Chuyển mùa, phụ huynh lo trẻ lên cơn suyễn nặng

Ngày 19/06/2015 08:23 AM (GMT+7)

Thời tiết chuyển mùa, thói quen sinh hoạt thay đổi vào dịp nghỉ hè cùng với nhận thức sai lầm của phụ huynh, đều có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng trẻ mắc bệnh hen suyễn.

Trẻ mắc suyễn có nên tập thể dục?

Ths – Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa Hô Hấp bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, cứ mỗi thời điểm chuyển mùa là bệnh nhi mắc các chứng dị ứng, hô hấp lại tăng cao. Không chỉ do thời tiết, mùa hè, mùa trẻ được nghỉ học, thay đổi thói quen sinh hoạt cũng là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết: “Trẻ bị suyễn rất dễ lên cơn khi bị dị ứng. Mùa hè, phụ huynh hay cho con cái đi chơi, khi không được coi sóc, trẻ dễ hít phải phấn hoa, lông động vật, .v.v. khiến đường hô hấp thình lình bị thu hẹp, gây lên cơn, ngất xỉu, .v.v.”.

Chuyển mùa, phụ huynh lo trẻ lên cơn suyễn nặng - 1

Chuyển mùa là thời điểm rất nguy hiểm với trẻ mắc bệnh suyển - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, với những bậc phụ huynh “nhốt” trẻ bị suyễn ở nhà cũng chưa hẳn là tốt. Và trên thực tế, rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng không nên cho trẻ bị suyễn vận động là cách tốt nhất để ngăn lên cơn. Chị Nguyễn Thị Pha Lê, ngụ quận Phú Nhuận, đưa con trai 6 tuổi mắc hen suyển đi khám ở bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Lúc cháu đi học, tôi thường dặn giáo viên thể dục không cho cháu tập nặng. Nghỉ hè là không cho cháu chạy nhảy gì hết, lỡ bị lên cơn rất mệt”.

Về vấn đề này, Ths – Bác sĩ Trần Anh Tuấn khuyến cáo: “Tránh hoạt động thể lực một cách thái quá chỉ làm cho sức đề kháng, sức khỏe trẻ yếu hơn. Điều trị suyễn bao gồm việc dùng thuốc và không dùng thuốc. Khi điều trị không dùng thuốc, việc vận động đúng mức và có thuốc dự phòng sẽ rất tốt cho trẻ trong việc tăng cường thể lực, đẩy lùi bệnh”.

Cẩn trọng với bệnh suyễn

Suyễn là bệnh hô hấp rất thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ mắc suyễn có thể lên cơn bất kỳ lúc nào. Khi lên cơn, đường hô hấp thình lình bị thu hẹp, tạo nên những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho. Trẻ lên cơn suyễn thường là khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, gặp không khí lạnh, các kích thích về cảm xúc, tập thể thao cường độ cao.

Trẻ đang bú mẹ và trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc suyễn cao nhất. Triệu chứng thường gặp là xuất hiện các đợt thở khò khè, ho hoặc thở khò khè khi vận động, hay ho ban đêm dù không bị bệnh gì, …

Bệnh suyễn lên cơn và bắt đầu biến chứng nặng rất nhanh, vì bệnh nhân bị tác động trực tiếp lên hệ hô hấp. Vì thế, điều trị suyễn và kiểm soát suyễn quan trọng nhất là tránh phụ thuộc vào các loại thuốc để cắt cơn, cho trẻ sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục điều độ để giảm dần việc lên cơn đột ngột.

Chuyển mùa, phụ huynh lo trẻ lên cơn suyễn nặng - 2

Cha mẹ cần kiểm soát suyển bằng cách tránh cho trẻ quá phụ thuộc vào thuốc cắt cơn - Ảnh minh họa

Ths – Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết, khi trẻ đã mắc suyễn, nếu có các triệu chứng nặng như: thuốc cắt cơn không có tác dụng, hoặc tác dụng ngắn dần, trẻ hay ngồi thở, co kéo vùng quanh xương sườn và cổ, cánh mũi phập phồng, cơ thể tím tái... thì nên đưa đi cấp cứu. Vì nếu để lâu dài, sẽ khiến trẻ bị suy hô hấp dẫn đến tử vong.

Để điều trị suyễn và ngăn việc lên cơn, cần phải kiểm soát trẻ, tránh khỏi các yếu tố dị ứng như phấn hoa, lông động vật, bụi bặm, mưa, mỹ phẩm, hóa phẩm có mùi, … Ngoài ra, các yếu tố kích thích quá lớn về mặt cảm xúc cũng dễ khiến trẻ bị lên cơn. Nên cho trẻ tập thể dục nhưng tránh vận động quá mạnh. Chọn những môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp, .v.v.

Hơn nữa, vào mùa hè, khi phụ huynh có ý định đưa trẻ mắc suyễn đi chơi xa, trước chuyến đi, cần đưa trẻ đến bệnh viện khám để đảm bảo suyễn được kiểm soát tốt và các bác sĩ có thể kê toa thuốc phòng ngừa, cắt cơn.

Nguyên Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan