Người mẹ cô độc nửa thế kỷ mù lòa vì khóc con

Ngày 02/01/2013 08:17 AM (GMT+7)

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng trong tâm thức của người mẹ 91 tuổi này, hình ảnh những đứa con như vẫn còn đây.

Gần 50 năm trước, hết chồng, rồi đến những đứa con thân yêu nhất của mẹ đã lần lượt ra đi để lại nỗi cô đơn, trống vắng, buồn tủi hằn trên đôi mắt khô cạn đến mù lòa cùng sự “nghiệt ngã” của thời gian.

Xuôi theo con đường nhựa 14E nhầy nhụa, lởm chởm ổ voi, chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Thiệt (91 tuổi), trú tại tổ 20, thôn Quý Hương, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vào một buổi chiều muộn sau cơn mưa vừa chợt ngắt.

Người mẹ cô độc nửa thế kỷ mù lòa vì khóc con - 1
Đôi mắt cụ đã mù lòa vì khóc con trong cảnh đời cô độc.

Gần nửa thế kỷ ngồi khóc con

Đôi mắt cụ Thiệt đã mù lòa. Một bên nhắm riết, một bên dính đầy ghèn. Cụ đưa hai tay quờ quạng khắp chỗ giường ngủ rồi lấy ra mấy tép trầu cau nhai móm mém. Xong, cụ lại ngồi thẫn thờ hướng đôi mắt không còn thấy gì ra đầu ngõ, nơi có tiếng xe cộ qua lại. Thi thoảng, nghe có tiếng người, cụ cũng cố nhướn mắt lên, hấp háy hy vọng. Người dân nơi đây cho biết, đã lâu lắm rồi, cứ chiều chiều cụ lại ngồi như thế để mong đợi những đứa con không bao giờ trở về của mình.

Căn nhà cụ Thiệt ở thấp bé, rộng không quá 15m2 được xây tạm bợ bằng 4 bức tường gạch trơ trọi cùng mấy tấm tôn, không tường rào, không cổng ngõ, không bếp núc và cũng không đủ rộng để chứa hết thảy chúng tôi. Chiếc chõng tre cũ kỹ thi thoảng rung lên bần bật mỗi khi cụ trở mình. Những người hàng xóm của cụ cho biết, gian nhà này được mấy chị em Phật tử chùa Bảo Minh gom góp xây dựng từ rất lâu để cụ có chốn ra vào tránh mưa, tránh nắng. Qua thời gian, căn nhà đã xuống cấp, xiêu vẹo, dột nát, dường như khó có thể đứng vững sau mùa mưa bão tới.

Không phải là tháng tám!

Khi chúng tôi bước vào chào, nghe có tiếng người, cụ Thiệt lập cập vịn thành giường run rẩy đứng dậy. Đưa những ngón tay run run sờ lên khuôn mặt của người khách lạ, cụ bỗng bật khóc: “Không! Không phải thằng Tám. Thằng Tám khuôn mặt đâu dài như ri”. Không khí căn nhà nhỏ bỗng trở nên ảm đạm và thê lương trong buổi chiều tà man mác.

Trong dòng ký ức nhạt nhòa bởi đã đi qua quá nhiều vất vả và sóng gió, cụ Thiệt không cầm được nước mắt khi nói về cuộc đời mình. Ngày ấy, cách đây gần 50 năm, cụ cũng từng có một mái ấm gia đình hạnh phúc, có chồng và 2 đứa con trai. Nhưng rồi chiến tranh khốc liệt và bệnh tật đã lần lượt cướp đi những người thân yêu nhất của cụ. Cứ thế, đã gần nửa thế kỷ trôi qua, ngày nào cụ cũng ngồi ngóng ra phía cửa để những ký ức ngày xưa cứ dồn dập đổ về. Đôi tay cụ run rẩy, dòng nước mắt cứ chảy dài theo ký ức xa xăm ấy. Và cũng chừng ấy năm, cụ Thiệt đã khóc cạn khô cả nước mắt đến mù lòa lúc nào không hay.

Niềm hy vọng chưa bao giờ nguội tắt

Đang ngồi kể chuyện, cụ bỗng kêu khát nước. Một người trong chúng tôi đi tìm nước cho cụ nhưng ngôi nhà trống hoác, chỉ thấy 1 cái lu đựng nước lã nhưng đã khô từ lâu. Không có nước uống, chúng tôi lấy ra một hộp sữa trong phần quà biếu cụ.

Cụ Thiệt uống ngon lành như thể đã nín nhịn cơn khát từ rất lâu. Uống xong, cụ lại tiếp tục kể về cuộc đời mình. Suốt câu chuyện, chúng tôi chỉ thấy nước mắt cụ tuôn trào, thấm ướt cả khuôn mặt già nua, nứt nẻ, dày đặc dấu chân chim. Thấy có tiếng động phía ngoài đường, cụ Thiệt dừng lời và hướng đôi mắt mù lòa về nơi ánh sáng. Biết cụ lại ngóng con, chúng tôi chậm rãi dìu cụ ra bậu cửa. Cụ ngồi bệt xuống chiếc đòn, chống cằm và ngó xa xăm.

Người mẹ cô độc nửa thế kỷ mù lòa vì khóc con - 2
Ngày nào cụ Thiệt cũng ngồi hướng ra cửa ngóng con.

Chị Nguyễn Thị Kim Long (48 tuổi), người hàng xóm tốt bụng đã nguyện phụng dưỡng và coi cụ như thể mẹ ruột mình, ngậm ngùi nói về số phận cụ bà bất hạnh: “Cũng là một người mẹ nên tui thấu hiểu nỗi đau của cụ Thiệt. Trên cuộc đời này, chẳng có gì lớn hơn nỗi đau mất con. Chẳng có tình cảm nào cao quý và đẹp đẽ hơn tình mẫu tử.

Từ ngày mất chồng, mất con, cụ Thiệt vẫn cứ ở vậy chứ nhất định không đi thêm bước nữa. Cụ chấp nhận chịu cảnh sống cô đơn, lủi thủi nơi mái tranh nghèo để thờ chồng, thờ con và sống cùng ký ức. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng lúc nào cụ Thiệt cũng nghĩ các con cụ chưa chết và sẽ trở về vào một ngày không xa”.

Đáng thương hơn khi nghe chị Long kể lại, 15 năm về trước, khi mắt cụ vẫn còn tỏ, cụ hay chống gậy ra chợ để kiếm miếng ăn. Cụ phải cúi mặt sát đất để mò mẫm đường đi. Những ngày tháng lăn lội nơi xó chợ, cụ mắc bệnh ở vùng kín nhưng không có tiền chữa trị. Đến nay, bộ phận sinh dục của cụ bắt đầu lở loét, không ai dám lại gần vì sợ lây.

Việc tắm rửa, giặt giũ cho cụ chỉ có vợ chồng chị Long làm được. Hơn chục năm trở lại đây, sức khỏe cụ Thiệt yếu đi rõ rệt. Chân tay cụ lúc nào cũng run lẩy bẩy. Mỗi khi trái gió trở trời, cụ lại bị những cơn đau thần kinh, đau khớp hành hạ. Cơn mưa đầu mùa vừa qua đã làm căn bếp của cụ sụp đổ, việc thổi nấu vất vả vô cùng.

Bà Nguyễn Thị Lan, tổ trưởng tổ dân phố 6, cho biết: “Hoàn cảnh cụ Thiệt thực sự neo đơn, khốn khó. Chính quyền địa phương cũng luôn quan tâm, giúp đỡ cụ bằng những khoản tiền trợ cấp hằng tháng và quà cứu trợ. Sự hỗ trợ ấy cũng chỉ giúp cụ có thể sống qua ngày chứ không sung túc và đầy đủ như người khác được. Chúng tôi luôn mong sẽ có những tấm lòng hảo tâm góp tay giúp cụ sống tốt hơn trong những năm tháng còn lại của đời mình”.

Cuộc trò chuyện dừng lại khi trời đã tối. Cụ Thiệt chống gậy tiễn chúng tôi ra cửa. Bóng cụ cô đơn đứng lặng trong buổi chiều tà gợi cho chúng tôi một nỗi niềm thương cảm. Rời xa Bình Quý nhưng chúng tôi vẫn không thể quên được hình bóng bà cụ 91 tuổi cứ chiều chiều lại dõi đôi mắt tật nguyền ra phía chân trời xa ngóng đợi các con.

Tin tức đang được đọc nhiều nhất:

(Theo Dòng Đời)
Nguồn:

Tin liên quan