Cảnh sống khó khăn, đông con của nhạc sĩ "Nỗi buồn hoa phuợng" qua lời kể hậu bối

Ngày 09/01/2018 18:51 PM (GMT+7)

Tham gia Người hát chuyện tình tập 8, nữ ca sĩ Đông Đào lần đầu kể lại câu chuyện của nhạc sĩ Thanh Sơn.

Những tác phẩm của nhạc sĩ Thanh Sơn đã in trong lòng nhiều khán giả

Là tác giả của hàng loạt ca khúc nổi tiếng như Hoa tím người xưa, Nỗi buồn hoa phượng, Thương về cố đô, Mùa hoa anh đào, Hồn quê... nhạc sĩ Thanh Sơn là một tên tuổi khiến nhiều người nể phục trong làng nhạc. Trong Người kể chuyện tình tập 8, những tình khúc được yêu thích của cố nhạc sĩ Thanh Sơn đã được các ca sĩ thể hiện lại. 

Như thường lệ, danh ca Phương Dung và Thái Châu sẽ ngồi ghế nóng cùng giám khảo khách mời là ca sĩ Đông Đào. Cô là người may mắn có nhiều kỷ niệm và được nhạc sĩ Thanh Sơn dành nhiều tình cảm khi ông còn sống.

Cảnh sống khó khăn, đông con của nhạc sĩ amp;#34;Nỗi buồn hoa phuợngamp;#34; qua lời kể hậu bối - 1

Danh ca Thái Châu - Phương Dung - Đông Đào.

Nhạc sĩ Thanh Sơn mất ngày 4.4.2012, sau 74 năm rong chơi cuộc đời. Trước khi trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, ông là một ca sĩ. Tuy nhiên, Thanh Sơn không thành công trong nghề ca hát. Ông bắt đầu chuyển hướng sang sáng tác vào năm 1963.   

Những ca khúc trong thời kỳ đầu sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn thường nói về tình cảm của tuổi học trò. Một trong những tác phẩm đầu tay của ông – bài hát Nỗi buồn hoa phượng đã trở thành một ca khúc nổi tiếng những năm đầu thập niên 60. Những ca khúc viết về học sinh như: Màu áo hoa phượng, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn,… hay các bản nhạc trữ tình như: Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào,... được nhiều tầng lớp khán giả đón nhận.

Cảnh sống khó khăn, đông con của nhạc sĩ amp;#34;Nỗi buồn hoa phuợngamp;#34; qua lời kể hậu bối - 2

Nhạc sĩ Thanh Sơn.

Từ 1973, nhạc của ông bắt đầu chuyển hướng sang đề tài quê hương. Ở những vùng miền mà ông đi qua, những con người mà ông gặp trở thành mạch cảm xúc trong hàng loạt ca khúc viết về cố đô Huế, về Bạc Liêu hay vùng ghe chiếu Cà Mau. Những sáng tác của ông có giai điệu giản đơn mà đậm chất dân ca Nam bộ, ca từ mộc mạc, gần gũi nói lên được nhiều cảm xúc của con người.

Chia sẻ về người nhạc sĩ tài ba trong Người Kể Chuyện Tình, Đông Đào thổ lộ cô thường gọi nhạc sĩ Thanh Sơn bằng chú và đã hát nhiều ca khúc của ông như Hoa tím người xưa và Hạ buồn. Ông cởi mở, chân thành với cá tính Nam Bộ thẳng thắn, bộc trực, dễ gây thiện cảm với người đối diện. 

Cảnh sống khó khăn, đông con của nhạc sĩ amp;#34;Nỗi buồn hoa phuợngamp;#34; qua lời kể hậu bối - 3

Ca sĩ Đông Đào bộc bạch, nghệ sĩ Thanh Sơn hiền nhưng dễ giận.

Có nhiều lần, cô hẹn đến nhà thăm nhưng quên mà lỡ hẹn. “Thế là chú giận, bảo tôi đừng đến và quên chú đi khiến tôi phải năn nỉ nhiều lần. Qua tiếp xúc nhiều với nhạc sĩ thì biết gia đình chú khó khăn, đông con. Ngôi nhà nhỏ khoảng 2m8 - 3m, sâu khoảng 10m nhưng sống cả gia đình, cha, con, dâu rể, cháu chắt. Tôi hỏi thăm chú tại sao không cho con cái ra riêng, chú chia sẻ vì vẫn thích gia đình đông đúc. Chú bảo ăn nhiều chứ ở bao nhiêu chẳng được”, Đông Đào kể lại.

Sau giải phóng, Đông Đào cùng vợ chồng nhạc sĩ Thanh Sơn đến Đà Lạt để quay MV Hoa tím người xưa. Cô nhớ mãi lời ông nói: “Ai cũng nhầm Hoa tím người xưa với bài Hoa tím ngày xưa của Hữu Xuân, nhưng thật ra “người xưa” là một kỷ niệm của chú với người yêu tại Thung lũng tình yêu. Người ấy đã bỏ chú ra đi, chú viết bài hát trong sự nhớ nhung, tha thiết”. 

Sau chuyến đi về đến Sài Gòn, ông gọi Đông Đào ra quán cà phê và đưa bài nhạc Mùa đông hoa đào. Nữ ca sĩ bất ngờ bởi ông là nhạc sĩ hay tặng các bài hát cho ca sĩ, nhưng ở Việt Nam, ông chỉ sáng tác ca khúc dành tặng riêng cho cô, bởi quý sự yêu nghề cùng giọng hát của Đông Đào.

Cảnh sống khó khăn, đông con của nhạc sĩ amp;#34;Nỗi buồn hoa phuợngamp;#34; qua lời kể hậu bối - 4

 Danh ca Phương Dung chia sẻ: “Nhạc về mùa hè của Thanh Sơn thường nói về nỗi buồn, điều này chinh phục người hát lẫn người nghe. Tôi khi ấy còn trẻ, đón nhận ca khúc của ông đều cảm thấy lâng lâng niềm cảm xúc. Vì khi ấy mình mới giã từ thời áo trắng, khi mà hè sang, phượng nở, bạn bè rồi chẳng gặp nhau, thì âm nhạc của ông nói hộ niềm tâm tư. Đó là những điều được ông viết trong bài Lưu bút ngày xanh mà tôi thể hiện”.

Cảnh sống khó khăn, đông con của nhạc sĩ amp;#34;Nỗi buồn hoa phuợngamp;#34; qua lời kể hậu bối - 5

Thái Châu cho biết anh ít hát nhạc Thanh Sơn nhưng nhìn thế hệ trẻ hát các ca khúc trong Người Kể Chuyện Tình, trái tim anh liên tục bị nghẹn lại vì xúc động. Anh cho rằng dòng nhạc của Thanh Sơn “ăn tiền” bởi nét trữ tình, rõ ràng, thấm thía từng chữ, nhấn nhá tạo cảm xúc cho người nghe. 

Những ca khúc về tuổi học trò tha thiết, sâu lắng của cố nhạc sĩ Thanh Sơn sẽ được Người Kể Chuyện Tình giới thiệu qua Hoa tím người xưa (Nam Cường), Hạ buồn (Phú Quí), Lưu bút ngày xanh (Triệu Long), Nỗi buồn hoa phượng (Hà Thúy Anh), Hương tình cũ (Thúy Huyền).

Người Kể Chuyện Tình tập 8 với những tình khúc Thanh Sơn – Chuyện tình hoa phượng phát sóng vào lúc 21 giờ thứ năm ngày 11/1/2018 trên kênh THVL1. 

An Nhiên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Âm nhạc