Sống cùng anh, tôi dần chai sạn cảm xúc giống như “miễn dịch” với sự tủi hờn để thích nghi được với sự vô tâm của chồng. Buồn rằng, chồng tôi lại coi sự nhẫn nhịn đó là trách nhiệm đương nhiên của một người vợ nên anh mỗi ngày một thêm quá đáng.
Thời gian đầu mới kết hôn, tôi thực sự stress với lối sống bảo thủ, gia trưởng của chồng. Hai đứa từng cãi nhau không ít lần nhưng nói mãi chồng không thay đổi, tôi đành nhún nhường cho nhà cửa yên ấm.
Cưới gần 2 năm tôi mới có bầu, cứ nghĩ sẽ được chồng tâm lý, chiều chuộng hơn nhưng ngược lại anh vẫn vô tâm như thế. Suốt 9 tháng tôi mang thai, anh vẫn đi sớm về khuya, mặc vợ một mình tự lo liệu. Thậm chí ngày tôi vỡ ối vào viện sinh cũng chỉ có một mình. Tôi gọi điện giục anh vào làm thủ tục giấy tờ cho vợ đẻ, anh còn cằn nhằn mắng vợ không biết chọn lúc đẻ vì anh đang ngồi uống bia với bạn bè.
Sống cùng anh, tôi dần chai sạn cảm xúc giống như “miễn dịch” với sự tủi hờn để thích nghi được với sự vô tâm của chồng. Buồn rằng, chồng tôi lại coi sự nhẫn nhịn đó là trách nhiệm đương nhiên của một người vợ nên anh mỗi ngày một thêm quá đáng.
Chồng tôi vô tâm, sống íc kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. (Ảnh minh họa)
Vất vả nhất là đúng thời điểm tôi sinh, mẹ đẻ ngã gãy tay không lên chăm con gái được. Bên nội thì bố chồng tôi ốm, mẹ chồng phải ở nhà phục vụ ông. Vậy là ngay sau khi xuất viện, tôi đã phải tự xoay xở mọi việc, tự chăm con, chồng tuyệt nhiên không giúp đỡ. Đêm vừa đau vết mổ, vừa nhức sữa mà con khóc vẫn phải nghiến răng ngồi dậy dỗ, chồng ôm gối sang phòng khác ngủ một mạch tới sáng, chẳng hỏi han. Vậy nhưng hễ tôi nói là anh lại mắng:
“Ai đẻ mà chẳng phải tự chăm con, làm những việc đó. Cô sợ vất vả còn đẻ làm gì?”.
Khổ nhất là khoản ăn uống, chồng tôi vốn áp đặt chuyện bếp núc nội trợ là của đàn bà nên khi ở cữ, tôi không có người nấu nướng cho. Chồng tôi cứ ngày 3 bữa ngoài quán, vợ anh cắm cho nồi cơm ăn cả ngày, hấp 2 quả trứng với luộc cho nắm rau. Suốt nửa tháng trời như thế, tôi ngán tới mức chỉ nhìn thấy trứng đã sợ, người thiếu chất gầy xanh, con cũng vì thế không có sữa bú, quấy đêm quấy ngày. Thương thằng nhỏ quá, tôi giục chồng:
“Anh tranh thủ mua thức ăn về nấu cho vợ bữa cơm đổi bữa chứ ngày nào cũng trứng hấp, rau luộc thế này em ăn sao được mãi. Với lại mẹ có ăn đủ chất, con mới đủ sữa bú”.
Anh gắt lại:
“Cô bớt đòi hỏi đi. Tôi đi làm về phải cơm nước hầu vợ, cô không biết điều lại yêu sách. Hơn nữa có trứng ăn là quá tốt rồi, ngày xưa các cụ còn chẳng có trứng mà ăn, thế mà nuôi con vẫn béo khỏe đấy thôi”.
Quá nản với suy nghĩ của chồng, tôi định lặng im cho xong chuyện, tránh to tiếng. Không ngờ đúng lúc anh đang xối xả mắng vợ thì mẹ chồng tôi tới. Bố chồng tôi khỏi ốm, bà lo cho con dâu, bắt xe lên chăm tôi luôn. Gặp đúng cảnh con trai đối xử tệ bạc với vợ, bà nổi nóng đi thẳng vào trong mắng:
Mẹ chồng tôi tuyên bố cho con trai ăn trứng luộc một tuần thay vợ. (Ảnh minh họa)
“Bà chửa cửa mả, phụ nữ sau sinh mất sức, anh không thương, không chăm lại còn ở đó mà to tiếng với nó à? Anh làm chồng, vợ đẻ không nấu được cho một bữa cơm, có xứng làm chồng, làm cha không? Được. Nếu anh nói có trứng ăn là tốt rồi, vậy thì từ mai tôi cho anh ăn trứng thay vợ. Xem anh thấy thế nào”.
Nói là làm, từ hôm ấy, mỗi bữa mẹ chồng tôi đều nấu thành 2 khẩu phần ăn riêng. Con dâu bà làm thịt cá đầy đủ, còn con trai bà hấp riêng cho 2 quả trứng, không cho động đũa vào món khác. Ăn được 2 ngày, anh kêu ầm:
“Mẹ suốt ngày bắt con ăn trứng thế, làm sao con nuốt được?”.
Thế là bà đập đũa xuống bàn, đỏ mặt chỉ tay:
“Chính miệng anh nói có trứng ăn là tốt lắm rồi mà. Anh mới ăn 2 ngày đã kêu không nuốt nổi mà bắt vợ ăn nửa tháng trời? Tôi sẽ cho anh ăn trứng đủ từng đó ngày cho anh thấm”.
Đến lúc ấy chồng tôi mới rối rít nhận sai. Từ đó anh dần dần thay đổi, biết quan tâm, chăm lo cho vợ hơn.