Có thèm tới đâu thì bà bầu cũng chớ động tới những loại rau này

Ngày 18/08/2017 20:43 PM (GMT+7)

Tuy rau củ rất tốt cho sức khỏe nhưng có một số loại rau bà bầu không nên ăn vì chúng có thể làm tăng nguy cơ sinh non hoặc sảy thai, gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

Trong thời gian mang thai, bà bầu ăn nhiều rau quả giúp cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, kích thích vị giác và có thể ngăn ngừa được tình trạng ốm nghén. Không chỉ vậy, bà bầu ăn nhiều rau quả tươi còn tốt cho tim mạch, cung cấp các chất cần thiết cho sự phát triển xương, tay chân và các bộ phận của thai nhi.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ thì có một số loại rau bà bầu không nên ăn bởi chúng có thể đe dọa tới tính mạng của cả mẹ lẫn con. Do đó, việc lựa chọn rau quả cho bà bầu cần được quan tâm kĩ lưỡng và phải có kiến thức về chế độ dinh dưỡng.

Vậy bà bầu không nên ăn những loại rau gì?

1. Mướp đắng

Có thèm tới đâu thì bà bầu cũng chớ động tới những loại rau này - 1

Mướp đắng là một trong những thực phẩm làm tăng nguy cơ sảy thai.

Tuy mướp đắng rất giàu vitamin B, sắt, kẽm, kali, mangan, magiê, cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể và giúp tăng cường khả năng miễn dịch nhưng bà bầu nên tránh xa loại rau này. Nguyên nhân là do vị đắng của mướp có thể khiến dạ dày và dạ bị co bóp. Điều này có thể gây sảy thai, sinh non ở những người có tử cung ngả sau, tử cung có sẹo hoặc đã qua nạo phá nhiều lần.

2. Rau sam

Rau sam thuộc tính hàn, vị chua, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ giun. Trong rau sam có chứa nhiều các vitamin và khoáng chất, đặc biệt lượng axít béo omega-3 dồi dào.

Tuy nhiên, đây lại là một trong những loại rau bà bầu không nên ăn. Bởi bà bầu ăn nhiều rau sam có thể gây kích thích mạnh và gia tăng tần suất co bóp ở tử cung, từ đó làm tăng nguy cơ sảy thai.

3. Ngải cứu

Có thèm tới đâu thì bà bầu cũng chớ động tới những loại rau này - 2

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu tiên ăn nhiều rau ngải cứu có thể bị sảy thai hoặc sinh non.

Ngải cứu là một loại thảo dược có tác dụng giảm đau cơ bắp, giúp lưu thông máu, giảm đau bụng và thường được bác sĩ sử dụng để an thai cho cho người bị động thai hoặc sảy thai liên tiếp. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho biết nếu phụ nữ mang thai ăn quá nhiều ngải cứu trong 3 tháng đầu tiên sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu, co thắt tử cung. Hậu quả có thể dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.

4. Rau ngót

Chỉ cần tiêu thụ hơn 30gr rau ngót tươi thì bà bầu có nguy cơ bị sảy thai rất cao. Nguyên nhân là do trong rau ngót có chứa hoạt chất papaverin, chất này có thể gây ra hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung và dẫn đến sẩy thai, tiêu chảy. Bên cạnh đó, trong Dược thư Việt Nam 2002 cũng ghi rõ khuyến cáo: “Không dùng papaverin cho người có thai”.

Vì vậy, nếu các bà mẹ có tiền sử sảy thai liên tục, sinh non thì nên hạn chế ăn canh rau ngót. Và để giữ an toàn cho bào thai, các bà mẹ không nên ăn quá nhiều rau ngót, đặc biệt là nước ép của lá rau ngót sống.

5. Rau chùm ngây

Có thèm tới đâu thì bà bầu cũng chớ động tới những loại rau này - 3

Bà bầu ăn rau chùm ngây có thể dẫn đến sảy thai.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng lá và hoa của rau chùm ngây có chứa gấp 7 lần lượng vitamin C của một quả cam, gấp 4 lần lượng canxi và 2 lần lượng protein trong sữa, gấp 4 lần lượng vitamin A trong cà rốt, hơn rau diếp cá 3 lần chất sắt và gấp 3 lần lượng kali trong chuối.

Vì vậy, đây chắc chắn là một loại thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng tuy nhiên nó lại được liệt kê vào danh sách những loại rau bà bầu không nên ăn. Bởi trong rau chùm ngây có chứa alpha-sitosterol - một loại hormone có cấu trúc giống estrogen có tác dụng ngừa thai nhưng bà bầu ăn loại rau này lại làm co cơ trơn tử cung và dẫn đến sảy thai.

6. Rau răm

Do ăn nhiều rau răm sẽ dẫn đến thiếu máu vì vậy phụ nữ mang thai nên hạn chế ăn rau răm, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ngoài ra, bà bầu ăn nhiều còn có thể gây ra tình trạng tử cung co thắt, dẫn đến sẩy thai. Bên cạnh những loại rau trên thì bà bầu cũng cần rửa rau sạch sẽ trước khi ăn và không nên ăn rau sống để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Hà Phương (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