Nhóm thanh niên nấu lẩu bằng ấm siêu tốc, dân mạng chỉ ra sai lầm chết người

Nhật Linh - Ngày 14/10/2020 18:57 PM (GMT+7)

Ấm siêu tốc có công suất khá cao. Do đó, để đảm bảo an toàn, người dùng nên cắm điện vào một ổ riêng.

Ấm siêu tốc chỉ có chức năng duy nhất là đun nước, nhưng có một số người dùng sử dụng chúng để nấu canh, luộc rau, luộc trứng, luộc thịt,… thậm chí là nấu lẩu.

Gần đây, trên TikTok đang lan truyền clip một nhóm thanh niên hồ hởi ăn lẩu bằng ấm đun siêu tốc, bất chấp nhiều nguy hiểm dù trước đó có không ít những cảnh báo về việc lạm dụng ấm siêu tốc vào mục đích khác gây cháy nổ, chập điện. 

Nhóm thanh niên nấu lẩu bằng ấm siêu tốc, dân mạng chỉ ra sai lầm chết người - 1

Clip 1 lần nữa dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của hành động này trong cộng đồng mạng. Bởi nhiều người cho rằng khi ấm được kích hoạt đốt nóng trong thời gian dài cùng với môi trường xung quanh vương vãi nhiều nước, có nguy cơ rất cao dẫn đến chập điện hay vỡ, nổ ấm siêu tốc khi đang ăn.

Đặc biệt, việc sử dụng ấm cho các việc khác sẽ khiến cặn đóng vào thành ấm và làm nó nhanh chóng bị hỏng; thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Do đó, bạn cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, không được phép nấu ăn trên ấm siêu tốc và chùi rửa cặn cẩn thận nếu đã lỡ nấu trước đây.

Ngoài ra, khi dùng ấm siêu tốc nhiều người còn mắc phải những sai lầm như: 

Cứ để nước đã đun trong ấm, khi cần dùng thì bật lên

Ấm siêu tốc tuy có ưu điểm là thời gian đun rất nhanh, tự động tắt khi nước sôi nhưng lại không có khả năng giữ được nhiệt. Nhiều người lại có thói quen để nguyên trong bình, lúc cần dùng thì bật lên nấu lại.

Việc đun đi đun lại không ảnh hưởng tới chất lượng nước nhưng làm tăng hóa đơn tiền điện. Bởi công suất của bình siêu tốc rất lớn (600-2.500 W). Vì vậy, việc đun đi đun lại nước gây tốn kém điện năng tiêu thụ không đáng có.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như tiết kiệm nhiều điện hơn, bạn nên sử dụng kèm một chiếc phích giữ nhiệt. Khi đun nước bằng ấm siêu tốc, nếu không dùng hết thì nên rót ngay vào phích để giữ nhiệt.

Nhóm thanh niên nấu lẩu bằng ấm siêu tốc, dân mạng chỉ ra sai lầm chết người - 2

Đun nước liên tục

Nhiều người đã sai lầm khi cho rằng nấu nước liên tục sẽ tiết kiệm được nhiên liệu bởi ấm đang nóng sẵn.

Thực tế, dù bạn có đun nước bao nhiêu lần đi chăng nữa thì bình siêu tốc vẫn sử dụng bấy nhiêu điện năng để đun sôi nước, không có khả năng giảm điện năng tiêu thụ.

Hơn nữa, việc đun liên tục như vậy có thể khiến mâm nhiệt của bình vượt quá công suất cho phép nên dễ gây cháy, nổ và hỏng bình. 

Nhiều trường hợp đun nước trong một thời gian dài, rơle nhiệt sẽ tự động ngắt mạch điện làm ấm đun ngừng hoạt động, dù có cắm phích điện vào nguồn nhưng không thấy đèn báo sáng. 

