Với gương mặt hốc hác, ánh mắt u buồn, vóc dáng gầy gò, bà ngồi lặng lẽ một góc, ăn vội vàng bữa trưa cho kịp giờ tập luyện.
Nghệ sĩ cải lương Bo Bo Hoàng là một trong những "quái kiệt sân khấu" ghi dấu ấn với khán giả. Nay ở tuổi 74, bà vẫn đam mê với sân khấu tuồng cổ và chắp cánh cho các tài năng ở vị trí đào, kép chánh. Mới đây trong hậu trường chương trình Sao nối ngôi, bà đã xuất hiện và bỏ nhiều thời gian, công sức tập luyện cho Hà Mỹ Anh.
Nữ nghệ sĩ thổ lộ: “Tôi 74 tuổi. Tính ra tôi có 70 năm ăn cơm tổ nghiệp. Trong chừng đó thời gian của cuộc đời nghệ sĩ, tôi thăng hoa, xen kẽ vào đó là những khoảng trầm. Lâu lắm rồi, tôi mới có cơ hội trở lại sân khấu. 'Em bé Bo Bo' xin thông qua chương trình, gửi lời chào đến các khán giả thân thương. Tôi mừng và hạnh phúc vì có những chương trình giúp các thế hệ trẻ thêm đam mê, để cải lương sẽ không đi vào quên lãng. Tôi từng dạy nghệ sĩ ba của Hà Mỹ Anh là nghệ sĩ Linh Quang hát và giờ đến tiếp tục thế hệ nối ngôi”.
Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng thời còn trẻ và hiện tại.
Quái kiệt sân khấu Bo Bo Hoàng gầy gò, hốc hác.
Bà ăn vội bữa trưa để kịp giờ tập luyện.
Cái tên Bo Bo Hoàng không rực rỡ, chói sáng như các ngôi sao cải lương cùng thời nhưng mọi người phải công nhận bà là một “quái kiệt” của sân khấu. Đào thương, đào lẳng, đào độc… đều được nữ nghệ sĩ nhập vai ngọt ngào. Tài năng của cô bé Lê Thị Thanh Hoàng được vun đắp từ khi được sinh ra trong đại gia đình có truyền thống sân khấu. Mẹ bà là một cô đào đẹp, tài năng. Cha bà là một kép hát nhưng ông nổi danh với cái tên lẫy lừng “Phượng hoàng” Lê Thành Các - vô địch xe đạp đua của miền Nam một thời.
Mới 4 tuổi, Bo Bo Hoàng được lên sân khấu hát tài tử vào trước giờ diễn. Hằng ngày, bà xem các cô chú trong đoàn ca diễn nên nghệ thuật cải lương ngấm vào tâm hồn bà lúc nào không rõ. Đặc biệt bà không chỉ có giọng hay mà hát rất vững nhịp. Nội ngoại đều “ăn cơm” sân khấu thì như một lẽ dĩ nhiên, nữ nghệ sĩ cũng chỉ biết đi hát, chứ không nghĩ đến việc rẽ lối sang nghề khác.
Cô bé Lê Thị Thanh Hoàng thuở ấy.
Trong giới nghệ thuật cải lương, Bo Bo Hoàng mang một cá tính đặc biệt. Danh tiếng của bà không rực rỡ như những ngôi sao cùng thời hoặc tiền bối, nhưng bà có vị trí rất vững chắc trong trái tim người mộ điệu. Đến giờ, dù ít khi xuất hiện, mỗi khi nhắc tới bà nhiều khán giả vẫn nhớ như in các nhân vật mà bà từng hóa thân.
Cha mẹ Bo Bo Hoàng là chủ gánh hát Bông Mai. Từ nhỏ, bà làm con nuôi của dì, dượng là chủ gánh hát Hoa Sen. Khi đoàn dựng một tuồng cải lương xã hội, bé Thanh Hoàng được chọn vào vai bé gái dắt người cha thương binh đi ăn xin. Lối diễn tự nhiên và giọng ca đầy tiềm năng của bà chinh phục được khán giả.
Bà sinh ra trong gia đình nghệ thuật.
Từ đây, bé Thanh Hoàng lọt vào mắt xanh ông bầu Minh Tơ. Ông đã thành lập đoàn cải lương đồng ấu Minh Tơ với 4 thành viên gồm: Thanh Tòng, Thanh Hoàng, Thành Phượng và Xuân Yến. Các diễn viên nhí diễn xuất sắc các vở tuồng cổ đòi hỏi khắt khe kỹ thuật ca diễn, vũ đạo. Đến khi bé Thanh Hoàng được chọn vào vai bé Bo Bo trong vở Tiếng trống sang canh của đoàn Thủ Đô, tên tuổi của bà bật lên thành hiện tượng. Kể từ đó cái tên Thanh Hoàng biến mất thay vào đó là nghệ danh Bo Bo Hoàng.
