TPHCM: Sốt xuất huyết, tay chân miệng đang vào mùa

Ngày 07/05/2015 15:08 PM (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng kéo dài, sở Y tế TP.HCM dự báo bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng sẽ dễ dàng phát tán trên diện rộng và rất khó kiểm soát.

Tay chân miệng phát tán nhanh

Ghi nhận từ Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho thấy, số bệnh nhi nhiễm tay chân miệng tăng nhanh từ trung tuần tháng 4 và kéo dài cho đến nay. Tay chân miệng là loại bệnh rất dễ lây, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh chỉ có thể phòng tránh mà chưa có vắc xin tiêm ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu biến chứng nặng, có thể gây tử vong, vì thế tay chân miệng luôn là nỗi sợ hãi của các bậc phụ huynh mỗi khi chu kỳ bệnh xoay vòng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tháng 4, đã có đến 631 trẻ nhập viện vì tay chân miệng. Đáng lo hơn, bệnh tiếp tục tăng nhanh và xuất hiện nhiều ca bệnh nặng. Cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát tát, nên công tác kiểm soát dịch lại càng khó khăn hơn.

TPHCM: Sốt xuất huyết, tay chân miệng đang vào mùa - 1

Điều trị bệnh tại bệnh viện Nhi đồng 1

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thì các cơ sở nuôi dạy trẻ như trường mầm non, nhà trẻ là nơi dễ phát tán mầm bệnh nhất. Vì thế, để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, phụ huynh và các cơ sở nuôi dạy trẻ hằng ngày phải vệ sinh đồ chơi, dụng cụ cá nhân của trẻ. Thậm chí dùng dung dịch sát khuẩn để khử khuẩn mỗi tuần một lần tất cả các vật dụng xung quanh môi trường trẻ thường xuyên tiếp xúc.

Bác sĩ Tuấn nói thêm: “Do bệnh lây truyền trực tiếp nên giữ gìn vệ sinh là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất. Đơn giản mà hiệu quả là rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và cả người chăm sóc trẻ. Cho trẻ ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn chung, uống chung chén, bát, ly, .v.v. để phòng tránh lây nhiễm qua đường tiêu hóa”.

Mùa mưa, mùa sốt xuất huyết

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, theo thống kê từ đầu năm đến nay, đã có gần 4000 ca bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này không nói lên được gì nhiều, vì năm 2014 là năm có tỉ lệ người mắc sốt xuất huyết thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Theo điều tra dịch tễ của y tế dự phòng thành phố, các quận huyện như: Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 8 là những điểm nóng của sốt xuất huyết với tình trạng 4 tuần liên tiếp có ca bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói: “Dự kiến khi bước vào mùa mưa, bệnh sẽ gia tăng nhanh. Điều đáng nói là, qua việc kiểm tra thực tế công tác phòng dịch bệnh tại các quận huyện đã phát hiện nhiều nơi còn rất lơ là”.

Mùa mưa, mùa muỗi sinh sản cũng là mùa bệnh sốt xuất huyết lây lan nghiêm trọng nhất. Chính vì thế, việc vệ sinh sạch sẽ nơi ở, ngăn muỗi sinh sản và diệt muỗi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

TPHCM: Sốt xuất huyết, tay chân miệng đang vào mùa - 2

Diệt trừ và tránh bị muỗi đốt là phương pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Tại TP.HCM nói riêng và các khu đô thị phát triển nói chung, muỗi thường trú ngụ, sinh sản và phát triển trong các vật phế thải có thể chứa nước như hộp cơm, hộp lon, chai lọ,… Ngoài ra, tầng chứa nước ở sân thượng, hố ga, hay tại các vườn cây trong nhà… cũng rất dễ sản sinh muỗi.

Một số gia đình có thói quen kê chân tủ đựng chén bát, thức ăn bằng chén nước nhỏ để tránh kiến. Tuy nhiên, để ngăn muỗi sinh sản cần phải bỏ muối vào chén nước, thường xuyên thay nước bình hoa và dọn sạch các vật dụng có nước tồn đọng.

Ngoài ra Cục Y tế dự phòng còn khuyến cáo chống sốt xuất huyết lây lan bằng cách phòng tránh bị muỗi đốt. Nên mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, nhang muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi… Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Cho người bệnh sốt xuất huyết ngủ trong màn, tránh muỗi đốt để không lây lan cho người khỏe mạnh. 

Thoại Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan