứ 2”, chị T.Ngọc ân hận kể về lần thứ 2 lầm lỡ.
Đối với họ, những ngày tháng ấy giống như một “vùng kí ức đen”
Mọi thứ đã trôi qua nhưng dòng ký ức buồn vẫn đeo bám chị T.Ngọc hằng đêm. Hình ảnh sinh linh nhỏ bé luôn quẩn quanh trong tâm trí. Có lẽ, với chị chuyện làm lại cuộc đời sau 2 lần lầm lỡ là điều rất khó, vết đau trong sâu thẳm trái tim sẽ không bao giờ lành lại.
Đừng coi thường chuyện phá thai
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất châu Á và thuộc top 5 nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới.
Uỷ ban Quốc gia về dân số và kế hoạch hóa gia đình cho biết, ở nước ta, trung bình 1 trẻ em ra đời thì có 1 bào thai khác bị phá bỏ. Mỗi năm, có từ 1,2-1,6 triệu trẻ em được sinh ra và tương ứng với đó là số thai nhi bị phá bỏ. Đánh chú ý, số trẻ vị thành niên phá thai ở Việt nam cao hơn nhiều lần so với các quốc gia dẫn đầu về nạo phá thai.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, phụ trách khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục,Trung tâm y khoa Thái Hà nhấn mạnh: “Việt Nam là nước có tỷ lệ phá thai hàng đầu thế giới. Mặc dù phương pháp nạo phá thai đã có cải tiến nhưng phá thai luôn luôn không an toàn. Dù dùng thuốc hay thủ thuật bỏ thai thì hậu quả và các biến chứng như nhiễm trùng, sót rau, thủng tử cung,…vô sinh vẫn có thể xảy ra”.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung
Xuất huyết
Bác sĩ Kim Dung khẳng định, dùng thuốc tê hay thuốc gây mê khi phá thai thì khả năng xuất huyết là ngang nhau. Xuất huyết có thể là hậu quả của tử cung xơ hóa, rối loạn đông máu hoặc hút thai không trọn. Không giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Thủng tử cung
Thủng tử cung có thể xảy ra trong trường hợp nong cổ tử cung hoặc khi hút thai. Trong quá trình nạo hút thai, cũng có thể dẫn tới thủng tử cung. Để các định mức độ thủng của tử cung, cần siêu âm và nội soi cẩn thận.
Sót nhau
Khi ca phẫu thuật bỏ thai không thành công sẽ dẫn tới hiện tượng sót nhau. Trường hợp này sẽ gây ra rong huyết hoặc tử cung không co lại.
Nhiễm trùng
Đó là hậu quả do khâu kỹ thuật vô trùng không cẩn thận. Các biến chứng nhiễm trùng có thể có những dấu hiệu bên ngoài như sốt, tử cung nhạy cảm,…
Gây ra vô sinh
Nạo hút thai nhiều lần hoặc không đảm bảo sẽ khiến cho tử cung bị tổn thương nặng hoặc bị viêm nhiễm. Từ đó, khiến cho thai phụ khó có con trở lại.
Bác sĩ Kim Dung cho biết thêm, việc nạo hút phá thai còn có khả năng để lại di chứng. Đặc biệt, trường hợp đã nạo phá thai nhiều lần thì tỉ lệ tai biến càng nguy hại như: Dính khoang tử cung, không thụ thai, sảy thai hoặc đẻ non, đế cuống rốn bị dính hoặc cắm sâu.
“Không được coi nạo phá thai là chuyện bình thường. Đó là vấn đề quan trọng cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Chị em phụ nữ cần tìm hiểu các kiến thức về phòng, tránh thai và chủ động các biện pháp tránh trai an toàn, hợp lý. Tuyệt đối không nạo phá thai nhiều lần, gây ra những hậu quả xấu”, bác sĩ Kim Dung đưa ra lời khuyên dành cho chị em nữ giới, đặc biệt là giới trẻ.
Khám phụ khoa có thể phát hiện đã từng quan hệ? |