Có 4 điều mà các mẹ bầu cần phải chú ý thực hiện thật sớm ngay từ đầu thai kỳ khi biết tin có thai hoặc thực hiện từ trước khi mang bầu càng tốt để có thai kỳ an vui, mạnh khỏe nhất.
Theo các bác sĩ khoa sản 2 - Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cứ 10 phụ nữ đến khám thai ở bệnh viện thì có tới 8-9 chị em tới khám thai muộn hoặc rất muộn.
Nhiều mẹ bầu chia sẻ, họ không biết những thông tin quan trọng và ít có kiến thức về chăm sóc thai kỳ. Nguyên nhân không phải vì các mẹ bầu thiếu kiến thức mà phần lớn do các bác sĩ tuyến đầu chưa tư vấn đầy đủ cho các chị em đến khám thai lần đầu.
Có 4 điều mà các mẹ bầu cần phải chú ý thực hiện thật sớm ngay từ đầu thai kỳ khi biết tin có thai. (Ảnh minh họa)
Chính bởi thế, có 4 điều mà các mẹ bầu cần phải chú ý thực hiện thật sớm ngay từ đầu thai kỳ khi biết tin có thai hoặc thực hiện từ trước khi mang bầu càng tốt để có thai kỳ an vui, mạnh khỏe nhất.
Điều 1: Xét nghiệm công thức máu và nhóm máu
Việc mẹ bầu không thực hiện xét nghiệm này trong khoảng đầu thai kỳ có thể dẫn đến việc không nhận biết được các vấn đề về sức khỏe máu.
Việc xác định nhóm máu sớm để loại trừ trường hợp nhóm máu hiếm cần quản lý thai đặc biệt. Ngoài ra còn giúp phát hiện các bệnh về máu như thalassemia, tầm soát và xử lý các vấn đề này kịp thời giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi.
Điều 2: Xét nghiệm hoá sinh máu, HIV, Viêm gan B…
Việc làm xét nghiệm này giúp đánh giá sơ bộ chức năng cơ quan gan thận trong cơ thể xem mẹ bầu có đủ sức khoẻ để mang thai khoẻ mạnh được hay không cũng như điều trị kịp thời các vấn đề của cơ thể trước khi mang thai. Các xét nghiệm HIV, viêm gan B… cũng nên tiến hành vì nguy cơ lây truyền cho thai nhi. Do đó những xét nghiệm này phải được thực hiện sớm để phải kiểm soát ngay từ khi chưa có bầu là tốt nhất
Điều 3: Đi siêu âm thai tức là đã khám thai đầy đủ?
Nhiều mẹ bầu quan niệm rằng, khi thực hiện siêu âm là họ đã thăm khám thai kỳ. Nhưng đây là quan điểm sai lầm phổ biến ở nhiều mẹ bầu. Thực tế, quá trình khám thai bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như kiểm tra huyết áp, khám phù, đo kích thước tử cung và vòng bụng, cân nặng của mẹ…
Những thông tin này rất quan trọng để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như huyết áp cao hay dấu hiệu của thai nghén nguy cơ cao và tiền sản giật. Bởi nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.
Điều 4: Dinh dưỡng - thuốc bổ trong thai kỳ
Hiện nay nhiều mẹ bầu khi có thai lạm dụng sử dụng thuốc bổ vô tội vạ mà không có sự tư vấn ban đầu từ chuyên gia, bác sĩ.
Nhưng việc này nên cần phải chấn chỉnh lại ngay vì sử dụng thuốc như vậy có thể dẫn đến sự mất cân đối chất dinh dưỡng thiếu hoặc thừa chất, gây tác động không tốt cho cả mẹ và thai nhi.
Do đó, để đảm bảo một chế độ ăn đủ dinh dưỡng và an toàn trong suốt thai, mẹ bầu nhất thiết cần phải có sự hỗ trợ và tư vấn từ các chuyên gia, giúp cân bằng vi chất còn thiếu từ thực phẩm hàng ngày và tránh việc dùng các loại thuốc bỏ không cần thiết.
Để đảm bảo một chế độ ăn đủ dinh dưỡng và an toàn trong suốt thai, mẹ bầu nhất thiết phải có sự hỗ trợ, tư vấn từ các chuyên gia. (Ảnh minh họa)
Lưu ý:
Với mỗi chị em, mang thai là một hành trình dài và đầy vất vả. Tại đây, mỗi mẹ bầu có thể phải đối mặt với rất nhiều vấn đề bất thường của sức khỏe bản thân và sức khỏe em bé trong bụng như: ốm nghén, sự thay đổi hình thức bề ngoài… gây nên những căng thẳng cho mẹ bầu. Vì thế để chủ động, mẹ bầu cần lên kế hoạch, thời gian dự định có thai và một tâm lý thật vững vàng.
Nếu trước đó đã từng bị hoặc đang bị một số bệnh lý như trầm cảm, rối loạn lo âu… đừng ngại đến gặp bác sĩ để tìm hiểu về ảnh hưởng của vấn đề này đến sức khỏe tinh thần trong quá trình mang thai cũng như cách để mẹ bầu có thể vượt qua được thai kỳ.