Thời trang ăn liền: 'ác mộng' của ông lớn thời trang

Ngày 10/12/2013 05:06 AM (GMT+7)

Sự phát triển như vũ bão của thời trang ăn liền đang là cơn ác mộng của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, tuy nhiên nó lại là giấc mơ của các tín đồ thời trang trên thế giới.

"Thời trang ăn liền" hay còn gọi là "Fast Fashion" là cụm từ được dùng để chỉ những trang phục, phụ kiện được thiết kế theo những xu hướng thời trang thịnh hành nhất, mang kiểu dáng, phong cách đặc trưng của các thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới,  tuy nhiên lại được bán với giá cả rất phải chăng do sử dụng nguồn nguyên vật liệu bình dân. Trong hơn 2 thập kỷ qua, các thương hiệu kinh doanh bán lẻ như H&M, Zara, Forever 21 là 3 trong số thời trang ăn liền phổ biến và được yêu chuộng nhất. Chúng được các tín đồ thời trang yêu thích bởi kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt, cập nhật nhanh xu hướng và đặc biệt là mức giá rất hợp túi tiền với đại đa số tầng lớp. Tuy nhiên, đây lại chính là cơn ác mộng của các ông lớn trong ngành thời trang. Trong khi các thương hiệu lớn như Chanel, Prada hay Louis Vuitton phải mất hàng năm trời để dầy công nghiên cứu các thiết kế, tìm kiếm chất liệu để rồi sau đó chỉ giới thiệu 50-100 mẫu sản phẩm mỗi  năm thì "Thời trang ăn liền" lại phất lên nhờ tài "xào nấu" ý tưởng của các ông lớn. Chỉ cần lướt qua những bộ sưu tập mới nhất của các nhãn hàng lớn, các nhãn hiệu "Thời trang ăn liền" như Zara, H&M đã nhanh chóng copy những thiết kế được yêu chuộng nhất để rồi cho ra đời khoảng 10.000 sản phẩm mỗi năm. Trung bình, mỗi tuần các thương hiệu thời trang giá rẻ trình làng 2 bộ sưu tập với các thiết kế là tổng hòa ý tưởng từ thương hiệu lớn, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu mua sắm của các tín đồ thời trang và từ đó, thu hút một số lượng khách hàng khổng lồ, có nguồn thu nhập bình dân. Đứng trước sự tấn công như vũ bão vào thị trường này của Thời trang hàng hiệu giá rẻ, các ông lớn chỉ biết "mếu mặt" cam chịu và tìm kiếm khách hàng tiềm năng là những tín đồ thời trang thực thụ, hiểu rõ về đẳng cấp thời trang.

Mô hình thời trang ăn liền phát triển từ những năm cuối của thập niên 90. Trong đó, Zara, thương hiệu đến từ xứ sở bò tót, là một hình mẫu thành công của thời trang ăn liền. Với hơn 1800 cửa hàng bán lẻ tại 45 quốc gia trên thế giới và mức tăng trưởng 20% mỗi năm, doanh thu của Zara là sự ghen tị của rất nhiều thương hiệu lớn như Prada hay Chanel. Thường xuyên bị chỉ trích là thương hiệu chuyên đạo ý tưởng nhưng khó có thể phủ nhận, đằng sau thành công của Zara là cả một nghệ thuật kinh doanh đáng để học hỏi.

Nghệ thuật "đạo" ý tưởng tài tình

Vẫn biết rõ, ý tưởng của mình bị "ăn cắp" một cách trắng trợn nhưng các ông lớn thời trang vẫn "ngậm đắng nuốt cay" bởi Zara "đạo" thiết kế rất tài tình. Thay vì đầu tư đội ngũ nhà thiết kế chuyên nghiệp thì Zara lại tập trung lực lượng hùng hậu các "nghệ sĩ xào xáo". Họ quan sát kỹ càng các thiết kế hot của các thương hiệu lớn trên thế giới, sau đó " mô đi phê" chúng dựa theo những phản hồi của khách hàng trên toàn thế giới.  Đồng thời, Zara rất biết cách chiều lòng khách hàng khi tại mỗi cửa hàng của Zara, các chủ shop sẽ chủ động theo dõi phản ứng của khách hàng dựa vào những gì họ mua và không mua, thậm chí ghi lại những góp ý hay phàn nàn cho dù là nhỏ nhất như :'Tôi thích cái quần đỏ này", "Tôi không thích phần khóa ở sau lưng như thế này". Sau đó, quản lý cửa hàng sẽ gửi feedback này về nhà sản xuất và các nhà thiết kế sẽ dựa vào những ý kiến này để nhanh chóng tạo nên các sản phẩm hoàn hảo tiếp theo.

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 1

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 2

Thời trang ăn liền "copy" nhanh chóng những thiết kế trên sàn catwalk để trở thành các sản phẩm cho riêng mình mà các thương hiệu lớn không có đủ bằng chứng để chứng minh về quyền sở hữu trí tuệ

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 3

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 4

Những thương hiệu như Zara, H&M luôn có đội ngũ "đạo" thiết kế rất hùng hậu và tài năng

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 5

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 6

Đồng thời thu thập phản ứng của khách hàng để cho ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu nhất

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 7

Thiết kế hỏa tốc, bày bán hỏa tốc

Chuỗi cung ứng của Zara là một lộ trình hết sức đơn giản và gọn nhẹ. Mọi quy trình sản xuất, cung ứng của Zara đều được đơn giản hóa tới mức tối đa để những sản phẩm mới nhất có thể nhanh chóng đến tay tín đồ thời trang. Trong số các mục tiêu kinh doanh của công ty thì Zara luôn đề cao tiêu chí rằng "Tiếp cận thị trường nhanh nhất" và "Phản hồi nhanh nhất cho khách hàng". Thường thì, các sản phẩm trên bản vẽ sẽ nhanh chóng có mặt tại các cửa hàng sau 3 tuần trong khi các thương hiệu ready-to-wear lớn phải mất từ 30-60 ngày. Những sản phẩm này sẽ được phân phối tới các đại lý bán lẻ và được bán một cách nhanh chóng. Biên tập viên của tờ Tank tại London, Masoud Golsorkhi từng chia sẻ ấn tượng của mình về chuỗi cung ứng siêu tốc của Zara rằng: "Khi bạn tới cửa hàng của Gucci hay Chanel vào tháng 10 thì cho đến tháng 2 năm sau bạn vẫn có thể thấy sản phẩm này bày bán tại cửa hàng. Nhưng với Zara, bạn biết rằng nếu chần chừ thì trong vòng 11 ngày sản phẩm lọt vào tầm ngắm của mình sẽ nhanh chóng bị bán đi. Đến với Zara khách hàng chỉ có thể đứng trước sự lựa chọn 'Bây giờ hoặc không bao giờ".

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 8

Zara thiết kế hỏa tốc, bày bán nhanh chóng và luôn có sản phẩm mới cứ 2 lần một tuần khiến khách hàng chỉ có thể đứng trước lựa chọn "Bây giờ và không bao giờ"

Zara luôn có sản phẩm mới ra mắt khách hàng cứ 2 lần một tuần, trong khi đó hầu hết các thương hiệu lớn phải mất đến hàng tháng trời mới có thể cho ra mắt một dòng sản phẩm mới. Với tiêu chí này, Zara luôn thôi thúc các tín đồ thời trang đến với mình hàng tuần và từ đó doanh thu luôn đều đặn thu về từng tuần để có vốn lưu động cho các sản phẩm tiếp theo.

Không tốn tiền cho quảng cáo

Bạn đã bao giờ thấy poster quảng cáo của Zara trên các tạp chí thời trang, báo giấy, báo online hay bất kỳ đâu?

Câu trả lời là rất hiếm khi.

So với các thương hiệu thời trang lớn khác thì Zara chỉ mất khoảng 0.3% doanh thu dành cho quảng cáo và chủ yếu chỉ là những thông báo được đăng trên tạp chí hay báo giấy địa phương. Thậm chí các nhà thiết kế của Zara cũng hoàn toàn vô danh và họ hầu như không có bộ phận tiếp thị riêng. Thay vào đó, sự tinh quái của Zara nằm ở chỗ họ luôn tìm một vị trí "đắc địa" nhất cho các cửa hàng thời trang, đó là luôn nằm cạnh các thương hiệu lớn trên thế giới, như để chứng minh vị trí, đẳng cấp của mình không hề thua kém. Như biên tập viên Masoud Golsorkhi từng phân tích: "Vị trí cửa hàng của các thương hiệu luôn chia rõ đẳng cấp. Prada muốn đặt cạnh Gucci, Gucci muốn bên cạnh Prada. Nhưng chiến lược kinh danh của các thương hiệu này luôn xác định phải tránh xa những tên tuổi như Zara. Trong khi đó, chiến lược của Zara là  tiếp cận thời trang hàng hiệu nhiều nhất có thể"

Thời trang ăn liền: ác mộng của ông lớn thời trang - 9

Zara luôn cố "bon chen" đứng cạnh các ông lớn thời trang để nâng tầm đẳng cấp

Sự phát triển như vũ bão của thời trang ăn liền đang là cơn ác mộng của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, tuy nhiên nó lại là giấc mơ của các tín đồ thời trang trên thế giới. Xét về bề nổi, thời trang ăn liền đã mang đến rất nhiều mặt tích cực cho các tín đồ thời trang thế giới khi chỉ với một số tiền bình dân nhưng phái đẹp dễ dàng sở hữu những trang phục mang hơi thở của hàng hiệu giữa nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau ngành công nghiệp này lại là những tổn thất khá nặng nề về người và của.

Mời bạn đón đọc bài viết : "Cái giá phải trả của thời trang ăn liền" vào lúc 5h00 ngày 11/12

Minh Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan