Để không bị các shop thời trang ngang nhiên "móc túi" bạn cần biết một số mẹo mua sắm online dưới đây!
Đã khi nào bạn tự hỏi, nguồn hàng của các shop online được lấy từ đây và ăn lãi khủng khiếp tới mức nào? Trong chuyên mục khảo giá thời trang lần này, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn một số bí kíp để sắm thật nhiều váy áo đẹp mùa đông mà không lo bị cháy hầu bao.
Nguồn gốc thật của 90% các shop thời trang Việt
Các mặt hàng trên các shop thời trang vô cùng phong phú về kiểu dáng, thậm chí nhiều shop tung hô hàng của mình có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Vậy nhưng với giá cả phải chăng khi hàng loạt các shop cạnh tranh giá với nhau, liệu có thật món đồ các nàng săn đón đến từ các quốc gia đặt đỏ này?
Qua khảo sát của phóng viên, có thể thấy thực chất 90% các shop thời trang ở Việt Nam hiện nay thường lấy hàng từ Trung Quốc. Nguồn hàng từ các chợ vải, chợ quần áo hoặc trên các trang đặt hàng lớn như Taobao… Đây thực sự là nguồn hàng phong phú đa dạng với muôn vàn sản phẩm từ giá rẻ, bình dân, hay cao cấp…
Cũng theo tìm hiểu và so sánh, hầu hết các shop thời trang Việt đều ăn lãi gần gấp đôi giá trị thật của chiếc áo. Trong khi đó, nếu tự đặt hàng trực tiếp trên các gian hàng từ các trang web online, người mua sẽ chỉ phải trả một mức giá tiết kiệm hơn rất nhiều.
Một shop Việt Nam bán áo dạ với giá 500.000 đồng
Thế nhưng trên 1 gian hàng tại Taobao, Trung Quốc, cũng chiếc áo dạ này chỉ có giá trị thật 72 Tệ tương đương 252.000 đồng
Vì đâu thượng đế bị các shop ngang nhiên "móc túi"
Nhưng thực tế, khi được hỏi, hầu hết các chị em đều bày tỏ sự ngại ngần trong vấn đề đặt hàng qua mạng, nhất là khi mua hàng ở nước ngoài. Những rào cản chủ yếu thường được chia sẻ là vấn đề chuyển qua biên giới, kích thước, màu sắc áo so với hình gốc.
Chị Mai Vân, kế toán trưởng một công ty truyền thông tại Hà Nội cho hay: "Mình cũng được biết là hầu hết hàng ở các shop tại Hà Nội đều lấy từ Trung Quốc. Mình cũng có một số bạn thường tự đặt hàng trên các trang web mua sắm lớn của nước này. Nhưng cá nhân thì không tự tin mua hàng qua mạng. Bởi mình không thông thạo tiếng, dùng phần mềm chuyển ngữ cũng không yên tâm. Chán nhất là phải chờ đợi cả tháng mới nhận được hàng. Rất nản!"
Bên cạnh chi phí tài chính, chuyện người mua phải chịu một khoản gọi là "chi phí thời gian" là điều có thực. Đặc biệt trong dịp cuối năm, Tết Tây và Tết Nguyên Đán sắp về, các cửa khẩu thường bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Điều này dẫn đến việc hàng hóa bị trễ cả chục ngày cho đến cả tháng so với lịch hẹn của cửa hàng. Tâm lý mua sắm ai cũng như ai, "chờ đợi là con dao giết chết sự hưng phấn".
Áo khoác bông có giá xấp xỉ 700.000 đồng tại một shop online Việt Nam
Nhưng ít ai biết rằng giá trị chưa qua các khâu vận chuyển của chiếc áo chỉ 406.000 đồng
Ngoài ra, sự chênh lệch cách tính phí của các bên vận chuyển cũng là một vấn đề khiến người tiêu dùng lưỡng lự. Thông thường các bên nhận đặt hàng tính giá sản phẩm như sau
Giá sản phầm = Giá web * Tỷ giá + Thuế (nếu có) + Tiền ship
Tiền ship = Tiền công vận chuyển + Phí trọng lượng của sản phẩm (nếu có)
Khoản tiền ship không đồng nhất giữa các đơn vị đặt hàng thường là lý do khiến chị em bị "móc túi" một cách công khai. Nhiều shop cam đoan đặt hàng với tiền ship cực rẻ. Nhưng họ vẫn có mánh đều qua mặt khách.
