Thời tiết nắng nóng kéo theo một bệnh lý vô cùng nguy hiểm với tỉ lệ tử vong rất cao là tai biến mạch máu não. Điều đáng nói, không những đột quỵ xảy ra đối với những người già, mà cả người trẻ nguy cơ tai biến cũng đang tăng nhanh.
Tỉ lệ tử vong cao
Tuy đã bắt đầu có mưa trên diện rộng, nhưng nhiệt độ tại TP.HCM vẫn thường xuyên duy trì ở mức 36 – 38 độ C. Nắng nóng kéo dài, khiến sinh hoạt người dân bị đảo lộn và phát sinh những bệnh nguy hiểm. Trong đó, chỉ mới 2 tuần đầu tháng 5, tỉ lệ người nhập viện vì đột quỵ đã tăng từ 10 – 15% so với tháng 4.
Hầu hết các bệnh viện lớn tại TP.HCM như Chợ Rẫy, Đại học Y dược, … đều ghi nhận tình trạng bệnh nhân ồ ạt nhập viện vì đột quỵ trong mùa nắng nóng. Tại bệnh viện nhân dân Gia Định, số ca đột quỵ nặng đang nằm điều trị vào khoảng hơn 120 bệnh nhân.
Bệnh nhân lớn tuổi khám và điều trị bệnh vào mùa nóng rất đông
Khoa Bệnh lý Mạch máu não của bệnh viện 115, quận 10, TP.HCM thì luôn quá tải khi có đến hơn 170 bệnh nhân đang phải nằm điều trị ở đây. Đột quỵ do nắng nóng kéo dài trở thành nỗi lo lắng cho người dân thành phố. Không những điều trị nội trú quá tải, mà khám ngoại trú cho bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, tai biến mạch máu não, di chứng não … cũng gia tăng chóng mặt.
TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý Mạch máu não BV Nhân dân 115, cho biết: “Đây là bệnh lý thường gặp ở người già, nhưng hiện nay, số người trẻ bị đột quỵ lại gia tăng. Hơn nữa, sau ung thư và tim mạch, đột quỵ là bệnh lý gây tử vong cao thứ 3 trên thế giới. Hiện tại, tỉ lệ bệnh nhân tử vong do đột quỵ trong mùa nắng nóng đang gia tăng”.
“Thời gian vàng” để cấp cứu đột quỵ
Theo các bác sĩ đột quỵ rất dễ tử vong và gây biến chứng. Điều đáng nói là bệnh lý diễn ra rất nhanh, bệnh nhân đang trong trạng thái bình thường bỗng nhiên bất tỉnh, gây chấn thương, hoặc tử vong tại chỗ.
Như trường hợp của ông Nguyễn A.T, sinh năm 1960, ngụ quận 3, TP.HCM. Ông T. làm nghề lái xe ôm, nên cả ngày phải chịu nắng nóng ngoài đường.
Theo người thân ông T. kể lại, buổi chiều ông T. về nhà vẫn còn rất khỏe, nhưng trong giờ cơm thì ông T. ngã quỵ. Người nhà liền đưa ông vào bệnh viện Bình dân, đường Điện Biên Phủ, TP.HCM để cấp cứu, nhưng ông T. đã tử vong trước đó.
PGS. TS Trương Quang Bình, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, trong đó đa phần nguyên nhân là tình trạng nghẽn mạch máu khiến máu không đủ cung cấp để nuôi mô não, tình trạng dị dạng mạch máu não gây vỡ mạch máu dẫn tới xuất huyết não.
Theo PGS. TS Trương Quang Bình, nắng nóng cũng là 1 tác nhân thúc đẩy các yếu tố gây đột quỵ. Nắng nóng gây rối loạn hô hấp, tuần hoàn, gây mất nước, giảm khối lượng máu, … làm thiếu hụt lượng máu nuôi não dẫn đến đột quỵ.
PGS TS Vũ Anh Nhị
PGS TS Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học TP HCM cảnh báo các dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có thể bị đột quỵ như cảm thấy tê liệt tay, cơ mặt bị méo, nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, điếc ù tai đột ngột, tự nhiên chậm hiểu … Đặc biệt là vào mùa nóng, người có tiền sử mạch máu, cao huyết áp, không nên đi ngoài nắng quá nhiều, uống đủ nước, vận động nhẹ khi trời mát dần, để giảm thiểu nguy cơ.
“Thời gian vàng” để đưa các bệnh nhân có dấu hiệu trên vào bệnh viện là trong vòng 3 tiếng. Trong khoảng này, các bác sĩ có thể ngăn chặn việc phát sinh đột quỵ. PGS TS Vũ Anh Nhị cho biết thêm, nếu bệnh nhân đã đột quỵ, đưa đến bệnh viện cấp cứu sớm trong vòng 10 – 15 phút thì khả năng sống sẽ tăng thêm 30%. Không thể trì hoãn, vì càng nhập viện muộn, khả năng cứu các tế bào não, cứu sống bệnh nhân càng ít đi.