Những lễ hội xuân miền Nam đáng thử một lần trong tháng Giêng

Dung Phạm - Ngày 05/02/2024 16:20 PM (GMT+7)

Vào dịp đầu năm mới, miền Nam có nhiều lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa rất đáng để trải nghiệm.

Trong những ngày đầu năm mới, khắp 3 miền đều tổ chức nhiều lễ hội lớn để người dân có địa điểm tham quan khi du xuân. Tại miền Nam, không khí cũng cực kỳ sôi động với loạt lễ hội diễn ra suốt tháng Giêng.

Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh)

Núi Bà Đen ở Tây Ninh là địa điểm tâm linh nổi tiếng đối với các tín đồ. Vị thần được thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Quanh năm suốt tháng, núi Bà Đen là nơi hành hương và tham quan thu hút hàng nghìn người, dịp Tết Nguyên Đán cũng không ngoại lệ.

Hội xuân núi Bà 2024 có chủ đề "Hương sắc Tây Ninh", khai mạc vào 18h ngày 13/2/2024 (mùng 4 Tết) nhưng từ chiều 30 Tết dự kiến sẽ có rất đông du khách đã đến hành hương, cầu cho một năm mới bình an. Thông thường, hội xuân tổ chức nhiều hoạt động và sự kiện như bắn pháo hoa, thưởng thức âm nhạc truyền thống và trọng tâm là nghi lễ mang đậm văn hóa "trình thập cúng" vào mùng 5 Tết.

Người dân sẽ dâng lên Linh Sơn Thánh Mẫu các món như hương đèn, hoa quả,... và thực hiện nhiều lễ để cầu bình an, may mắn cho cả năm.

Nhiều người dân tìm đến núi Bà Đen trong dịp lễ hội lớn đầu năm.

Nhiều người dân tìm đến núi Bà Đen trong dịp lễ hội lớn đầu năm.

Ngoài ra, khi đến đây tham dự lễ hội, du khách còn có dịp ngắm toàn cảnh núi non hùng vĩ của quần thể núi Bà Đen và thung lũng Ma Thiên Lãnh. Nếu không đủ sức khỏe leo núi, du khách có thể chọn trải nghiệm tuyến cáp treo Vân Sơn để lên được "nóc nhà Nam Bộ" chỉ trong 8 phút, tiết kiệm thời gian và sức lực.

Địa chỉ: Khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng và du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh)

Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương)

Diễn ra từ mùng 13 đến mùng 15 âm lịch với trọng điểm là lễ rước kiệu Bà vào chiều mùng 15 Tết, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở Bình Dương thu hút hàng trăm nghìn du khách - trong đó có các tín đồ Phật giáo - đến tham quan và cầu tài lộc, bình an cho năm mới. Tết Nguyên Tiêu năm nay nhằm ngày 24/2, rơi vào cuối tuần hứa hẹn sẽ đón đông đảo du khách đến với đất Thủ.

Khoảng 10 ngày trước khi diễn ra lễ rước kiệu, nhiều người sẽ đến Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc ở số 4 Nguyễn Du (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) để thắp nhang, dâng lễ. Nhân dịp này, người dân ở đây cũng mở thêm nhiều cửa hàng thức ăn, nước uống, đồ lễ,... để phục vụ nhu cầu của du khách ngoại tỉnh với giá phải chăng.

Kiệu bà Thiên Hậu được đưa ra khỏi chùa và diễu hành quanh trung tâm. (Ảnh: Dung Phạm)

Kiệu bà Thiên Hậu được đưa ra khỏi chùa và diễu hành quanh trung tâm. (Ảnh: Dung Phạm)

Đoàn rước kiệu hoành tráng với lân sư rồng, nhạc lễ,... (Ảnh: Dung Phạm)

Đoàn rước kiệu hoành tráng với lân sư rồng, nhạc lễ,... (Ảnh: Dung Phạm)

Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu còn được gọi với cái tên “lễ hội miễn phí”. Bởi khi đến trung tâm TP.Thủ Dầu Một vào dịp này, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy nhiều quầy đồ ăn, nước uống với bảng “miễn phí”. Theo đó, đây là cách mà người dân ở Bình Dương chào đón du khách đến tham quan, cùng hòa mình vào lễ hội lớn nhất trong năm ở tỉnh này.

Trong lễ rước kiệu diễn ra vào Tết Nguyên Tiêu, Bà sẽ được đưa ra khỏi chùa và diễu hành quanh trung tâm TP. Thủ Dầu Một. Đi trước sẽ là các đoàn lân sư rồng, nhạc lễ và các cô gái hóa thân thành tiên nữ để dẫn đường. Kiệu Bà đi đến đâu, các hộ dân sẽ ra trước cửa nhà thắp nhang và bái lạy để xin bình an, năm mới làm ăn thuận lợi.

Địa chỉ: Chùa Bà Thiên Hậu - 4 Nguyễn Du, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương)

Hội Tết Nguyên Tiêu ở khu người Hoa (TP.HCM)

Tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng) là ngày rằm lớn nhất trong năm nên dịp này, tại TP.HCM thì khu người Hoa ở Chợ Lớn là nơi sôi động nhất. Vì là lễ hội quan trọng, khắp các con đường như Lương Nhữ Học hay Hải Thượng Lãn Ông đều rất đông du khách thập phương đến trẩy hội. Từ cuối năm 2019, hội Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở quận 5 đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Mang đậm màu sắc văn hóa Việt - Hoa , lễ hội này là dịp để mọi người có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị như xem múa lân sư rồng, thả đèn trời và pháo hoa cùng ẩm thực đường phố đa dạng với các món ăn truyền thống của người Hoa.

Hội Nguyên Tiêu của người Hoa ở quận 5 hoành tráng, thu hút nhiều người dân. (Ảnh: Cholon Downtown)

Hội Nguyên Tiêu của người Hoa ở quận 5 hoành tráng, thu hút nhiều người dân. (Ảnh: Cholon Downtown)

Nếu lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu (Bình Dương) có trọng tâm là lễ rước kiệu Bà thì lễ hội Nguyên Tiêu ở Chợ Lớn cũng tương tự, và còn có lễ cầu quốc thái dân an, xin cho cả năm được may lành và khỏe mạnh.

Ngoài ra, một bộ phận người Hoa cũng còn giữ thói quen đến chùa trong dịp này để "vay tiền" các vị thần thánh (dĩ nhiên mang tính chất tượng trưng) như một lộc làm ăn đầu năm rồi trả lễ đầy đủ vào tháng Chạp năm đó. Vì vậy, có thể nói lễ hội Tết Nguyên Tiêu này mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh.

Địa chỉ: Khu người Hoa ở Chợ Lớn (TP.HCM)

Lễ hội đền Đức Thánh Trần (TP.HCM)

Diễn ra từ mùng 8 - mùng 10 tháng Giêng, lễ hội đền Đức Thánh Trần được tổ chức để tưởng nhớ công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Được tổ chức trang nghiêm tại đền thờ Đức Thánh Trần (quận 1, TP.HCM), lễ hội này không chỉ là một trải nghiệm văn hóa đối với du khách mà đặc biệt còn để giáo dục truyền thống, nhắc nhớ cho thế hệ hệ trẻ về lịch sử dựng nước - giữ nước của ông cha.

Đền thờ Đức Thánh Trần ở quận 1, TP.HCM. (Ảnh: Đào Nguyên/Wikipedia)

Đền thờ Đức Thánh Trần ở quận 1, TP.HCM. (Ảnh: Đào Nguyên/Wikipedia)

Nếu đến TP.HCM du lịch trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, hãy thử ghé thăm đền thờ Đức Thánh Trần bởi đây cũng là một di tích lịch sử có giá trị văn hóa lớn. Tại đền có thờ các tướng lĩnh tài ba của đất nước như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu,... và nhiều phù điêu ghi chép sự kiện lịch sử. Đền thờ này được xây dựng vào năm 1932, đã trải qua nhiều lần trùng tu.

Địa chỉ: Đền thờ Đức Thánh Trần - 36 Võ Thị Sáu (P. Tân Định, Q.1, TPHCM)

Những lưu ý khi du xuân tại các lễ hội lớn:

- Cẩn thận tư trang và đồ dùng cá nhân vì các lễ hội thường đông người khó kiểm soát

- Thời tiết miền Nam những ngày đầu năm khá nắng nóng, vì vậy hãy trang bị đầy đủ mũ, áo khoác và nước uống

- Không vứt rác bừa bãi để giữ gìn cảnh quan ở các địa điểm diễn ra lễ hội

Những lễ hội xuân miền Nam đáng thử một lần trong tháng Giêng - 6

Đào rừng Tây Bắc bung nở đẹp như tranh trên núi cao hùng vĩ
Hoa Đào rừng hay còn gọi hoa Tớ Dày sở hữu vẻ đẹp hoang sơ nơi núi rừng Mù Cang Chải (Yên Bái) ẩn chứa một nét đẹp thuần khiết, thanh tao và lãng mạn.

Du lịch Yên Bái

Theo Dung Phạm Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Lễ hội