Dự báo thời tiết ngày 23/7: Tin mới nhất về bão số 3 trên Biển Đông

Ngày 23/07/2017 09:22 AM (GMT+7)

Theo dự báo thời tiết của trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 3 ở Biển Đông, sau đó tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới mới.

Thời tiết cuối tuần tại Hà Nội đã có nắng vào ban ngày, nhiều nơi nắng nóng. Tuy nhiên, ngay từ tối thứ Bảy, khu vực nội thành Hà Nội đã giảm nhiệt bằng những cơn mưa vừa, mưa to rải rác.

Theo tin tức thời tiết mới nhất vừa cập nhật, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 3, tiến về đất liền. Vào 19h ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 180km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Theo dự báo, ngày 23/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 23/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Dự báo thời tiết ngày 23/7: Tin mới nhất về bão số 3 trên Biển Đông - 1

Cơn bão số 3 hình thành trên Biển Đông, nhưng có khả năng suy yếu thành vùng áp thấp nhiệt đới, thời tiết miền Bắc tiếp tục mưa lớn diện rộng những ngày tới.

Trong hai ngày từ 23-24/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km vào khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19h ngày 24/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 8-9.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, sau mạnh lên thành bão, vùng biển khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh.

Khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 6-8.

Cũng theo dự báo thời tiết từ trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 19h ngày 22/7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,6 độ vĩ Bắc; 117,7 độ kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 380km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.

Dự báo trong ngày 23/7, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19h ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,2 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.

Dự báo trong 24-36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km/giờ).

Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão số 3 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, biển động rất mạnh): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 119,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Dự báo thời tiết từ trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cho thấy, mưa dông sẽ quay trở lại miền Bắc trong những ngày tới. Vì vậy, người dân các tỉnh miền núi phía Bắc cần hết sức chú ý hiện tượng thời tiết nguy hiểm, lũ quét, sạt lở đất.

Theo thông tin PV báo Người Đưa Tin ghi nhận trong ngày 22/7, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ 3 mẹ con bị nước lũ cuốn trôi xuống sông, 1 người mất tích. Trước đó ngày 21/7, một trận lũ quét kinh hoàng đã bất ngờ cuốn trôi 11 ngôi nhà, 2 chiếc xe máy và nhiều tài sản của người dân tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Cũng ảnh hưởng từ cơn bão số 2 vừa qua, trên địa bàn huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, nước sông Chảy lên nhanh đã gây ngập lụt tại một số nơi trên địa bàn huyện. Toàn huyện Lục Yên đã có 97 nhà dân bị ngập. Nước sông Chảy dâng cao cũng gây ngập úng khoảng 200ha lúa, màu và 50 ha ngô.

Thời tiết mưa lớn kéo dài, trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó mưa lũ và thiên tai diễn biến phức tạp.

Theo Ngọc Hà
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin bão số 3