Ví dụ vì chưa có kinh nghiệm hoặc không thông thạo tiếng, nhiều khách hàng không biết rằng nếu họ đặt từ 2 sản phẩm trở lên từ một gian hàng, họ sẽ được giảm hoặc miễn phí tiền ship.
Thậm chí nhiều gian hàng còn khuyến khích người mua bằng cách giảm giá sản phẩm nếu khách mua với số lượng nhiều. Vấn đề này được các chủ shop gốc lưu ý bằng những dòng chữ tiếng bản địa ghi ở các góc nhỏ trên giao diện của cửa hàng.
Hay chiếc áo được hét tới hơn 1 triệu.
Nhưng được chào bán trên Taobao tương đương với 550 000 đồng
Bí kíp để né "bẫy" của mua sắm online
Tại các gian hàng trên các website mua bán lớn đều có phần ý kiến đánh giá của khách hàng. Đây thường được cho là "thước đo" sự uy tín và chất lượng của gian hàng đó. Nếu có thể, bạn hãy sử dụng phầm mềm chuyển ngữ để phần nào hiểu được những bình luận mà khách hàng để lại tại shop này.
Chú ý tới nhận xét của khách hàng trên các gian hàng mua sắm để biết độ uy tín
Nếu còn lưỡng lự về số đo, kích cỡ, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ bảng số đo sản phẩm được đơn vị kinh doanh cung cấp trên gian hàng online. Các cửa hàng chuyên nghiệp đều làm rất sâu và kỹ về các số đo sản phẩm. Từ chiều cao, cân nặng, số đo cặn kẽ của đồ may mặc cũng như chi tiết bề mặt cũng được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu.
Tham khảo kích cỡ, số đo cũng là cách phòng trừ rủi ro cho bạn
Để giải quyết vấn đề "chi phí thời gian" và chi phí ship hàng, bạn hãy tham khảo những địa chỉ uy tín thông qua bạn bè có kinh nghiệm.
Nên mua sắm khi có dịp giảm giá để tiết kiệm được phần nào chi phí mua sắm. Tuy nhiên, bạn cũng nên chấp nhận hạn chế của những đợt giảm giá đồng loạt này ví dụ gian hàng hết sản phẩm. Do quá nhiều đơn hàng cùng lúc nên bên vận chuyển có thể giao nhầm kích cỡ, màu sắc. Đặc biệt nếu không "săn" được đúng "giờ vàng" bạn sẽ không được giảm giá như mong đợi.
Một số gian hàng chuyên nghiệp có hẳn một diễn đàn cho khách phản hồi. Tại đây, chủ shop khuyến khích khách hàng chụp ảnh sản phẩm sau khi mua về nhà, chia sẻ độ hài lòng/ phật ý và đề đạt những mong muốn của mình. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các vị khách đó trước khi đặt mua.
Bạn có thể trực tiếp lập một tài khoản rồi order về, thế nhưng cách đơn giản hơn là nhờ các bên trung gian đặt hàng. Các bên trung gian thường sẽ chỉ cho bạn các địa chỉ trên đáng tin cậy và cách thức đặt hàng phí dao động cho quần áo thường từ 40 – 60.000 đồng trên một sản phẩm, và sau 7 – 10 ngày hàng sẽ về tới Việt Nam.
Tại phần chăm sóc khách hàng trên các gian hàng online, có nhiều khách hàng chụp ảnh thật để gửi tới shop thê hiện sự hài lòng hoặc chưa ưng ý
Qua đó, các bạn sẽ dễ hình dung về sản phẩm hơn khi không có sự can thiệp của photoshop