Bí mật cần biết khi đưa bé đi tiêm chủng

Ngày 20/05/2013 16:03 PM (GMT+7)

Để trẻ tránh tối đa phản ứng không mong muốn sau khi tiêm vacxin, mẹ cần lưu ý một số điểm.

Tiêm chủng là việc truyền chất kháng nguyên vào cơ thể (vắc xin) nhằm kích thích hệ thống miễn dịch phát triển sự miễn dịch thích ứng đối với một căn bệnh. Vắc xin có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện các hiệu ứng lây nhiễm của nhiều tác nhân gây bệnh.

Hiệu quả của tiêm chủng đã được nghiên cứu rộng rãi và xác minh trong khoa học cũng như trong thực tế. Ngày nay, tiêm chủng được coi là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm cho cộng đồng.

Không có loại vắc xin nào là tuyệt đối an toàn 100%. Vẫn có một tỉ lệ rất nhỏ người được tiêm có phản ứng sau tiêm. Cũng như việc sử dụng thuốc hay thức ăn, tùy theo cơ địa của từng người mà có thể xảy ra một số phản ứng sau tiêm vắc xin.

Phản ứng sau tiêm vắc xin có thể từ nhẹ đến nặng, và mức độ nặng nhẹ hoặc triệu chứng lại phụ thuộc vào từng trường hợp và từng loại vắc xin. Đa số trường hợp phản ứng thường là trẻ sốt nhẹ, sưng, đau vùng tiêm. Có một tỉ lệ rất hiếm gặp phản ứng rất mạnh với vắc xin như sốc phản vệ ở những trẻ có cơ địa dị ứng.

Bí mật cần biết khi đưa bé đi tiêm chủng - 1
Sau tiêm, một số trẻ cơ địa dị ứng có thể bị sốc phản vệ. (Ảnh minh họa).

Nhiễm bệnh ở những trẻ bất thường của hệ miễn dịch bẩm sinh… Những phản ứng bất thường sau tiêm chủng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, phản ứng sốc nặng có thể qua khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.

Để phòng tránh đến mức tối đa những phản ứng không mong muốn có thể xảy ra trong mỗi lần tiêm chủng, các bà mẹ cần thực hiện các hướng dẫn trước, trong và sau khi đưa trẻ đi tiêm chủng theo khuyến cáo sau:

Trước khi tiêm chủng

- Khi đi tiêm chủng cần mang theo sổ y bạ/ phiếu tiêm chủng của trẻ.

- Cần thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như trẻ đang có các bệnh cấp tính hoặc mãn tính kèm theo, các dị tật bẩm sinh, tiền sử sinh non, tiền sử dị ứng, đặc biệt có các phản ứng với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm, sốc phản vệ…

- Đề nghị cán bộ y tế thông báo về loại vắc xin được tiêm chủng lần này, những phản ứng có thể gặp và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.

Trong khi tiêm chủng: Giữ trẻ đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Sau khi tiêm chủng

- Trẻ cần phải ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

- Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 1 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: Toàn trạng, tinh thần, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm…

- Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5 độ C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Khi trẻ sốt, cần phải cặp nhiệt độ 2 – 4 giờ/ lần và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

- Cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như sốt cao (>39 độ C), co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban, hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày.

- Nếu cha mẹ không yên tâm về những phản ứng của con sau khi tiêm chủng, có thể trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Tư vấn bởi Chuyên gia TS. BS Lê Minh Hương (Khoa Dị ứng – Miễn dịch, Bệnh viện Nhi Trung ương)

Theo Mẹ & bé
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé