Vùi điện thoại vào thùng gạo có tác dụng gì? Bạn hãy tìm hiểu xem nhé!
Gạo là lương thực phổ biến của gần một nửa dân số thế giới. Thế nhưng, ngoài dùng để chế biến và nấu ăn thì gạo còn có nhiều tác dụng khác trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như làm khô điện thoại di dộng khi bị dính nước.
Không ít người từng làm rơi điện thoại xuống nước hoặc vô tình làm đổ nước vào điện thoại, hay những ngày trời mưa điện thoại cũng dễ bị dính nước khi chúng ta đi ngoài trời mưa. Nếu bị vô nước, điện thoại có thể gặp phải một số vấn đề như bị sập nguồn, loạn cảm ứng, loa bị rè, không kết nối được sim….
Điện thoại rơi xuống nước nếu không xử lý ngay có thể dẫn đến hỏng hóc. (Ảnh minh họa)
Sau khi “cứu” điện thoại ra khỏi nước, nhiều người sẽ dùng khăn lau khô điện thoại rồi thôi, nhưng việc này vẫn chưa đủ, vì nếu nước chảy ngược vào bên trong máy thì bạn khó lòng lấy hết nước ra khỏi thiết bị được. Lúc này, bạn nên tắt nguồn điện thoại đi thay vì kiểm tra thiết bị để tránh tình trạng nước len lỏi vào bo mạch, gây ra tình trạng chạm, đứt mạch điện.
Tiếp theo, bạn nên vùi điện thoại vào trong thùng gạo. Gạo có khả năng hút ẩm cực tốt, có thể giúp hấp thu các giọt nước bám bên trong điện thoại, làm giảm những thiệt hại không đáng có. Đặt điện thoại vào bao gạo từ 1-2 ngày sẽ giúp thiết bị mau ráo nước hơn.
Vùi điện thoại vào thùng gạo có thể giúp làm khô điện thoại nhanh hơn. (Ảnh minh họa)
Một số cách khác để làm khô điện thoại bên trong
- Dùng túi hút ẩm: Đặt điện thoại vào túi hút ẩm, hộp hút ẩm từ 1-2 ngày cũng có tác dụng làm khô bên trong máy hiệu quả.
- Sử dụng máy hút bụi: Dùng máy hút bụi chuyên dụng dành cho điện thoại, máy tính sẽ giúp hút bớt nước bám vào bên trong điện thoại, giúp thiết bị nhanh khô hơn. Lưu ý, bạn không nên sử dụng các loại máy hút bụi thông thường để làm khô điện thoại, vì chúng có công suất lớn nên có thể làm hư hại điện thoại.
- Đặt điện thoại trên khăn mềm hoặc nơi có gió: Đặt điện thoại lên khăn mềm bên cạnh cửa sổ nơi có ánh mặt trời, gió thoáng mát cũng giúp làm khô điện thoại nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn không nên để điện thoại tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu, nếu không điện thoại dễ bị sinh nhiệt, dẫn đến hỏng hóc hơn.
Bạn nên kiên nhẫn chờ đợi 1-2 ngày cho máy khô hẳn rồi hẵng sử dụng, tránh nóng vội mà khởi động lại máy ngay nếu không dễ khiến tình trạng điện thoại trở nên tồi tệ hơn. Sau khi bật nút nguồn và khởi động lại máy, bạn cũng nên kiểm tra xem micro, loa, các cổng kết nối của điện thoại có hoạt động bình thường hay không.