Bồi hồi nhìn con đi khai giảng

Ngày 05/09/2013 07:59 AM (GMT+7)

Tiếng trống khai giảng đã vang lên, mẹ lại một lần nữa được sống trong không khí náo nức của ngày hội 5/9.

Hôm qua đọc báo, mẹ giật mình khi thấy tin đợt gió mùa đông bắc đầu tiên đã chuẩn bị tràn về. Đắp thêm cho con cái chăn mỏng, mẹ là lại cho bé bộ quần áo mới và cẩn thận sắp xếp bút thước. Ngày mai, “chiến sĩ nhí” của mẹ sẽ chính thức bước vào cuộc đời học sinh tiểu học.

…..

Ngày đầu tiên đi học, em nước mắt nhạt nhòa, cô vỗ về an ủi. Chao ôi! Sao thiết tha…” những câu hát ngày xưa cứ vang lên trong đầu mẹ buổi sáng hôm nay. Một sáng mùa thu trời mưa, có cái lạnh thoang thoảng nhưng cũng đủ làm rùng mình những ai trót lỡ mặc áo ngắn tay. Mẹ nhớ đến mình, cô học sinh loắt choắt ngày nào chập chững đi trên con đường làng, học cho mình những bài học vỡ lòng đầu tiên. Rồi mẹ lại nhớ, cô thiếu nữ lớn xinh hôm ấy, tươi cười đạp xe trong tà áo dài duyên dáng, đến trường dự lễ khai giảng lần thứ 12 trong đời. Thấm thoắt cũng đã 10 năm kể từ ngày mẹ tốt nghiệp cấp 3, rời xa thời đồng phục cắp sách, rời xa tiếng trống khai giảng và những bài phát biểu diễn văn khai trường  tưởng như “chán ngán” nhưng sao bây giờ lại nhớ đến quay quắt.

Sau 10 năm rời xa tuổi học sinh đầy sôi động, tưởng như đã quên khái niệm “ngày 5/9”, hôm nay, mẹ lại một lần nữa được hòa cùng không khí náo nức của ngày toàn dân. Hôm nay – ngày đầu tiên mẹ đưa con đến trường.

Tạm biệt những buổi ngủ nướng mỗi sáng, tạm biệt những trò chơi đá banh, trốn tìm với lũ nhóc lít nhít hàng xóm… con trai mẹ khoác lên mình bộ đồng phục mới tinh còn thơm mùi vải để chuẩn bị đến trường. Cậu nhóc mới hôm nào còn bé xíu xíu, ẵm ngửa rồi giương đôi mắt to tròn lên nhìn mẹ, giờ ra ra dáng người lớn lắm rồi. Đưa con đến trường, chẳng còn những giọt nước mắt, chẳng còn những cái níu tay, con trai hớn hở tách vòng tay mẹ để hòa vào đám đông cùng chúng bạn. Con đã quen bạn quen lớp, đã thuộc làu tên các cô trong trường từ những ngày đi học thêm trước lớp một rồi, biết vậy nhưng sao mẹ vẫn còn lo lắng.

Mẹ chợt nhận ra, ngày con chính thức bước vào lớp 1, cũng là ngày con bắt đầu chập chững rời xa vòng tay mẹ. Con sẽ có những mối bận tâm mới, trường lớp, bạn bè, thầy cô. Mẹ không biết, liệu con trai mẹ ở lớp có được thầy yêu bạn mến, có bị ai bắt nạt hay không, buồn tè liệu có biết xin cô đi vệ sinh, bút hết mực liệu có biết quay sang mượn bạn?

Bồi hồi nhìn con đi khai giảng - 1
Tạm biệt những buổi ngủ nướng mỗi sáng, tạm biệt những trò chơi đá banh, trốn tìm với lũ nhóc lít nhít hàng xóm… con trai mẹ khoác lên mình bộ đồng phục mới tinh còn thơm mùi vải để chuẩn bị đến trường. (ảnh minh họa)

Mẹ nhớ lúc đi đường, thoáng nghe tiếng con yêu thoáng "càu nhàu" vì trời mưa làm bẩn đôi giày mẹ mới mua, mẹ chỉ mỉm cười. 5/9 – cái ngày đã đi vào trái tim của biết bao người, cái ngày điểm những mốc son trong cuộc đời của mẹ và bây giờ sẽ là của con yêu. Rồi sau này lớn lên, con sẽ còn được dự rất nhiều lễ khai giảng. Ngày nắng có, ngày mưa cũng không ít. Vậy nhưng 5/9 nào cũng sẽ luôn đọng lại trong con những kỉ niệm tuyệt vời. 

Mẹ mong con mỗi ngày đến trường là một ngày vui, không có sức ép về điểm số, sự cạnh tranh, những bài tập, các lớp học thêm oằn trên đôi vai bé nhỏ. Mẹ sẽ đón con mỗi ngày ở trường, không phải với câu hỏi hôm nay con được mấy điểm mà sẽ là “Hôm nay đi học có gì vui không con?”.

Mẹ sẽ rất vui khi con được những điểm 10, nhưng mẹ vui hơn nếu con được điểm 7, điểm 8 nhưng không hề gian lận trong khi cử, biết trung thực và luôn cố gắng vươn lên trong học tập. Mẹ trông chờ ở con một người đàn ông thành đạt sau này, nhưng càng trông chờ hơn một chỗ dựa vừng chắc, biết suy nghĩ chín chắn và quan tâm đến những người xung quanh

Tùng tùng tùng…! Tiếng trống giòn rã vang lên đã cắt đứt mạch suy nghĩ miên man của mẹ. Vội vàng lướt về phía lớp con xếp hàng, mẹ thấy con trai đang đứng đó, tay cầm cờ, vai đeo cặp, đang cố nhún lên vẫy tay với mẹ thật tươi. Vậy là con yêu đã chính thức bước vào lớp một. Mẹ gửi theo con đến lớp, tình yêu thương vô vàn, cùng những hi vọng về cậu nhóc của mẹ giờ sẽ trưởng thành hơn

Theo tâm sự của độc giả Nguyễn Lê Hoa (Giảng Võ, Hà Nội)

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục