Nhờ cắm dưỡng hoa cầu kỳ mà đầm sen mini trong nhà của chị Nga giữ được hẳn 4 ngày mới tàn. Đó cũng là tuổi thọ tối đa của dòng sen bạch liên.
Tháng 5 đến tháng 7 là mùa sen nở rộ, vào thời điểm này nhiều chị em rủ nhau tới đầm sen để thưởng hoa, chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm. Chị Trần Vân Nga (hiện sống ở Ecopark, Hưng Yên) cũng vậy, nhưng kế hoạch ngắm sen của chị đã thất bại vì trời mưa suốt. Vậy là chị Nga và hàng xóm đã tìm trên Facebook mua hoa sen về để biến nhà thành đầm sen trong mơ, hiện hữu trong nhà ít nhất 48 tiếng cho thỏa thích ngắm nghía, hít hà.
Chị Trần Vân Nga là một người rất yêu hoa sen, năm nào chị cũng cắm vài bình trong nhà để ngắm cho thỏa thích.
Chia sẻ lý do tại sao chọn sen bạch liên, chị Vân Nga cho biết chị thích cả sen trắng và sen hồng, nhưng đầm sen báo số lượng hoa trắng nhiều và bông to hơn. Ngoài ra, chị nghĩ màu trắng cũng tinh khôi, nhẹ nhàng, hợp với lối kiến trúc tối giản của căn nhà, giúp ngôi nhà sáng sủa hơn trong những ngày mưa nên chị đã biến nhà, vườn mình thành đầm sen bạch liên mini.
“Nghĩ cắm số lượng sen lớn phải tìm chỗ mua buôn mới có giá tốt, mà phải mua nhiều nên tôi rủ hàng xóm mua chung. Lần đầu tiên tôi mua với số lượng lớn thế này nên ước lượng chưa được chuẩn lắm, cho nên khi đầm sen mang một xe tải hoa đến, tôi hơi sốc. Nhưng tôi thấy giá không quá đắt, 800 bông sen bạch liên gồm cả lá già, lá non, đài sen giá hơn 3 triệu một chút”, chị Vân Nga chia sẻ.
Căn nhà ngập tràn hoa sen, khiến ngôi nhà sáng sủa hơn và tràn ngập hương thơm.
Nghĩ tới đầm sen trong tưởng tượng, chị phải định thần một lúc để bắt tay vào làm. Những 800 bông sen, cắm thỏa thích thật nhưng chị Nga cũng gặp một chút khó khăn trong khâu chuẩn bị dụng cụ để cắm.
Chị cho hay: “Với số lượng hoa nhiều như thế tôi cần đến 10 cái chum, nhưng nếu cắm chum thì cắm xong tôi lại không biết đặt ở đâu cho thích hợp. Chợt nghĩ có mấy chậu trồng cây, mấy cái đôn kê chậu hoa sẵn có trong nhà, tôi dùng 2 túi nilong lồng vào để giữ nước rồi tính lấy lá sen che đi”.
Lúc đầm sen giao hoa tới đã là 9 giờ tối, chị Nga hì hục bưng bê, sắp đặt đến 1 giờ sáng thì cắm xong được 500 bông. Mệt quá nên chị đành tạm gác lại, đến sáng hôm sau dậy cắm tiếp.
Thế nhưng khi thức dậy, chị lại gặp sự cố. Một số túi nilong bị thủng khiến nước rò rỉ ra ngoài nên chị phải rút hoa ra cắm lại, tới 12 giờ trưa mới xong xuôi và có những bức hình đầu tiên.
Những bông hoa sen lúc mới được cắm vào lọ vẫn còn e ấp, chưa hé cánh.
Với những bình hoa to, chị Nga cắm kiểu đan cài các cành sen vào nhau. Tuy nhiên với cách cắm này, nếu không có kinh nghiệm thì những bông đầu tiên sẽ bị nghiêng ngả. Để việc cắm hoa dễ dàng hơn, chị dùng một cái lá sen đặt trên miệng bình/lọ để định vị cành sen theo ý muốn, cắt vát cành sen để có mũi nhọn cắm xuyên qua lá sen. Lá sen ấy vừa giúp bình sen trông duyên dáng hơn và vừa có tác dụng hứng cánh sen khi rụng xuống để việc dọn hoa đỡ mất công hơn.
“800 bông hoa tôi cắm được 12 bình, mất khoảng 6 tiếng. Tuy hơi mệt nhưng nhìn thành quả tôi cảm thấy rất xứng đáng và thỏa mãn. Lúc sen nở tha hồ ngắm và thư giãn”, chị Nga hạnh phúc nói.
Không chỉ cắm trong nhà, chị Nga còn cắm vài bình sen bạch liên ở ngoài vườn.
Những người yêu hoa đều biết, nếu không biết cắm và dưỡng sen thì hoa khó nở và rất nhanh tàn. Nhưng nhờ cắt và giao hoa trong ngày, chăm dưỡng hoa cầu kỳ mà đầm sen mini của chị Nga giữ được hẳn 4 ngày mới tàn. Đó cũng là tuổi thọ tối đa của dòng sen bạch liên.
Chia sẻ về bí quyết giữ hoa sen được lâu, chị Nga cho biết: “Tôi học hỏi kinh nghiệm cắm hoa sen trong các hội nhóm trên Facebook rồi đúc kết qua nhiều mùa sen thành kinh nghiệm của bản thân. Tôi thấy, cành sen có rất nhiều ống để hút nước, cấp nước cho hoa. Nếu cành héo hoặc chứa nhiều không khí bên trong ống thì nước không hút lên được.
Vì vậy khi mua sen về tôi ngâm ngập cành sen trong nước tầm 30 phút cho cành sen tươi, sau đó dốc ngược cành sen lên rồi dùng vòi hoa sen phun nước vào để nước chảy xuống cổ bông, đẩy không khí ra ngoài rồi mới cắm. Như vậy đảm bảo hoa nở căng cánh”.
Bên cạnh đó, chị Nga lưu ý thêm rằng không nên đặt bình sen trước quạt hay dưới điều hòa, nếu không hoa cũng không thể nở được, bởi khi ấy những cánh hoa bên ngoài sẽ bị khô héo, bó chặt lại. Khi sen nở, muốn hãm cho sen tươi lâu thì nên thả vào nước ít đá lạnh, cách này sẽ làm giảm nhiệt độ của nước, giữ sen lâu rụng hơn.
Kỳ công cắm hoa nhưng chỉ giữ được trong thời gian ngắn, tuy nhiên mẹ đảm Hà Nội và gia đình vô cùng thư giãn, tận hưởng khoảng thời gian trưng sen trong nhà. Đặc biệt, khi thấy nhà biến thành đầm sen mini, chồng chị Nga đã “lặng người đi” vì đẹp và nể phục sức khỏe của vợ.
Ngoài hoa sen bạch liên, chị Nga thỉnh thoảng còn cắm cả sen hồng.
“Bạn bè, họ hàng thấy tôi đăng Facebook đều khen đẹp và muốn đến ngắm, ngặt nỗi mưa to quá nên chỉ có hàng xóm sang ngắm và chụp ảnh thôi. Ai cũng bảo thích nhưng mọi năm tôi cắm 10 lần, mỗi lần 1 bình, năm nay 1 lần cắm hơn 10 bình, hạn mức chi tiêu cho mùa sen dùng hết rồi nên đợi mùa sau thôi”, chị Nga chia sẻ.