Vợ chồng không có nghĩa là phải chia sẻ tất cả mọi thứ. Đôi khi bạn cũng phải giữ lại những điều cho riêng mình.
Hôn nhân là một phạm trù không ai có thể nắm chắc mọi thứ về nó. Để giữ gìn một cuộc hôn nhân hạnh phúc cũng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Hôn nhân cần sự chung thủy, kiên nhẫn, tình yêu và sự giao tiếp chân thành. Đôi khi, vợ chồng bạn gặp những trục trặc và mọi người đưa ra lời khuyên giúp bạn. Tuy nhiên, không phải tất cả những lời khuyên đều đúng với thực tế. Bởi vậy, hãy khéo léo xử lí tình huống của bạn để tránh làm tổn hại tới hạnh phúc gia đình.
Dưới đây là những lời khuyên cho hôn nhân bạn không nên nghe theo và áp dụng:
Hôn nhân cần sự chung thủy, kiên nhẫn, tình yêu và sự giao tiếp chân thành. (Ảnh minh họa)
Không bao giờ đi ngủ khi tức giận
Khi vợ chồng xảy ra những tranh luận, mâu thuẫn, bạn đã từng được nghe một số lời khuyên kiểu như: Dù có bất cứ vấn đề gì, hai bạn cũng cần phải nói cho rõ ràng, dứt điểm, tuyệt đối không nên mang tâm trạng bực dọc, tức tối đó lên giường ngủ vì nó sẽ ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng. Vợ chồng một khi đã lên giường đi ngủ thì không nên còn những cảm xúc bí bách trong lòng.
Nhưng… lời khuyên này không hẳn tốt cho mối quan hệ và chắc chắn là không tốt cho sức khỏe của bạn.
Mặc dù không ai muốn đi ngủ trong tâm trạng tồi tệ, nhưng đôi khi, một giấc ngủ ngon, sâu sẽ giúp bạn có tinh thần thoải mái hơn vào sáng hôm sau và có được những suy nghĩ thấu đáo. Hãy hình dung xem, sau một ngày làm việc mệt mỏi, hai vợ chồng xảy ra va chạm, đêm đã muộn mà cả hai vẫn ngồi để gặng hỏi, kết tội, phán xét nhau thì tình hình có được cải thiện?
Mặc dù không ai muốn đi ngủ trong tâm trạng tồi tệ, nhưng đôi khi, một giấc ngủ ngon, sâu sẽ giúp bạn có tinh thần thoải mái hơn vào sáng hôm sau và có được những suy nghĩ thấu đáo. (Ảnh minh họa)
Từ 10h đêm trở đi là lúc cơ thể cực kì mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Đó không phải là lúc bạn bình tĩnh hay tỉnh táo để phân tích tình hình. Tốt nhất, hãy tạm thời “đình chiến”, lên giường đi ngủ. Sáng hôm sau, khi bạn có một thể trạng tốt, bạn sẽ nghĩ thông vấn đề hơn. Đừng ngồi cãi nhau đến khuya với một cơ thể uể oải, buồn ngủ và đầu óc không còn tỉnh táo bởi vì nó chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn mà thôi.
Lúc nào cũng phải cố gắng mang lại hạnh phúc cho người kia
Tất cả chúng ta đều muốn mang lại hạnh phúc cho người mình yêu, nhưng điều đó không có nghĩa là phải làm bằng mọi giá và quên đi giá trị của bản thân mình.
Bạn biết không, khi bạn chỉ chăm chăm làm vừa lòng đối phương mà bỏ qua bản thân mình, bạn sẽ rất dễ bị tổn thương bởi vì luôn thấy mình không được đáp đền như cách mình đã cho đi.
Vì thế, hãy nhớ rằng, hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc vợ chồng cần phải được song hành cùng nhau. Bạn cũng cần có thời gian, tâm trí để làm những điều mình muốn, những ước mơ của mình. Khi bản thân bạn được vui vẻ, hạnh phúc, bạn sẽ thoải mái để làm vì người kia hơn. Đừng lúc nào cũng hi sinh bản thân mình vì người kia, hãy dành thời gian cho nhau và cùng nhau tạo ra những kỉ niệm nhưng bên cạnh đó phải quan tâm cả tới bản thân mình.
