Hoa hậu chuyển giới Việt Nam Trân Đài: "Tôi từng không tin vào tình yêu"

Ngày 21/02/2021 13:00 PM (GMT+7)

Phùng Trương Trân Đài giành chiến thắng đầy thuyết phục tại cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ 2020 (hay còn gọi là Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam).

Hoa hậu chuyển giới Việt Nam Trân Đài: amp;#34;Tôi từng không tin vào tình yêuamp;#34; - 1

Phùng Trương Trân Đài đăng quang ngôi vị tân Đại sứ Hoàn mỹ vào tối 24/1

Sở hữu vẻ đẹp tựa Miss Universe 2017 Demi-Leigh Nel-Peters hay Quán quân The Face 2017 Tú Hảo, Phùng Trương Trân Đài giành chiến thắng đầy thuyết phục tại cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ 2020 (hay còn gọi là Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam). Ít ai biết rằng, trước khi trở thành hoa hậu và có mối tình đẹp với bạn trai người Mỹ, “cô thợ làm nail” từng không tin vào tình yêu.

Chiến thắng của Hương Giang là động lực

- Từ một du học sinh, chị vượt qua nhiều thí sinh để giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2020, chị có ấn tượng gì về cuộc thi?

Khi tham gia cuộc thi, tôi không nghĩ rằng có nhiều người ủng hộ mình đến như vậy. Được mọi người biết đến, yêu thương là điều hạnh phúc nhất và trở thành hoa hậu là điều vượt sự mong đợi của tôi. Ban đầu, tôi chỉ cố gắng hết sức để vào Top 3, thế cũng đã quá vui rồi. Tôi thấy các bạn quá xinh đẹp, tài giỏi nên có phần rụt rè. Hiện tại, tôi cảm thấy rất thoải mái khi đã được là chính mình.

Phùng Trương Trân Đài sinh năm 1992, đang sinh sống và làm việc tại California, Mỹ. Cô đã tốt nghiệp hệ cao đẳng trường Asian American Beauty College chuyên ngành Chuyên viên chăm sóc da. Với vóc dáng gợi cảm cùng chiều cao 1m71, số đo ba vòng 90 - 62 - 91cm, Trân Đài đã xuất sắc vượt qua 8 thí sinh trong đêm chung kết Đại sứ Hoàn mỹ 2020 để giành ngôi vị cao nhất.

- Trở lại với vị thế hoàn toàn mới, chị đặt mình ở đâu khi showbiz mỗi ngày lại có thêm nhiều người đẹp?

Từ chiến thắng của chị Hương Giang tại Miss International Queen 2018 đã cho tôi động lực và nguồn cảm hứng rất lớn. Tôi muốn được sống là chính mình, được cống hiến cho cộng đồng.

Cộng đồng LGBT tại Việt Nam hiện tại cũng được cởi mở và dần thoáng hơn với người chuyển giới. Vì vậy, tôi quyết định quay trở về tham gia cuộc thi, cũng nhân cơ hội này được sống thật với bản thân mình và cũng có thể truyền được cảm hứng cho cộng đồng LGBT.

Quay về nước và trở lại với showbiz, tôi luôn nghĩ mình như một người mới. Sau cuộc thi, tất cả chỉ mới bắt đầu. Do mình đã lâu không tham gia các hoạt động giải trí trong nước nên cũng không quen sân khấu hay ánh đèn. Hiện tại, tôi luôn muốn học hỏi và lắng nghe để trau dồi những kỹ năng mà mình còn thiếu để ngày càng hoàn thiện hơn.

- Ai trở thành hoa hậu cũng có nhiều đối tượng săn đón, còn Trân Đài thì sao?

Đối với tôi, khi đã trở thành một người có sức ảnh hưởng, bản thân luôn tâm niệm rằng phải cố gắng hết sức để giúp cho hình ảnh, tiếng nói của mình nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung ngày càng tốt đẹp hơn. Tôi không thể sống cho riêng bản thân mình được mà vẫn luôn muốn cống hiến cho cộng đồng nhiều hơn là quan tâm đến những điều khác.

Tôi từng nghĩ, người chuyển giới không bao giờ có hạnh phúc viên mãn

Hoa hậu chuyển giới Việt Nam Trân Đài: amp;#34;Tôi từng không tin vào tình yêuamp;#34; - 2

Phùng Trương Trân Đài

- Chị từng chia sẻ phải làm rất nhiều công việc từ phục vụ bàn, thu ngân, người mẫu ảnh khi ở Mỹ. Chị có thể chia sẻ kỹ hơn về quãng thời gian này?

Thực ra việc tôi đi nước ngoài là một cái duyên. Lúc đó, tôi nghĩ rằng việc có thêm kiến thức cũng như nghề nghiệp sẽ giúp một người chuyển giới vững vàng hơn trong cuộc sống.

Bất cứ khởi đầu nào mới cũng sẽ có áp lực và khó khăn riêng. Tôi cũng vậy, tôi phải học tiếng Anh, thay đổi văn hóa, làm quen với những người bạn mới. Ở góc độ tích cực, đôi khi khó khăn và áp lực đó vô hình giúp mình có thể mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Tôi đi học và đi làm 5 ngày 1 tuần, sáng đi học và đi làm về đến tối thì tự nấu đồ ăn sẵn rồi để tủ lạnh hôm sau đi làm đem theo ăn. Tôi tìm mọi cách tiết kiệm để có chi phí trang trải cuộc sống. Đồ trong nhà hư, tôi cũng tự sửa, kể cả chiếc xe đạp hỏng bánh mình cũng mua đồ về thay luôn, cái gì không biết thì tìm hiểu rồi tự làm.

Tuy rằng hơi khó khăn nhưng tôi được trải nghiệm và học hỏi được rất nhiều điều như sự tự lập, cố gắng dù đôi lúc cô đơn, nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Thỉnh thoảng, tôi lại đi dã ngoại cùng với bạn bè để giảm căng thẳng.

Tết mọi năm ở Mỹ buồn lắm. Một mình ở nước ngoài, cũng ráng chuẩn bị đón Tết nhưng cô đơn và không thể nào bằng được khi ở Việt Nam. Nhưng năm nay thì khác rồi, tôi được đón Tết ở Việt Nam bên cạnh gia đình, bạn bè và người thân. Năm nay là một cái Tết không thể nào quên đối với tôi.

- Trong những lúc khó khăn, ai là người chị thường trút bầu tâm sự?

Chắc chắn là gia đình và bạn bè rồi. Mặc dù ở xa nhưng tôi vẫn có thể liên lạc với ba mẹ ở nhà mỗi lúc buồn.

Cuối cùng thì Trân Đài lại là một cô gái hạnh phúc, bởi sau khi được gia đình ủng hộ, chị cũng đã tìm được một người đàn ông hiểu và chia sẻ với mình.

Lúc trước tôi không nghĩ như vậy. Tôi không tin vào tình yêu và luôn nghĩ rằng, một người chuyển giới chắc chắn sẽ không bao giờ có một hạnh phúc viên mãn như người bình thường.

Sau này, khi trưởng thành hơn, gặp được người yêu mình, tôi mới nhận ra rằng tình yêu chỉ đơn giản là mình cứ sống và yêu hết mình rồi sẽ nhận lại được hạnh phúc. Ai cũng có quyền hạnh phúc và các bạn cũng vậy.

Tôi may mắn khi có bạn trai ủng hộ cho sự nghiệp của mình. Anh là người Mỹ. Chúng tôi gặp nhau trong một buổi ăn tối với bạn bè. Anh ấy cảm mến vì thấy tôi vui vẻ và thân thiện.

Sau khi tìm hiểu, cả hai thấy hợp về tính cách và yêu nhau. Chúng tôi quen nhau được hai năm nhưng tôi luôn giấu giới tính của mình.

Cách đây 6 tháng, tôi nói cho anh ấy biết sự thật và lúc đó người yêu ôm tôi khóc. Tôi thầm cảm ơn anh ấy vì chấp nhận tôi. Bạn trai nói đã nghi ngờ giới tính của tôi khi cả hai quen nhau nhưng tình cảm của anh dành cho tôi quá lớn nên anh không gặng hỏi. Từ khi biết tôi là người chuyển giới, anh ấy càng thương tôi hơn.

- Hạnh phúc của một người chuyển giới không dễ dàng như những người con gái khác, chị có nghĩ như vậy không?

Thực ra, không chỉ hạnh phúc của người chuyển giới mà hạnh phúc của tất cả mọi người đều rất khó để tìm được. Ai cũng sẽ có một câu chuyện riêng của mình.

Quan điểm này tùy theo cảm nhận và câu chuyện của từng người. Dù là con gái hay là người chuyển giới cũng như vậy. Đối với tôi, hạnh phúc chỉ đơn giản là được nhìn thấy gia đình mình an yên, ba mẹ mạnh khỏe và được mọi người yêu thương công nhận.

- Trong hành trình sắp tới, chị sẽ cân bằng mọi thứ như tình yêu, công việc và cả chặng đường tại Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2021 ra sao?

Hiện tại, tôi đang tập trung cho công việc và hy vọng dịch Covid-19 sớm hết để có nhiều thời gian chuẩn bị tham gia cho Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế 2021. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ phải cân bằng mọi thứ để có thể dành thời gian cho gia đình mình cũng như người yêu và bạn bè.

Xin cảm ơn chị!

Khi vào Top 3 chung kết Đại sứ Hoàn mỹ 2020, Trân Đài nhận được câu hỏi: “Ngày nay, người chuyển giới không chỉ bị kỳ thị bởi người dị tính mà cả trong cộng đồng LGBT. Điều này xuất phát từ đâu và làm thế nào để hạn chế?”.

Cô tự tin cho rằng: “Người chuyển giới hay đồng tính đều là những người bình thường trong xã hội. Họ đều đóng góp rất tích cực nên mọi người hãy công nhận điều đó. Mình hãy tin vào những gì mình làm, biết mình là ai. Hôm nay em đứng đây, em muốn đem hình ảnh, tiếng nói của mình để góp phần giúp cộng đồng lớn mạnh, giảm dần sự kỳ thị để cộng đồng được sống, làm việc và hạnh phúc như tất cả mọi người”.

Hà An: Mùng 1 Tết ngồi khóc trước cửa nhà Hương Giang và cái Tết đầu tiên sau chuyển giới
Khi nhắc đến Tết, có 2 cái Tết không thể quên trong cuộc đời Hà An. Đó là cái Tết bắt xe lên Hà Nội đến nhà Hương Giang trong hình hài một cậu bé và...
Theo Dung Nguyễn
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nghệ sĩ chuyển giới, đồng tính