Chuyện tình của vợ chồng già “người sắp chết gặp kẻ hết hơi”, hơn nửa đời người chưa được làm đám cưới khiến bao người nghẹn ngào xúc động.
Một buổi chiều ngày chuyển mùa ẩm ướt, làn khói mờ tỏa ra từ căn bếp nửa mét vuông hòa lẫn khói thuốc lào nghi ngút tràn kín từng ngóc ngách trong căn nhà tạm ghép gỗ trên sông. Vừa lom khom đi ra đi vào đun nấu, bà Thủy vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích về những năm tháng khốn khó của ông bà - cặp vợ chồng hơn nửa đời người chưa cưới.
Họ chính là đôi vợ chồng từng “nhặt được nhau” từ bãi rác, sau 47 năm nên nghĩa phu thê mới có được một đám cưới “như nhà người ta” (Ảnh: Lê Cao Hải)
Bộ ảnh cưới muộn màng của ông bà vừa được thực hiện 2 ngày trước, và được ví như một “hiện tượng mạng”, được đăng tải trên hầu hết các tờ báo, trang tin và gây “sốt” trên mạng xã hội cả trong và ngoài nước ngày hôm qua (6.4).
Lời “tỏ tình” mộc mạc đến khó tin
Theo lời bà Thủy, bà sinh năm 1938, mồ côi mẹ từ nhỏ, bố lấy vợ hai. Bà không còn nhớ mình rời quê đi tha phương từ lúc mấy tuổi, chỉ biết đến Hà Nội thì gặp ông và được “tỏ tình” năm 1969: “Ông ấy có ngỏ lời chứ, mình phận nữ ai lại đi nói trước làm gì, thời nay như thế được chứ ngày xưa tôi không thế”.
Và những lời ông Thành từng nói với bà Thủy vào ngày 26/9/1969 có lẽ được xem là một trong những lời “cầu hôn” ngắn gọn và khô khan nhất trong những câu chuyện tình. Bà kể:
“Hôm đấy, ông ấy hỏi tôi:
- Tôi có mỗi cái quần thủng, có chịu về ở với tôi không?
- Có.
- Thế bao giờ về?
- Về luôn.
Tính tôi nóng tính, thẳng tính thế đấy, nên không cần lôi thôi. Người lang thang lại gặp kẻ lếch thếch, dựa nhau mà sống, có cái chỗ chui ra chui vào như bây giờ là may mắn lắm rồi”.
Kể từ đó, ở đâu có ông, ở đó là mái ấm của bà: “Với kẻ lang thang không người thân thích như tôi, cái bè này với ông ấy là tổ ấm hạnh phúc nhất rồi”.
Có quê hương nhưng không có gia đình, lại thêm chuyện đi lại tốn kém và mặc cảm về hoàn cảnh nên họ cũng hiếm khi về thăm quê. Hơn 40 năm chung sống, ông bà có đôi lần về Thái Bình – quê bà Thủy, nhưng chưa một lần được trở lại vùng quê giáp Lào, Thanh Hóa thăm lại người thân của ông.
Giọng bùi ngùi, ông bảo: “Tôi cũng muốn về lại quê lắm. Nếu gặp được những người ở thời của tôi, họ cũng vẫn nhận ra mình. Nhưng xa xôi quá, tiền ăn còn không đủ thì lấy đâu tiền tàu xe mà về”.
Ngôi nhà không số, phố không tên, “người dưới lỗ chui lên”
Căn nhà hiện tại của ông bà được dựng nổi ven bờ sông Hồng, dưới là hơn hai chục chiếc thùng phuy làm bè, trên là căn lều ghép gỗ ông tự tay đóng dần từ những tấm ván lượm lặt. Nghe những người đến chơi thường gọi đùa là “nhà không số, phố không tên”, bà bảo phải thêm cả “người dưới lỗ chui lên” nữa mới đủ, và tự nhận vợ chồng mình là “người sắp chết gặp kẻ hết hơi”.
Nói đến chuyện giá như có đứa con đứa cháu trong nhà thì về già đỡ phải lọ mọ nuôi nhau, ông thở dài: “Ai chẳng biết thế, cũng muốn đấy nhưng chuyện con cái là cái số ông trời sắp đặt, đâu phải cái gì cứ thích nặn là nặn được đâu”. Với ông bà, dường như không có con cái là chuyện phải chấp nhận, có muốn cũng không cưỡng lại được số trời. Nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, có lẽ trời thương nên mới để vậy, vì sợ họ nuôi nhau sống qua ngày còn khó, nói gì đến việc gồng gánh thêm một miệng ăn.