Đừng lúc nào cũng hi sinh bản thân mình vì người kia, hãy dành thời gian cho nhau và cùng nhau tạo ra những kỉ niệm nhưng bên cạnh đó phải quan tâm cả tới bản thân mình. (Ảnh minh họa)
Bạn không thể thay đổi người bạn đời
Bạn hoàn toàn có thể tạo ra sự thay đổi ở người bạn đời, tất nhiên, điều đó không có nghĩa là biến người A thành người B như mình mong muốn. Nhưng, khi bạn có cái nhìn khách quan và nhận ra rằng đối phương có những điểm khiếm khuyết cần phải sửa chữa, bạn hoàn toàn có thể giúp người kia khắc phục.
Để thay đổi được những thói quen xấu, những điều chưa tốt, động cơ đầu tiên trong bạn phải là… để người đó tốt lên chứ không phải với mục đích hạ bệ đối phương, khiến họ phải thừa nhận rằng mình chưa tốt. Bằng tình yêu thương thật lòng, sự chân thành và kiên trì, bạn có thể từ từ giúp bạn đời nhận ra thiếu sót của mình và sửa chữa.
Nếu đối phương không tốt như bạn mong đợi, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể ly hôn
Khi bạn bước chân vào hôn nhân hoặc đang sống trong mối quan hệ vợ chồng mà luôn để tư tưởng “Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể ly hôn”, không sớm thì muộn, bạn cũng khiến cho hôn nhân của mình đổ vỡ.
Hôn nhân là một trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời của bạn. Nó là một mối quan hệ giữa cho đi và nhận lại. Quan trọng hơn cả, hôn nhân là một giá trị thiêng liêng mà bạn cần phải giữ gìn. Hôn nhân không phải là chiếc áo để không thấy hợp là ném đi và thay cái khác. Bạn luôn phải có suy nghĩ trân trọng và giữ gìn trong đầu thay vì để tư tưởng: “Tôi có thể ly dị đấy”. Chỉ có cách như vậy mới khiến bạn tìm mọi cách để bảo vệ hôn nhân của mình.
Vợ chồng là phải chia sẻ hết với nhau mọi chuyện
Chúng ta cần phải chung thủy và trung thực trong hôn nhân, đó là điều cần thiết. Sự giao tiếp, sẻ chia là chìa khóa để vợ chồng hiểu nhau hơn và giúp hôn nhân bền vững.
Nhưng thực tế cuộc sống có những điều không phải lúc nào nói ra cũng là tốt. Chúng ta không nói không phải là thái độ che giấu và lừa dối, đơn giản là chúng ta đang làm giảm đi những áp lực cho hôn nhân, làm giảm đi những điều tệ hại nếu sự thật đó bị phơi bày.
Chúng ta cần phải chung thủy và trung thực trong hôn nhân, đó là điều cần thiết. Sự giao tiếp, sẻ chia là chìa khóa để vợ chồng hiểu nhau hơn và giúp hôn nhân bền vững. (Ảnh minh họa)
Tất nhiên, câu chuyện điều gì có thể giấu, điều gì nên nói ra là một phạm trù không có kết luận rõ ràng. Chỉ có bạn là người trong cuộc mới hiểu điều gì có thể làm tổn hại cho hôn nhân của mình để cân nhắc và quyết định có nên chia sẻ hay không. Chỉ cần khi bạn làm những điều đó, bạn luôn vì mục tiêu bảo vệ hạnh phúc, bạn sẽ có được cách xử lí hợp lí nhất.
Muốn hạnh phúc, phải bỏ qua mọi lỗi lầm cho nhau
Hôn nhân cần sự tha thứ, bởi lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có thể phạm sai lầm. Nếu chúng ta cố chấp và không bỏ qua, mối quan hệ khó mà bền vững được.
Nhưng sự tha thứ không đồng nghĩa với việc im lặng và cho qua như không có chuyện gì xảy ra. Việc bạn không nói ra sẽ chỉ làm cho tình hình thêm tệ hại.
Trước những sai lầm, tội lỗi của bạn đời, chúng ta cần phải nói ra. Việc này giúp đối phương nhận ra lỗi của mình và giúp chính bạn không bế tắc khi phải ôm hàng tá những bực dọc vào người. Chúng ta tuyệt đối không nên im lặng cho qua vì nghĩ đó là cách để bảo vệ hôn nhân. Bạn cần phải nói thì đối phương mới biết cái sai của mình để sửa chữa. Sau khi góp ý chân thành, giai đoạn tiếp theo mới là lúc có sự xuất hiện của bao dung và tha thứ.
Những lời khuyên cho hôn nhân không phải lúc nào cũng đúng và chỉ có bạn hiểu rõ nhất bạn đời của mình, vì thế, hãy nghe theo trái tim của chính mình trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống.