Vấn đề người dân có quyền tự quyết về số lần sinh con, khoảng cách sinh con cần phải hiểu theo đúng nghĩa của nó.
Mới đây trong dự thảo Luật Dân số có đề xuất về việc cho phép các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Thông tin trên sau khi được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến nhiều người dân “bán tín, bán nghi”. Để có cái nhìn toàn diện và hiểu đúng về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế).
- Thưa ông! Việc đề xuất các cặp vợ chồng được tự quyết định số lần sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh con đang có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Ông có thể giải thích để người dân hiểu một cách đầy đủ về vấn đề này?
TS Lê Cảnh Nhạc: Trong chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình (DS KHHGĐ) của Việt Nam chưa bao giờ có một điều luật nào ngăn cấm và chưa có chế tài xử phạt người dân trong số lần sinh con.
Mục đích trong chính sách DS KHHGĐ là giúp người dân có thể lựa chọn khoảng cách sinh con, số lần sinh con và thời điểm sinh con một cách phù hợp, tự nguyện và quan trọng nhất là phù hợp với chính sách DS KHHGĐ của Việt Nam.
Thực chất công tác DS KHHGĐ là một cuộc vận động rộng lớn để cho người dân có trách nhiệm với đất nước và chính gia đình mình trong số lần sinh con, để làm sao vừa đảm bảo, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước và kinh tế gia đình. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Nên vấn đề người dân tự quyết định thời điểm sinh con, khoảng cách sinh con và số lần sinh còn, mục đích cuối cùng là nhu cầu đó. Chính vì thế, nguyện vọng đó phải phù hợp với chính sách dân số, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
TS Lê Cảnh Nhạc: "Người dân cần hiểu đúng việc tự quyết định số lần có con".
- Vậy thì chính sách DS KHHGĐ có định hướng như thế nào về quy mô dân số trong thời gian tới?
- Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong công tác DS KHHGĐ. Việt Nam đang có nhiều cái nhất trong lĩnh vực dân số, tuy nhiên những cái nhất đó đều là những thách thức đối với ngành dân số.
Ví dụ như quy mô dân số Việt Nam đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực, mật độ dân số của Việt Nam cũng nằm trong tốp những nước cao nhất trên thế giới, tốc độ già hóa dân số của nước ta đang thuộc tốp nhanh nhất thế giới… Những cái nhất đó đều là thách thức vô cùng lớn đối với nước ta.
Thực tế, trong 10 năm qua Việt Nam đã duy trì mức sinh thay thế, đó là một thành quả vô cùng to lớn và quan trọng. Tuy nhiên, để giảm mức sinh thay thế đã khó, việc duy trì được mức sinh thay thế lại càng khó hơn. Điều này đòi chúng ta phải có chiến lược dân số rành mạch, rõ ràng và khoa học.
Trong quá trình làm công tác dân số, chúng tôi đã đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra, đó là: mức sinh cao, mức sinh thấp và kéo dài mức sinh thay thế.
- Ông có thể nói rõ hơn về 3 kịch bản có thể diễn ra như thế nào?
- Kịch bản thứ nhất đó là mức sinh cao. Nếu như chúng ta để mức sinh cao, không cần phải như trước đây là mỗi gia đình có 3 con, mà chỉ cần mỗi gia đình có 2,3 đến 2,5 con thì đến năm 2049 quy mô dân số nước ta sẽ là 140 triệu người.
Lúc đó, mật độ dân số sẽ tăng lên 400 người/1km2. Hiện nay chúng ta đang là 273 người/1km2, đã là mật độ dân số đứng thứ 3 trong khu vực và đứng thứ 16/51 quốc gia vùng lãnh thổ ở châu Á. Nếu như từ 273 người mà tăng 400 người/km thì rõ ràng không đáp ứng được tình hình kinh tế xã hội của nước ta.
Kịch bản thứ hai là mức sinh thấp. Nếu như mức sinh xuống thấp thì cũng sẽ gặp phải những khó khăn như tốc độ già hóa tăng, nguy cơ thiếu nguồn nhân lực rất lớn. Như vậy, khoảng thời gia duy trì cơ cấu dân số vàng sẽ thu hẹp (dân số vàng: tỷ lệ người lao động gấp đôi người ăn theo – P/V).
Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước, ngoài ra sẽ khiến cho việc mất cân bằng giới tính sẽ tăng cao hơn. Bởi sinh ít con việc lựa chọn sinh con trai sẽ tăng lên. Chính vì vậy, cả kịch bản thứ nhất và thứ 2 sẽ là thảm họa của đất nước.
Do đó chúng tôi đưa ra kịch bản thứ 3, cũng là phương án tối ưu nhất, để chúng ta kéo dài hơn nữa thời kỳ mức sinh thay thế. Tức là chúng ta sẽ duy trì mức sinh từ 1,9 đến 2,0 con/1 bà mẹ trong thời kỳ sinh đẻ đến năm 2020, như vậy sẽ đảm bảo được rất nhiều yếu tố như cơ cấu dân số, độ tuổi cân bằng, quy mô dân số và giảm được tốc độ già hóa dân số.
Trong 3 kịch bản đó, hiện nay chúng ta đang triển khai kịch bản thứ 3 là duy trì mức sinh thay thế.
Việt Nam cần phải duy trì mức sinh thay thế.
- Nói là vậy nhưng khi cho người dân tự quyết định số lần sinh con, liệu điều này có dẫn đến hệ quả là người dân sẽ sinh nhiều con hơn, nhất là những vùng kinh tế chưa phát triển hoặc nông thôn. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Vấn đề người dân có quyền tự quyết về số lần sinh con, khoảng cách sinh con cần phải hiểu theo đúng nghĩa của nó. Tức là, bên cạnh quyền thì phải phải gắn với nghĩa vụ của người dân đối với đất nước và sự phát triển kinh tế xã hội cũng như của gia đình. Bởi vậy, trong trường hợp người dân sinh ít con cũng là thảm họa của đất nước.
Mặt khác, nếu người dân sinh nhiều con sẽ gây nên sự bùng nổ về dân số, mức sinh không đồng đều. Điều đáng nói, mức sinh cao lại ở những vùng có nên kinh tế khó khăn đó là vùng nông thôn, vùng núi. Nếu không giải thích rõ cho người dân về yêu cầu, quyền lợi gắn với người dân thì sẽ dẫn đến những hậu quả rất lớn, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo…
- Một vấn đề nữa cũng được rất nhiều người quan tâm đó chính là sự chênh lệch mức sinh ở Việt Nam. Vậy, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
- Đây là thách thức rất lớn ở Việt Nam hiện nay. Theo đó, có những vùng mức sinh rất cao, nhưng có những vùng mức sinh rất thấp. Điều đáng nói là có những vùng đời sống cao thì mức sinh lại rất thấp, còn những vùng kinh tế kém phát triển thì mức sinh lại rất cao.
Ví dụ như khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ sinh xuống rất thấp chỉ có khoảng 1,35 con/1 người phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ. Ngoài ra vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL cũng có tỷ lệ sinh thấp chỉ khoảng 1,5 con/1 người mẹ.
Tuy nhiên, ở những vùng khác như Bắc Trung bộ, Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên là những vùng có kinh tế khó khăn, nhưng tỉ lệ sinh đang ở mức 2,3 đến 2,5 con/1 người phụ nữa. Đặc biệt tại Nghệ An tỷ lệ sinh lên tời 2,9 đến 3,0 con.
Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm sao để những vùng có tỷ lệ sinh thấp và những vùng có tỷ lệ sinh con đều đặt mức chỉ sinh ở 2 con. Chính vì thế thông điệp của chúng ta hiện nay không phải là: “Mỗi cặp vợ chồng sinh từ 1 đến 2 con, mà thông điện hiện nay sẽ là: “Mỗi cặp vợ chồng hãy sinh 2 con”.
Tiêu chí 2 con là tiêu chí tối ưu để cho đất nước phát triển. Việc thay đổi thông điệp phải đi liền với thay đổi nhận thức của người dân.
- Vậy chúng ta phải làm gì để đạt được điều đó?
- Chúng ta không dùng pháp luật làm công cụ hay chế tài mà phải truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho người dân. Tạo nên cuộc vận động xã hội rộng lớn với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và các đoàn thể khác…Bên cạnh đó có thể có những hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư để đáp ứng yêu của của địa bàn ấy.
Thứ hai là cung cấp các dụng cụ về kế hoạch hóa đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hiện nay, mực dù chúng ta đã đạt được mức sinh thay thế nhưng phụ nữ Việt Nam bước vào độ tuổi sinh đẻ là có quy mô cao nhất.
Quy mô này sẽ kéo dài đến năm 2025. Do vậy, nhu cầu về phương tiện tránh thai, cũng như các dụng cụ về KHHGĐ gia tăng hơn bao giờ hết. Trong khi đó, nguồn lực cấp cho người dân ngày càng ít đi.
Vì vậy, phải làm sao vận động người dân tham gia một cách tự nguyện vào các biện pháp, chương trình này, phù hợp với điều kiện và thói quen của họ.
- Xin cảm ơn ông!