Căn bếp nơi hàng ngày bà Thủy ở nhà lo cơm nước, nuôi gà, ông Thành đi nhặt rác kiếm vỏ chai đem bán
Đã 4 năm nay, sức khỏe yếu dần, bà Thủy chỉ loanh quanh ở nhà cơm nước, chờ chồng đi nhặt rác, bán phế liệu mỗi ngày. Kể về những ngày còn khỏe, còn là “đồng nghiệp” của nhau, bà bảo: “Đi nhặt rác phải qua cầu sang tận Hà Nội, mà tôi nào có biết đường nên đi đâu ông ấy cũng dắt theo không lạc. Từ sau lần tôi đi lẫn ra tận Lăng Bác, phải hỏi đường không biết bao nhiêu lần mới về đến nhà là ông ấy không bao giờ cho đi một mình nữa”.
Bà kể, ngày đó chưa có “nhà” như bây giờ, hai vợ chồng chỉ ngủ tạm vỉa hè trên phố, cứ bị đuổi chỗ này lại lân sang chỗ khác. “Gia tài” chỉ là vài ba chiếc xoong nồi cũ được người ta cho để đun nấu. Ông quý lắm, sợ mất nên đi ngủ cũng phải xỏ dây đeo chằng chịt quanh cổ như "phi công nhảy dù", vậy mà vẫn có lần bị lấy cắp: “Người ta cũng phận lang thang như mình, nhưng mình còn sướng hơn vì có cái nồi mà thổi nấu. Quẫn quá, túng quá nên cứ phải ăn cắp quẩn của nhau đấy thôi” - bà phân trần.
Không một ngày đi học vẫn viết được thơ tình tặng vợ
Tạm bỏ qua những nỗi lo cơm áo gạo tiền, đời sống tinh thần của ông bà dường như không có chút gì giống một cảnh đời “người lang thang gặp kẻ lếch thếch”. Nếu gặp ông bà trên đường phố, tận mắt chứng kiến những ánh nhìn âu yếm họ dành cho nhau và lắng nghe những câu chuyện pha trò tếu táo, ít ai tin được họ chính là cặp vợ chồng “nhặt được nhau từ bãi rác”.
Ở tuổi gần 80, ông Thành vẫn khá khỏe mạnh và minh mẫn
Ở tuổi gần 80, nom ông Thành vẫn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Bà Thủy tuy yếu hơn, không còn đi nhặt rác được khắp nơi nhưng vẫn còn khá nhanh nhẹn. Theo lời ông, có lẽ do ông chịu khó vớt xác trôi sông giúp người, người ta thấy cái tâm đức của mình nên phù hộ cho mạnh khỏe mà kiếm ăn. Những lời bông đùa với giọng nói sang sảng của ông cùng những tràng cười sảng khoái của bà dễ khiến người ta nhầm họ là một cặp đôi hạnh phúc với con cái đề huề, đang tận hưởng những năm tháng an nhàn của tuổi già.
Với tinh thần lạc quan hiếm có, ông Thành, bà Thủy luôn có những cái nhìn và cách nghĩ khá tích cực để động viên nhau vượt lên số phận. Trong một bài thơ tự làm, ông từng viết:
"Bao năm đầu đường không nơi trú
Quần áo hôi mù chẳng chỗ phơi
Đông về giá lạnh chui bao tải
Quấn tròn che gió cũng qua đêm
Hàng ngày tung tăng trên hè phố
Bao tải trên lưng tựa quân hành"
Đêm đêm đi nhặt rác bán lấy tiền, sáng về ông lại cùng bà nhâm nhi chén nước, trông nom đàn gà mua được từ tiền từ thiện. Ngồi ven ô cửa sổ nhìn ra cây cầu Long Biên cũ kỹ, rít một hơi thuốc lào giòn giã, ông thong dong nhả từng làn khói thuốc, tay cuốn sổ, miệng nhẩm lại những bài thơ ông từng viết cho bà, cho ông, cho chính những năm tháng họ từng cùng nhau san sẻ:
"Xưa kia tôi mới gặp bà
Tuổi đời còn trẻ, tóc vẫn là còn xanh..." (Ảnh: Lê Cao Hải)
Ông kể, từ nhỏ đã mồ côi bố mẹ, ông chưa một ngày được đi học, chỉ toàn tự học mót cho biết chữ. Lật tìm thơ từ trang sổ thơ giấy đã ngả vàng, ông tỏ vẻ ái ngại: “Thơ này chỉ ông đọc được thôi, chữ nghĩa nó chệch choạc không đúng, các cháu không luận được đâu”. Ấy vậy mà nghe những câu thơ lục bát đúng vần đúng điệu, ít ai tin được rằng tác giả chỉ là một ông lão sống bằng nghề bới rác, tự học chữ để xóa mù và chưa một ngày đến lớp.
