Nhiều cô gái cho rằng, “Thời nay bình đẳng rồi, nấu ăn đâu phải là nhiệm vụ của con gái?".
Chuyện bếp núc của con gái thời nay đang được dân mạng bàn luận rôm rả, bắt nguồn từ những tình huống “cười ra nước mắt” của các cô nàng vụng về như: vặt lông vịt trụi da đầu, nấu canh cua để nguyên con, rán nem nát bung bét, nấu cơm cháy đen sì…
Nhiều cô gái rơi vào tình huống "dở khóc dở cười" khi không biết nấu nướng
Bị dân mạng “ném đá”, không ít cô nàng “xù lông nhím”, lên tiếng bảo vệ phái nữ. Họ đưa ra quan điểm: “Thời nay bình đẳng rồi, nấu ăn đâu phải là nhiệm vụ của con gái”, “chuyện bếp núc không thể là tiêu chí để đánh giá khả năng làm vợ”, “lấy chồng về là để cùng nhau vun vén hạnh phúc chứ không phải để có người ngồi vào bàn ăn”…
Nghe chừng rất hợp lý nhưng cùng xem con trai nghĩ gì về những quan điểm này.
“Nấu ăn không phải là nhiệm vụ nhưng là vũ khí của con gái”
Đã lắng nghe khá nhiều ý kiến “biện hộ” của con gái về chuyện bếp núc nhưng Lê Văn Minh (26 tuổi, Hà Nội) vẫn cho chẳng, con gái cần phải biết nấu nướng. Với anh, chỉ nghĩ đến việc một người vợ không nấu nổi bữa cơm trọn vẹn cho gia đình đã thấy… sợ.
Những câu chuyện xung quanh góc bếp được bàn tán rôm rả
Anh đồng ý với quan điểm, nấu ăn không phải là tiêu chí để đánh giá khả năng làm vợ của một cô gái nhưng con gái cần biết nấu nướng, trước hết là để phòng thân, sau rồi để chăm lo gia đình, nuôi dưỡng con cái.
“Vợ không biết nấu ăn, chẳng lẽ kéo nhau ra ngoài ăn hàng cả năm? Chắc không ông chồng nào muốn điều đó. Phụ nữ muốn đàn ông nắm vai trò trụ cột trong gia đình thì cũng nên biết cách giữ cho cái bếp luôn ấm”, anh Minh chia sẻ.
“Nấu ăn không phải là nhiệm vụ của con gái”, khi nghe quan điểm này, Đức Tiến (25 tuổi, Yên Bái) bật cười: “Tại sao họ không coi nấu ăn ngon là lợi thế mà cứ nghĩ đó là nghĩa vụ và trách nhiệm nhỉ?”.
Theo chàng trai 25 tuổi, chẳng phải ngẫu nhiên có câu nói “Dạ dày là con đường ngắn nhất dẫn đến trái tim người đàn ông”- muốn họ yêu bạn, hãy nấu cho họ ăn. Chưa kể, con gái giỏi bếp núc, cẩn thận, khéo léo luôn có lợi thế hơn bởi, người muốn lấy vợ đảm đang là tâm lý chung của đàn ông.
Thế nên, nấu ăn giỏi chính là “vũ khí quyến rũ chết người” của con gái. Đức Tiến cho rằng, phụ nữ học nấu ăn không phải vì “xã hội bắt họ phải thế” mà là “họ nên như thế”.
Nhiều chàng trai mong muốn, cô gái của mình biết nấu ăn
“Không ai quá khắt khe chuyện bếp núc của con gái, cái họ để ý nhiều hơn là tính cách và khả năng thấu hiểu. Nhưng nếu gặp phải cô gái không biết tí gì về nấu nướng, bữa nhạt, bữa mặn, bữa khô, bữa nát… lại không có ý thức học hỏi, cứ gào lên “con gái không nhất thiết phải nấu ăn”, thì chắc chẳng duy trì được lâu”, anh nói.
“Muốn bình đẳng à? Vậy thì cùng bình đẳng”
Như đã nói, có nhiều ý kiến cho rằng, thời nay nam nữ bình đẳng, con gái cũng ra ngoài làm việc xã hội nên chuyện bếp núc không phải là trách nhiệm của riêng họ. Bởi vậy, con gái không nhất thiết phải thành thục chuyện bếp núc.
Lê Văn Tùng (27 tuổi, hiện làm trong ngành viễn thông) chia sẻ, “kêu gào” bình đẳng trong trường hợp này là không thực tế. Anh cho rằng, phụ nữ và đàn ông sinh ra đã có thiên chức riêng, mỗi người nên cố gắng học hỏi để hoàn thiện thiên chức ấy. Con gái không cần phải nấu ăn xuất sắc như đầu bếp nhưng cũng nên biết nấu một bữa cơm trọn vẹn cho gia đình.
Một số chàng trai cho rằng, con gái không nên đòi hỏi bình đẳng trong chuyện bếp núc
“Tôi nhớ, một đầu bếp từng nói rằng, họ nấu ăn cho hàng nghìn vị khách nhưng khi về nhà, họ vẫn muốn ăn cơm vợ nấu. Thay vì đòi bình đẳng trong chuyện này, các bạn nữ nên dành ra chút thời gian đọc sách, lên mạng học nấu vài món ăn”, anh chia sẻ.
Phạm Quyền (26 tuổi, Hải Dương) cũng có cùng quan điểm. Theo anh, nếu con gái muốn bình đẳng trong góc bếp, con trai cũng có quyền đòi “sòng phẳng” trong chuyện kiếm tiền nuôi gia đình, trả tiền khi hẹn hò, việc sữa chữa điện nước và cả việc nghĩ ra những món quà độc đáo trong các dịp lễ…
Với chàng trai Hải Dương, phụ nữ không thích nấu nướng cũng giống như đàn ông không có chí tiến thủ, không yêu sự nghiệp, không muốn phấn đấu. Nếu họ không muốn lấy một người như vậy làm chồng thì đàn ông cũng không chấp nhận một cô gái quá ẩu đoảng chuyện bếp núc.
Đưa ra quan điểm riêng về câu chuyện xung quanh góc bếp, nhiều chàng trai mong muốn, các cô gái chú ý hơn đến chuyện nấu nướng. Với họ, một bữa cơm “nàng” nấu không chỉ lấp đầy dạ dày mà còn “sưởi ấm” trái tim bởi, nó chính là biểu hiện của tình yêu thương và sự quan tâm.