Tôi thừa điều kiện cho con học trước lớp 1 ở những nơi tốt nhất nhưng tôi đã không làm.
Đọc tâm sự của người bố trong bài “Dằn lòng ép con học trước lớp 1”, tôi thực sự rất thông cảm với nỗi lòng của bạn, thương con bạn và đồng thời oán giận hệ thống giáo dục hiện nay đã khiến cho rất nhiều em nhỏ phải “chín ép”. Tuy nhiên thiết nghĩ, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cục diện này. Là một người mẹ hiện đại, tôi luôn ủng hộ việc để cho trẻ em được sống và phát triển đúng với lứa tuổi của mình. Tôi xin khẳng định: Không đi học trước tuổi, con tôi vẫn đứng đầu lớp.
Tôi xin kể câu chuyện thật của gia đình chúng tôi:
Khi Bon – con trai đầu của chúng tôi đến tuổi đi học, hai vợ chồng tôi đã nhất trí không cho cháu đi học thêm trước khi vào lớp 1. Chúng tôi cũng không cầu kỳ chuyện xin cho con vào học trường chuyên lớp chọn. Tôi nói vậy không phải vì gia đình chúng tôi không có điều kiện. Cả tôi và chồng đều làm trưởng phòng của một công ty nước ngoài, lương tháng 2000$. Xét cả về tài chính và quan hệ xã hội, chúng tôi đều có đủ điều kiện cho con theo học ở những ngôi trường thuộc loại tốt nhất Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi lại chỉ để cháu theo học tại một trường tiểu học công lập gần nhà bởi theo tôi, càng những trường “hot” lại càng hay xảy ra tình trạng chạy trường, xin điểm, chạy theo thành tích. Khi đó, môi trường giáo dục sẽ không còn được tự nhiên, trong sáng.
Tôi thừa điều kiện cho con học trước lớp 1 ở những nơi tốt nhất nhưng tôi đã không làm. (Ảnh minh họa).
Ban đầu mới vào học, đúng như trường hợp của con bạn, tôi cũng thường xuyên được nghe cô giáo góp ý về vấn đề con viết chữ xấu, nét chữ nguệch ngoạc. Cô giáo thậm chí còn gợi ý cho cháu theo học một lớp luyện chữ tại nhà do chính cô mở để giúp con tiến bộ. Những bài tập viết điểm 5, điểm 6 thực sự đã khiến cả gia đình tôi náo loạn. Bố mẹ hai bên nội ngoại bắt đầu trách móc tôi rằng “Thời buổi này, trẻ con đứa nào cũng được học trước chương trình hết rồi. Không đi học thêm thì làm sao theo kịp chúng bạn?”
Tại thời điểm đó, tuy điểm tập viết không được cao nhưng tôi nhận thấy Bon vẫn rất thích đi học. Bé ham mê khám phá cái mới, đặc biệt là khả năng nhận biết mặt chữ, mặt số rất nhanh, đánh vần và tập đọc khá thành thạo. Tôi quyết định giữ vững quan điểm không cho bé đi học thêm và sẽ kèm con ở nhà. Mỗi tối sau khi ăn cơm xong, hai mẹ con đều ngồi vào bàn học. Ban đầu chỉ là những nét bút chì đơn giản viết nét cong nét khuyết. Tôi kiên nhẫn chỉ dạy, cầm tay hướng dẫn và luôn lấy những ví dụ hình ảnh thật cụ thể trong đời sống cho bé dễ hình dung. Theo tôi, quan trọng là ta luôn duy trì được niềm hứng khởi luyện tập ở trẻ, không trách mắng đòn roi, không phê bình hay so sánh khiến trẻ tự ti. Dần dần từ viết đúng, viết nhanh, Bon đã biết trở nên viết đẹp.
Đối với tôi, học tập không phải là chuyện một sớm một chiều mà là cả một quá trình dài rèn luyện và phấn đấu. Có những bậc phụ huynh đến khi con chuẩn bị vào lớp một mới cuống cuồng cho con đi học cấp tốc với hy vọng cháu sẽ theo kịp chúng bạn. Còn tôi, tôi đã “dạy” Bon từ khi cháu mới vài tháng tuổi.
Có nhiều bạn hẳn sẽ thắc mắc, trẻ sơ sinh đang còn ẵm ngửa, biết gì mà dạy? Trên thực tế, khi mang thai tôi đã nghiên cứu rất nhiều và đặc biệt ủng hộ quan điểm nuôi dạy trẻ kiểu Nhật. Thời kì 0 – 6 tháng tuổi là giai đoạn hình thành phần lớn não bộ, những kiến thức bé thu thập được khi này sẽ nhưng những viên đá được cất trong tủ lạnh để sau này lớn lên sẽ “rã đông” dùng dần. Tôi thường xuyên nói chuyện và đọc sách cho bé, tập đếm từ 1 đến 10 và lặp lại như một bài hát, mua cho trẻ ngắm những bức tranh sinh động sắc màu… Một tuổi, Bon chơi với bảng chữ cái, hai tuổi thỏa sức sáng tạo với giấy và bút chì màu, ba tuổi bắt đầu làm quen với tiếng anh, bốn tuổi hăng hái vận động và tham gia các trò chơi với bạn bè... Học mà chơi - chơi mà học, cứ như thế con dần trở nên tự tin năng động và khi vào lớp một, được tiếp xúc với các chữ số, các bài tập đọc chẳng khác nào gặp lại “người quen”.
Trình độ của các bé đi học trước và không đi học chỉ chênh lệch nhau ở học kỳ đầu lớp 1, sang đến học kì hai, tất cả lại trở về vạch xuất phát. Một số bé đi học trước tuổi thậm chí còn nảy sinh tâm lý chủ quan, nghĩ kiến thức này mình biết rồi, dẫn đến lơi là việc học tập. Về phần bé Bon, từ đó đến nay con đã lên lớp 4, năm nào cháu cũng được học sinh giỏi và còn được cử đi tham gia “ Vở sạch chữ đẹp”. Tôi hoàn toàn tin tưởng và hài lòng với phương pháp dạy của mình. Theo tôi trẻ ở lứa tuổi nào sẽ có cách học của lứa tuổi đó. Quả “chín ép” đương nhiên sẽ không thể ngọt lâu.
Chia sẻ của độc giả gửi từ email: nhatle_dang...@...