Mới sinh mổ lại có bầu, phải bỏ thai?

Ngày 21/12/2014 14:10 PM (GMT+7)

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, bệnh viện Từ Dũ sẽ tư vấn các mẹ cách để có một thai kỳ hoàn hảo nhất.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, bệnh viện Từ Dũ sẽ tư vấn bạn làm sao đễ không rạn da bụng khi mang thai, có thai ngay sau sinh mổ liệu có nguy hiểm và nhiều vấn đề về thai kỳ khác.

Hỏi: Khoảng 4 năm trước em bị u nang buồng trứng, vì sợ lan cho buồng trưng còn lại em phải mổ, không biết sau này khi có gia đình em có thể sinh con được bình thường hay không, có người bảo em sau khi cắt một bên buồng trứng như vậy nên sinh con ngay nếu để lâu như em sẽ thành vô sinh không thể sinh con được nữa không biết có đúng không? Mong bác sĩ tư vấn giúp.

(Ngọc Chi, Quận 1)

TS.BS Lê Thị Thu Hà: U nang buồng trứng bạn được mổ cách đây 4 năm là dạng lành tính (vì nếu là ác tính bạn đã phải điều trị tiếp tục). Như vậy thì ít có khả năng lan sang bên còn lại. Và mổ lần trước nghĩ nhiều là bóc u nang chừa mô lành. 

Như vậy khả năng sinh con của bạn là có thể được. Vẫn có những trường hợp khối u buồng trứng quá to không còn mô lành nên cắt luôn cả phần phụ 1 bên. Trong trường hợp đó bên còn lại nếu bình thường vẫn có khả năng mang thai lại.

Mới sinh mổ lại có bầu, phải bỏ thai? - 1
Mẹ vẫn có thể mang thai khi đã từng mắc u nang buồng trứng. (ảnh minh họa)

Hỏi: Thưa bác sĩ, tôi vừa sinh mổ được khoảng 9 tháng. Hiện tại tôi đang mang thai bé thứ hai được hai tháng, có người khuyên tôi nên bỏ thai, vì mới sinh mổ như vậy không thể mang thai với thời gian sát nhau như vậy, nếu cố tình giữ lại thai sẽ dẫn đến tình trạng bục vết mổ, tôi đang rất hoang mang, không biết phải xử tí như thế nào xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.

(khanhha1908@hotmail.com)

TS.BS Lê Thị Thu Hà: Sau khi sinh mổ các bà mẹ thường được khuyên là nên ngừa thai 2 năm với các lý do:

- Sẹo mổ còn mới, sợ nứt vết mổ cũ nếu mang thai lại.

- Bé trước còn quá nhỏ thiếu sự chăm sóc chu đáo của mẹ.

- Người mẹ mới sinh xong, sức khỏe chưa hồi phục tốt. Nếu mang thai lại e rằng cả mẹ và thai nhi đều không tốt.

Tuy nhiên, cũng có một số bà mẹ sau khi sinh mổ 1 thời gian ngắn là có thai lại. Nếu bỏ thai cũng có những nguy cơ cho mẹ:

- Tử cung còn mềm nên dễ thủng tử cung.

- Có nguy cơ do hút thai gây ra: nhiễm trùng, băng huyết, sót nhau, sót thai.

- Có nguy cơ vô sinh thứ phát…

Thêm vào đó, phương pháp mổ lấy thai hiện nay là mổ ngang đoạn dưới tử cung nên khả năng nứt tử cung hoặc vỡ tử cung là thấp.

Do vậy, nếu đã có thai mà muốn giữ lại vẫn có thể được. Đã từng có những trường hợp người mẹ mổ lấy thai 1 năm 2 lần: đầu năm 1 bé và cuối năm 1 bé. Điều quan trọng là bạn phải khám thai thường xuyên, theo dõi sát các dấu hiệu đau vết mổ cũ. Tùy vào tuổi của bạn, số con bạn đã có, khả năng mang thai của bạn trước đây là dễ hay khó, gia đình có điều kiện hỗ trợ bạn trong việc chăm sóc bé trước hay không, sức khỏe của bạn có đảm bảo hay không mà bạn quyết định để thai hay kết thúc thai kỳ.

Hỏi: Tôi năm nay 36 tuổi, tôi dự định sẽ cưới năm nay và sinh con liền. Không biết khi chuẩn bị mang thai tôi cần tiêm chủng ngừa các loại bệnh nào  để tránh ảnh hưởng đến em bé. Chồng tôi có cần phải tiêm ngừa giống như tôi không?

(Ngọc Lân Q.7, TP. HCM)

TS.BS Lê Thị Thu Hà: Việc chuẩn bị tiêm ngừa trước khi mang thai như vậy là rất tốt. Những bệnh nên tiêm ngừa trước mang thai là:

- Viêm gan siêu vi B.

- Sởi, quai bị, Rubella.

- Thủy đậu

- Nhiễm HPV.

Sau khi tiêm ngừa 3 tháng bạn hãy để có thai .Chồng bạn cũng nên tiêm ngừa cũng tốt cho sức khỏe và tránh lây lan cho cộng đồng.

Mới sinh mổ lại có bầu, phải bỏ thai? - 2
Trước khi mang thai, mẹ bầu nên tiêm phòng các mũi cần thiết. (ảnh minh họa)

Hỏi: Tôi đang mang thai tháng thứ 5, tôi đi khám thai và được bác sĩ cho biết tôi bị đường huyết cao, tiểu đường trong thai kỳ, nhưng bản thân tôi rất thèm ngọt, không biết nếu tiếp tục ăn đường thì có ảnh hưởng gì nhiều đến em bé không. Sau khi kết thúc thai kì tôi có còn bị tiểu đường hay không?

(Ngọc Linh, Quận 5)

TS.BS Lê Thị Thu Hà: Tiểu đường thai kỳ là tình trạng đường huyết tăng cao xảy ra khi có thai. Có thể trở thành bệnh tiểu đường về sau. Nếu không kiểm sóat đường huyết tốt trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe của mẹ và bé.

Đối với mẹ, dễ bị tiểu đường sau này, dễ bị cao huyết áp, tiền sản giật. Đối với thai nhi, có nguy cơ thai to gây khó sinh, thai dị tật bẩm sinh, thai lưu. Sau sinh bé dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết.

Vì thai to, sinh khó nên khả năng mổ lấy thai cao, mẹ tiểu đường nên vết mổ khó lành. Vì những nguy cơ trên, những thai phụ tiểu đường nên tiết chế trong ăn uống và kiểm tra đường huyết thường xuyên. Nên theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Việc đánh giá sức khỏe thai nhi ở tuổi thai 32 tuần trở lên là cần thiết.

Hỏi: Cháu năm nay 23 tuổi vừa kết hôn được 3 tháng cháu dự định sẽ mang thai nhưng lại sợ bị mất dáng , xin bác sĩ cho cháu biết khi mang thai, cháu cần lên bao nhiêu cân là đủ. Hiện nay cháu cân nặng 40 cân, cao 1m55, cháu nên bổ sung dưỡng chất như thế nào để không bị mất dáng, đặt biệt là làm cách nào để không bị rạn da bụng, xin bác sĩ tư vấn giúp cháu.

(Hạnh Nguyên, Quận Tân Bình)

TS.BS Lê Thị Thu Hà: Giữ dáng, giữ da đẹp là mong muốn của tất cả chị em phụ nữ. Tuy nhiên, khi mang thai, các bà mẹ không nên ăn kiêng với mục đích giữ dáng vẻ đẹp. Với chiều cao 1m55 và cân nặng 40Kg là hơi mảnh khảnh. 

Nên tăng khỏang 12 – 15 Kg trong suốt thai kỳ. Ăn uống đầy đủ các chất: thịt, cá, trứng, sữa, rau, trái cây và uống nhiều nước. Nên chọn thực phẩm tươi và đảm bảo vệ sinh trong ăn uống. Sau sinh có thể tập thể dục để mang lại vóc dáng xinh đẹp.

Da bụng rạn khi mang thai là do đứt các sợi Collagen bên dưới da. Tình trạng này có tính di truyền. Hầu như không có loại thuốc nào chống nứt có hiệu quả. Các lọai thuốc hiện nay có trên thị trường giúp chống ngứa da do nứt, giúp mềm và đỡ khô da.

Theo Một thế giới
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hỏi đáp với chuyên gia