Theo nghệ sĩ Bo Bo Hoàng, lần thăng hoa thứ hai trong cuộc đời bà là vai cô gái điếm trong tuồng Tiếng súng một giờ khuya. Vai diễn này giúp bà đoạt giải Thanh Tâm năm 1965. Lần thăng hoa thứ ba xuất hiện trong đời của Bo Bo Hoàng là vai nàng Cám trong tuồng Tấm Cám của đoàn Huỳnh Long sau năm 1975.
Cá tính độc đáo của bà gây ấn tượng với khán giả. Nhờ vai Cám mà bà mua được nhà.
Nếu các nghệ sĩ khác chỉ cần một vai diễn để đời thì bà thực sự “giàu có” khi hóa thân đến 3 nhân vật được khán giả yêu mến và nhắc nhớ cho đến hôm nay. Một vai diễn giúp bà định danh cái tên Bo Bo Hoàng trong lòng khán giả, vai “gái điếm” giúp bà đoạt giải Thanh Tâm và nhờ vai Cám mà bà mua được nhà.
Từ khi đoạt HCV giải Thanh Tâm, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng tập tành sáng tác và đạo diễn, đồng thời truyền nghề theo phương pháp truyền đạt kinh nghiệm đến các thế hệ sau. Bà từng sáng tác thành công nhiều kịch bản nổi tiếng như: Nữ chúa rắn - Phò mã cùi, Long Vương kén rể, Nữ thần đèn, Nữ tỉ phú, Duyên nợ với nghề… Đặc biệt, bà rất thành công khi phóng tác và dàn dựng các vở tuồng mang màu sắc Ba Tư, Ấn Độ.
Nữ nghệ sĩ trong hậu trường show truyền hình.
Sau 3 lần rực rỡ ấy, cuộc đời Bo Bo Hoàng rơi vào những nốt trầm. Do tuổi tác ngày càng cao nên sức hát không còn khỏe như hồi còn trẻ. Mất giọng hát là một nỗi buồn rất lớn của người nghệ sĩ, nhất là với một cô đào được khán giả hâm mộ bởi giọng hát ngọt ngào như Bo Bo Hoàng.
Nhưng giống như con tằm phải nhả tơ, làm nghệ sĩ không thể rời xa ánh đèn sân khấu. Bà tìm cách tiếp tục tồn tại với nghề. Cải lương gặp khó khăn, nghệ sĩ cải lương vì thế không còn đất để tung hoành. Để lo vẹn toàn gánh nặng cơm áo, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng làm nghề gia công mũ mão, trâm cài tóc. Khách hàng của bà là những nghệ sĩ hát tuồng cổ. Với công việc này, bà có thể nuôi được 8 người gồm con và cháu.
74, nữ nghệ sĩ vẫn tự xưng là “Em bé”.
Bà tâm sự: “Thu nhập của nghề này cũng bấp bênh. Tôi tự làm mũ mão để diễn, đồng nghiệp nhìn thấy những phụ kiện đẹp quá nên nài nỉ làm cho họ dùng. Trời thương, tôi ngồi suốt ngày để thêm thắt từng hạt kim tuyến, bẻ từng sợi kẽm nhưng không thấy đau nhức, mệt mỏi. Hiện tại, tôi vẫn khỏe khoắn, cuộc sống của tôi giờ khiêm tốn, bình lặng trong ngôi nhà nhỏ”.
Bà không buồn lòng khi tuổi này vẫn phải làm việc vất vả để tự nuôi sống bản thân.
Nữ nghệ sĩ 74 tuổi cảm thấy hài lòng với những gì đang có và không buồn lòng khi tuổi cao mà vẫn phải làm việc để tự nuôi sống bản thân. Bởi bà quan niệm rằng hào quang danh vọng, tiền tài vật chất không tồn tại mãi với thời gian.
Trong Sao Nối Ngôi, Bo Bo Hoàng hỗ trợ cho Hà Mỹ Anh trong tiết mục Nữ chúa rắn và phò mã cùi (nguyên tác Bo Bo Hoàng). Cô đào hát bội 20 tuổi thổ lộ mời nữ nghệ sĩ gạo cội trong đêm thi chủ đề Lời tri ân bởi muốn cảm ơn người nghệ sĩ đã dạy nghề, chỉ dẫn nhiều kinh nghiệm trong biểu diễn từ lúc cô mới bước chân vào nghề.