Ngồi trò chuyện với khách đến chơi, thi thoảng bà lại ngó ra ngó vào xem ông đang ở đâu, chốc chốc lại giục ông ăn cơm đi cho đỡ đói: “Từ sáng đến giờ ông ấy đã ăn gì đâu, cơm tôi cứ nấu để đấy. Thức ăn thì đi xin khắp cả, có mấy anh ở gần, họ ăn thừa lại để vào tủ lạnh, sáng ra đem xuống cho mà nấu, thiếu thì thái thêm cây chuối non làm rau là được”.
Gần 4 giờ, bà đã nhấp nhổm đi nấu cơm không tối. Nhà không có điện, ông bà chỉ có chiếc ắc quy ô tô đã cũ để dùng tạm, mà theo lời ông thì chỉ thắp điện được 2 ngày đã phải sạc. Mỗi lần sạc mất 20 ngàn đã đành, ông còn phải lóc cóc dong xe từ dưới bãi lên cầu Long Biên qua những bậc cầu thang dốc đứng, nhờ người bê lên bê xuống chiếc ắc quy, rồi đạp xe sang tận Hà Nội mới có chỗ sạc...
Từ căn bếp củi chưa đầy mét vuông, bà Thủy lại cặm cụi nhóm lửa, khói bếp đặc sệt lảng vảng khắp nhà. Vẫn như mọi ngày, sau bữa cơm chiều, ông lại giúp bà lùa lũ gà vào chuồng, vào nhà chợp mắt một lát lấy sức đến 11, 12 giờ đêm dậy đi nhặt rác. Ông bảo: “Bây giờ người đi nhặt như tôi nhiều lắm, rồi công nhân quét rác ai cũng đeo cái túi vào xe để đựng vỏ chai nữa. Tôi phải đi ban đêm may ra mới kiếm được ít sắt vụn mà bán lấy hai ba chục một ngày”.
"Xuân về đến khắp mọi nhà - Còn tôi vẫn thấy như là ngày dưng..."
Một bài thơ ông viết để tri ân những nhà hảo tâm, những người đã quan tâm, giúp đỡ vợ chồng ông trong cuộc đời
Con đường quen thuộc ông đi mỗi lần vào thành phố lượm vỏ chai
Bà Thủy vui vẻ khoe khách đến chơi lọ hoa cưới muộn màng
Những chiếc thùng phuy đang dùng đã han gỉ, ông bà đã được một đơn vị tài trợ loạt thùng để chuẩn bị thay mới
Biết bà đau chân mỏi gối, đi làm về ông lại chịu khó giúp bà trồng trọt, trông nom đàn gà.
Một bài thơ không tựa đề, ông viết về phận đời phiêu dạt với rất nhiều cái tết xa quê: Xuân về đến khắp mọi nhà Mà tôi vẫn thấy như là ngày dưng Hàng ngày bao tải trên lưng Bới rơm, nhặt rác, nhặt từng mảnh chai Cúi lưng đứng dậy thở dài Nghĩ mà số phận chông gai đời người Ở đời ai chẳng muốn cười Thay vì nước mắt lệ rơi nhạt nhòa Con người là phải có nhà Con chim có tổ, đấy là niềm vui Thôi đành thôi thế thì thôi Mặc cho bèo dạt mây trôi cũng đành Sống sao tâm đức trong lành Cho người khỏe mạnh, yên lành mà thôi. Một bài thơ khác, thể hiện cách nghĩ lạc quan của vợ chồng già trong hoàn cảnh khốn khó: Ơn sâu nghĩa nặng không quên được Giúp cho kẻ nghèo nàn tái hồi sinh Bao năm đầu đường không nơi trú Quần áo hôi mù chẳng chỗ phơi Đông về giá lạnh chui bao tải Quấn tròn che gió cũng qua đêm Hàng ngày tung tăng trên hè phố Bao tải trên lưng tựa quân hành Vẫn vui vẫn cười, xua tan đời bất hạnh Chẳng nhẽ đời người mãi thế sao? |