Thương vợ phải làm việc nhà

Ngày 04/05/2013 17:37 PM (GMT+7)

Vì thế, tôi thường phụ giúp vợ mỗi khi cô ấy đi làm về, mệt mỏi, công việc bận rộn.

Xưa nay người ta quan niệm, nữ công gia chánh là dành cho phụ nữ, còn cánh đàn ông phải làm việc trọng đại, làm trụ cột gia đình, kiếm tiền nuôi vợ con. Nhưng thời nay, không hẳn đàn ông đều làm được chuyện đó, đàn ông cũng có cái khó của đàn ông và nhiều chị em phụ nữ còn giỏi hơn đàn ông, ngay cả việc kiếm tiền.

Nhiều người không kiếm được tiền, để vợ nai lưng lo cho gia đình nhưng cũng chẳng hề động tay động chân việc nhà. Với họ, chuyện phải làm việc nhà là một cực hình hay chuyện giúp vợ giặt giũ, thi thoảng vào bếp nấu ăn, quét dọn là mất hết sĩ diện đàn ông. Những người kiếm được tiền vào bếp thì không sao, vì có thể coi đó là ông chồng tốt bụng, gă lăng. Còn chính những người lương thấp, ba cọc ba đồng, không đủ chi tiêu thì lại tự ti, không dám làm việc đó, bởi họ cho rằng, họ đang không thể gánh vác được việc lớn và đành chọn cách nội trợ thay vợ. Thế nên, họ xấu hổ vì điều này.

Thương vợ phải làm việc nhà - 1

Nhiều người không kiếm được tiền, để vợ nai lưng lo cho gia đình nhưng cũng chẳng hề động tay động chân việc nhà. (ảnh minh họa)

Tôi luôn nghĩ, làm đàn ông hay phụ nữ cũng giống nhau vậy thôi. Đàn ông gánh trọng trách lớn lao, lo cho gia đình nhưng khi đã là vợ chồng, họ nên chung tay vun đắp và cùng góp sức cho những việc từ lớn tới nhỏ. Tôi thấy vợ suốt ngày đi làm về, quần quật vào bếp cơm nước, dọn dẹp rồi lại con cái, cảm thấy xót xa vô cùng. Không phải tôi chỉ nói cho xong chuyện hay lấy sĩ diện của đàn ông, mà đó là những suy nghĩ thật lòng của tôi. Tôi muốn trợ giúp vợ việc nhà cửa, hay bất cứ việc gì đó để san sẻ gánh nặng cho vợ, đó mới là tình yêu.

Ngày ngày, ai cũng thế, sau những giờ làm việc công sở đã mệt nhoài, vợ lại còn phải làm bao việc khác. Sau giờ tan tầm, vội vàng dắt cái xe ra và lao như bay không biết trời đất. Nếu không đi nhanh thì tắc đường, mà đường Hà Nội thì ai cũng biết rồi đấy. Còn đi chậm tí thì muộn giờ đón con đón cái, lại không kịp đi chợ hay đi chợ thì đông lại tắc đường. Nói chung cái sự vất vả luôn hiển hiện trên khuôn mặt những người phụ nữ đã có gia đình, không như những người còn trẻ, có thể tự do đi lại mấy giờ cũng được.

Thương vợ phải làm việc nhà - 2

Ngày ngày, ai cũng thế, sau những giờ làm việc công sở đã mệt nhoài, vợ lại còn phải làm bao việc khác. (ảnh minh họa)

Có lần ngồi vắt chân chữ ngũ xem ti vi, đọc báo rồi đợi cơm vợ, tôi thấy bát đãi rơi loảng xoảng. Tí lại thấy mùi thịt khét. Tôi liền ngó vào thì thấy vợ một tay mấy việc. Thằng cu con đã lon ton chạy ra đó bám váy mẹ, nghĩ mà thương phụ nữ. Tôi bỗng thấy mình vô tâm, đừng dậy phụ giúp vợ thay vì vẫn ngồi đợi cơm như trước. Với người phụ nữ, nấu nướng cho chồng là niềm đam mê, hạnh phúc. Vợ sẽ không phàn nàn về chuyện đó, vợ sẽ cảm thấy dễ chịu vô cùng dù có vất vả chút ít. Nhưng người làm chồng không thể vô tâm, cứ để vợ hì hụi trong bếp một mình, còn mình thì đợi ăn. Nói chung, cần có sự công bằng. Giá như vợ không đi làm công sở thì đã đành. Đằng này sáng sáng vợ cũng như mình, tôi về lại làm đống việc, hà cớ gì mà ông chồng cứ vắt chân lên mà ngồi đợi cơm?

Đàn ông, khi họ yêu thương vợ thật lòng, họ sẽ cảm thấy xót khi vợ phải làm quá nhiều việc. Chuyện làm việc nhà, san sẻ với vợ chút ít không là gì, cũng không ảnh hưởng tới sĩ diện của những người thật sự chân thành với vợ con. Chỉ có những ông sĩ diện hão mới nghĩ làm giúp vợ việc vặt là người ta cười, người ta khinh. Không ai quy định phụ nữ phải làm việc nhà, cũng không ai quy định đàn ông phải kiếm tiền nuôi gia đình. Chỉ vì họ tự cảm thấy đó là trách nhiệm của họ và vô hình chung đã trở thành thói quen, thành cái phải làm. Vậy tại sao không ai dám một lần mạnh dạn thay đổi chúng, hoặc cũng có thể kiêm nhiệm chúng, giống như vừa kiếm tiền, vừa nuôi con, vừa làm việc nhà như những người vợ vẫn làm vậy. Thử một lần đi các ông chồng, rồi sẽ biết ngay.

B.T (Theo KP)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện vợ chồng