Tốt nhất là sau khi đun nước với ấm siêu tốc 1 lần, hãy để cho ấm nghỉ khoảng 15 phút, khi đã nguội thì bạn mới tiếp tục nấu nước lại lần 2. Điều này không chỉ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều điện năng mà còn tăng được độ bền cho ấm.

Nhóm thanh niên nấu lẩu bằng ấm siêu tốc, dân mạng chỉ ra sai lầm chết người - 3

Đun ấm trong phòng có điều hòa, quạt

Một trong những sai lầm mà người dùng ấm siêu tốc hay gặp phải đó chính là đun ấm trong phòng có điều hòa. Ít ai biết rằng, việc này có thể làm tổn thất lượng nhiệt của cả ấm đun siêu tốc và máy điều hòa.

Cũng giống như sử dụng ấm siêu tốc đun nước trong phòng điều hòa, ấm siêu tốc đun nước khi để trước các luồng gió của quạt cũng sẽ khiến gia đình bạn tiêu tốn nhiều năng lượng điện hơn. Lúc này, không chỉ ấm siêu tốc bị tổn thất lượng nhiệt mà quạt cũng bị tổn thất nhiệt.

Không đổ đúng lượng nước quy định

Trên mỗi ấm siêu tốc đều có vạch min - max để quy định mức nước phù hợp khi đun. Nếu mức nước dưới vạch min (nhỏ nhất) sẽ khiến nước nhanh bị cạn, dễ tạo thành chất cặn trong đáy ấm.

Nếu nước bên trên vạch max (nhiều nhất) sẽ dễ làm nước bị trào ra ngoài, gây chập điện và rất nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

Vì vậy, hãy đổ lượng nước đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, trên mức tối thiểu và dưới mức tối đa.

Nhóm thanh niên nấu lẩu bằng ấm siêu tốc, dân mạng chỉ ra sai lầm chết người - 4

Không đậy nắp hoặc đậy không kín khi đun nước

Rất nhiều người khi cho nước vào ấm siêu tốc để đun nhưng không đóng nắp chặt. Hành động sai lầm này vừa gây tốn điện lại mất nhiều thời gian đun sôi nước hơn. 

Bởi ấm đun nước siêu tốc được thiết kế rơ-le tự động ngắt nguồn điện chỉ khi nắp ấm đã đóng kín. Do vậy, nếu nước sôi mà không được ngắt điện sẽ gây ra nguy cơ cháy nổ, hỏng ấm là rất cao.

Đổ cạn nước trong ấm sau khi sôi

Sau khi nước sôi, hầu như mọi người đều có thói quen đổ hết nước trong ấm ra. Việc làm này cần được bỏ ngay lập tức bởi khi ấm nước sôi, mâm nhiệt vẫn tiếp tục sinh nhiệt dù công tắc điện đã tắt. Nếu không chừa lượng nước trong ấm, mâm nhiệt rất nhanh hỏng.

Vì vậy, nên để khoảng 20 ml nước trong ấm, đợi cho đến khi nguội hẳn rồi mới trút cạn.

Nhóm thanh niên nấu lẩu bằng ấm siêu tốc, dân mạng chỉ ra sai lầm chết người - 5

Cắm chung ấm siêu tốc với thiết bị điện khác

Ấm siêu tốc có công suất khá cao. Do đó, để đảm bảo an toàn, người dùng nên cắm điện vào một ổ riêng.

Ngoài ra, không nên cùng lúc vừa nấu nước, vừa nấu cơm điện, vừa bật bếp điện, bàn là, máy giặt... bởi các thiết bị điện này đều có công suất cao, có thể gây quá tải, tự động ngắt nguồn điện, thậm chí là cháy nổ.

Bỏ 9 thứ này vào lò vi sóng, lò xịn mấy cũng nổ tung như bom hẹn giờ
Lò vi sóng rất thuận thiện cho các gia đình thành thị nhưng nếu không biết sử dụng đây có thể là quả bom nổ chậm trong nhà, cực kỳ nguy hiểm.
Nhật Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹo vặt gia đình