"Nhồi" trẻ học nghệ thuật để nổi tiếng?

Ngày 18/07/2013 10:33 AM (GMT+7)

Học nghệ thuật để con phát triển năng khiếu là điều tốt nhưng không phải ép buộc là trẻ sẽ thành người nổi tiếng.

Trong những năm gần đây, nhiều phụ huynh có kinh tế khá giả không chỉ lo tìm gia sư dạy học các môn văn hóa trong dịp hè cho con mà còn chú trọng việc tìm các lớp học nghệ thuật để trẻ được phát huy khả năng của bản thân. Đáp ứng yêu cầu đó không ít trung tâm nghệ thuật được mở ra với nhiều lớp học đa dạng phong phú về các môn như đàn, hát, múa, vẽ, kỹ năng sống...

Phụ huynh đôn đáo lo cho con học nghệ thuật

Kỳ nghỉ hè đến đồng nghĩa với việc cu Bin con của chị Linh Anh (Phố Núi Trúc – Hà Nội) căng sức học gia sư các môn văn hóa và tham gia lớp học vẽ 2 buổi/tuần. Nhận thấy con thích cầm bút vẽ vời, dù đó là những nét nghuệch ngoạc nhưng chị Linh Anh vẫn quyết tâm lặn lội khắp nơi tìm giáo viên để kèm thêm cho cháu.

 “Sau hơn 2 tháng, khả năng vẽ của cháu chưa có tiến bộ nhiều nhưng tôi nghĩ học nghệ thuật phải từ từ. Các bạn ở lớp cháu cũng được bố mẹ cho đi học học đàn, hát, múa, dance sport… để phát triển khả năng bản thân. Phụ huynh bây giờ thường không quan trọng nhiều chuyện tiền nong, chủ yếu là chú ý tới sở thích của con mình để tìm môn học phù hợp”. chị Linh Anh nói

Đi tìm và ghi danh cho con vào một lớp kỹ năng sống trên địa bàn Hà Nội ngay từ khi chưa kết thúc năm học. Chị T.T (Đường Nguyên Trãi – Hà Nội) chấp nhận chi cả chục triệu đồng trong mấy tháng hè để con được học các kỹ năng ứng xử.

Bản thân chị T. đặt không ít kỳ vọng vào cô con gái mới học lớp 2 sau khi được học những kiến thức ở lớp kỹ năng sống. Chị T. chia sẻ: “Cháu mới học lớp 2 mà được học giao tiếp, ứng xử hẳn là sau này sẽ tự tin. Biết đâu với kiến thức trang bị được, có thể sau này cháu sẽ trở thành một chuyên gia giỏi trong lĩnh vực PR, quan hệ công chúng hay nhà quản lý”.

       quot;Nhồiquot; trẻ học nghệ thuật để nổi tiếng? - 1

Hãy cho trẻ học nghệ thuật theo khả năng, không nên ép buộc (Ảnh minh họa)

Tốn kém và chịu chơi hơn một chút, chị N.H (Khu đô thị Văn Khê – Hà Nội) bỏ ra gần 60 triệu đồng mua đàn cho con gái tập tành hàng ngày. Cô con gái 9 tuổi của chị N.H vốn đã học giỏi các môn ở trường nên chị mong muốn cháu sẽ thể hiện thêm được bản thân mình ở một môn nghệ thuật nào đó.

“Dù phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ, nhưng bù lại, học đàn sẽ giúp cháu rèn luyện tính kiên trì, nuôi dưỡng tâm hồn, giúp cháu sống hướng thiện. Nếu xác định cho cháu học lâu dài cho tới khi trưởng thành thì khoản đầu tư này cũng đáng. Giờ cháu cũng rất thích xem các nghệ sĩ piano biểu diễn và mơ ước sau này được nổi tiếng như thần tượng.” chị N.H bày tỏ.

Dấu hiệu ban đầu nhận biết trẻ có năng khiếu?

Trao đổi với Thạc sĩ Nghệ thuật Lê Hoàng (Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Lê Hoàng) được biết, hầu hết việc học nghệ thuật sớm hay học các lớp kỹ năng sống dành cho trẻ em thường áp dụng những điều cơ bản trong phương pháp giáo dục tiểu học. Bao gồm: Hợp tác, kỷ luật, tưởng tượng, kiên định, tò mò, khả năng đặt câu hỏi, khả năng giao tiếp đồng nhất ngôn ngữ, sự kết nói.

Nếu trẻ được giáo dục nghệ thuật sớm với phương pháp giáo dục sáng tạo, các khả năng trên của trẻ sẽ được hình thành tốt. Đồng nghĩa với việc trẻ không bị đánh mất khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề khi vừa đến tuổi trưởng thành tự lập bước vào cuộc sống”, Thạc sĩ Nghệ thuật Lê Hoàng nói.

     quot;Nhồiquot; trẻ học nghệ thuật để nổi tiếng? - 2

Việc học đàn sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng cảm thụ âm nhạc (Ảnh minh họa)

Phụ huynh hãy tạo điều kiện môi trường tốt nhất cho trẻ, khi nhận biết dấu hiệu ban đầu con mình là trẻ có năng khiếu gồm: Không thể ngồi im, nghịch mọi thứ, thích sắp xếp đồ đạc, thích trò chơi giải đố, thích là người chịu trách nhiệm, nói không ngừng, vốn từ phát triển rộng, đọc sớm và nhanh, nghe một cách nhanh chóng, lưu lại thông tin khá dễ dàng, thích học điều mới, rất tò mò, quan sát tốt, chú ý lâu, quan tâm nhiều, trí nhớ tuyệt vời, tưởng tượng mạnh mẽ, nhạy cảm với tình cảm của người khác, nhạy cảm với cảm xúc, thể chất của bản thân, tính khôi hài trong tình huống hay từ ngữ, dễ dàng bị tổn thương, có tấm lòng từ bi, hướng thiện, biểu lộ rõ nét khả năng cảm thụ cái đẹp - cái xấu về tình cảm, sự vật, sự việc.

Thời điểm nào học nghệ thuật là hợp lý?

Những năm đầu đời đặc biệt giai đoạn 2-5 tuổi là cơ hội rất tốt để phụ huynh cho trẻ học các môn nghệ thuật sớm. Thạc sĩ Lê Hoàng cho rằng: “Tất cả mọi trẻ em đều biết vẽ trước  khi biết viết, biết hát trước khi biết nói. Khi khả năng ngôn ngữ phát triển chưa  hoàn thiện thì hội họa, âm nhạc là phương tiện để biểu đạt hiệu quả nhất, lý thú nhất, đặc biệt là với trẻ từ 2 đến 5 tuổi.

Với bộ môn âm nhạc, trẻ có thể cảm nhận âm nhạc từ khi còn ở trong bụng mẹ, vậy nên không có giới hạn tuổi đối với việc cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc. Tuy nhiên, ở mỗi lứa tuổi sẽ có những hình thức tiếp cận khác nhau.

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thuyên Hà (chuyên ngành piano biểu diễn, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – Trưởng bộ môn âm nhạc của TTVH NT Sao Bắc Đẩu) chia sẻ: “Trẻ dưới 4 tuổi hầu hết chưa thể học một cách nghiêm túc về nhạc cụ, khả năng của bé lúc này thiên về nghe và cảm nhận âm nhạc. Đối với trẻ từ 4 tuổi trở lên, sẽ có những phương pháp sư phạm phù hợp để giúp trẻ tiếp thu một cách dễ dàng nhất về nhạc cụ mà trẻ muốn học”.

Thậm chí, mọi người thường nghĩ phải có năng khiếu mới có thể học đàn. Trên thực tế, trẻ có năng khiếu sẽ học nhanh hơn, nhưng không có nghĩa là trẻ không có năng khiếu là không học được đàn. “Đối tượng của âm nhạc không phải chỉ là những đối tượng trong môi trường chuyên nghiệp. Mục đích đào tạo khác nhau nhưng vẫn hướng tới một cái chung. Đó là đã học thì sẽ học được. Và đương nhiên, người thầy là nhân tố vô cùng quan trọng”, Thạc sĩ Thuyên Hà nhấn mạnh.

Để việc giáo dục nghệ thuật cho trẻ có tác dụng cần lưu ý những điều sau đây:

Thạc sĩ Nguyễn Lệ Thuyên Hà (chuyên ngành piano biểu diễn, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – Trưởng bộ môn âm nhạc của TTVH NT Sao Bắc Đẩu) đưa ra lời khuyên: "Hiện nay việc cho trẻ sớm tiếp xúc với nghệ thuật là rất phổ biến. Không nên quên rằng, trẻ được quyền lựa chọn những môn học phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Sự ép buộc không bao giờ mang lại kết quả tốt. Bên cạnh đó việc tìm được một môi trường phù hợp để trẻ có thể thỏa sức phát huy sự sáng tạo và đam mê của mình cũng là yếu tố quan trọng mà bố mẹ không nên bỏ qua".

Khi học nghệ thuật, phụ huynh cũng đừng quá quan trọng thành tích, như thạc sĩ Nghệ thuật Lê Hoàng chia sẻ: "Các phụ huynh nên bỏ thói quen quan tâm đến điểm số khi cho con học nghệ thuật. Điều quan trọng là thái độ, hành động thực tế của trẻ. Đó chính là giá trị của trẻ có được với phương pháp mới. Không áp đặt khuôn mẫu và sự hướng dẫn là mang tính định hướng, gợi mở. Người dạy phải tận tụy, thật sự thương yêu, tôn trọng và tin tưởng trẻ em, khuyến khích nâng đỡ, cổ vũ khi đánh giá, duy trì một môi trường học tập đầy hứng khởi và an toàn. Người thầy cần hòa mình cùng làm bạn với trẻ để các cháu phát triển một cách tự nhiên".

Tác dụng của việc học năng khiếu với trẻ em

Học thanh nhạc như chơi đàn violon hay piano sẽ giúp trẻ có thể khám phá những cung bậc âm thanh của từng loại đàn. Tiếng đàn dịu dàng cũng đưa lại cảm giác thoải mái cho tâm hồn đặc biệt những lúc mệt mỏi., tăng cường trí tuệ, rèn luyện sự kiên trì và khả năng cảm thụ âm nhạc.

Học vẽ giúp trẻ sớm nhận biết được màu sắc, cách phối màu, phát triển trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo, mở mang hiểu biết thế giới xung quanh và học được sự kiên trì trong quá trình tô màu. Ngoài ra, trang bị cho trẻ thêm tính ngăn nắp, gọn gàng.

Lớp học kỹ năng sống không chỉ trang bị kiến thức giao tiếp, ứng xử mà còn là nơi để trẻ học được cách xử trí khi ở trong các tình huống, cách giải quyết những trường hợp khẩn cấp và làm chủ bản thân.

Học hát sẽ giúp trẻ có được sự tự tin, thể hiện mình trước đông người. Đó là cơ hội để bộc lộ tài năng, thiên hướng của bản thân, tăng cường sự sáng tạo, phát triển trí tuệ và tạo được sự kết nối với mọi người xung quanh.

Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục