Thứ quà quê này từng đi vào thơ ca, nay được nhiều người trồng để bán ra thị trường.
Chột nưa là đặc sản ở Huế, đây vốn là món ăn dân dã từng nổi tiếng qua bài thơ Con cá chột nưa của cố nhà thơ Tố Hữu.
Theo tìm hiểu, cây nưa còn có tên gọi khác là khoai nưa, thuộc giống môn (khoai nước, khoai sọ, bạc hà nước, dọc mùng), tên khoa học Arisaema erubescens họ Ráy (Araceae). Loài cây này vốn ưa sống ở những vùng đất ẩm, trước đây chúng mọc hoang dại ở bờ ruộng, bờ mương, bờ ao. Hiện nay nhiều người mở rộng mô hình trồng để thu hoạch vào khoảng cuối đông.
Cây nưa là đặc sản ở Huế
Cây nưa có thể thu hoạch củ hoặc thân. Từ xưa, người dân ở Huế đã gọi phần thân nưa là chột nưa.
"Chột nưa có thể làm nhiều món nhưng ngon nhất là kho với các loại cá vặt có kích thước bé như cá cấn, cá mại, cá mương, cá sơn. Mùa đông, ở Huế mưa lụt nhưng đó cũng là mùa cây nưa phát triển và dưới sông rạch thì có nhiều cá vặt. Sự kết hợp giữa chột nưa và cá vặt làm thành món ăn vô cùng hấp dẫn, ăn với cơm nóng hổi trong thời tiết giá lạnh khiến ai cũng nhớ mãi không quên. Khi ăn có vị bùi bùi, hơi nhẩn nhẩn đắng.
Ngoài ra, chột nưa có thể nấu canh chua cá, nấu với tôm, hầm xương, xào với thịt. Bây giờ, nhiều nhà hàng, quán ăn còn sử dụng chột nưa để nhúng lẩu", bạn Thanh Loan (ở huyện Quảng Điền, Huế) chia sẻ.
Từ xưa người dân đã dùng chột nưa làm món ăn
Với món canh cá chột nưa, chột nưa được nấu mềm, vặn nhỏ lửa cho sôi riu riu. Thịt hoặc cá được um chín trên chảo dầu nóng và bỏ vào nồi chột nưa, đun sôi hỗn hợp thêm khoảng 5 đến 10 phút và thêm chút ruốc Huế, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Múc canh ra tô thêm chút hành lá, ngò tây sẽ có một món canh thơm ngon hấp dẫn mà ai đã một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên.
Hiện nay, ở Huế có nhiều hộ dân trồng chột nưa để bán ra thị trường. Cây nưa không phải là cây trồng mới nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 4 tháng trồng, cây nưa sẽ cho thu lãi một sào từ 10-15 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, chột nữa được thương lái thu mua tận nơi để bán đi khắp các tỉnh thành, hoặc sẽ lột vỏ, bọc túi zip rồi bán vào các nhà hàng, quán ăn.
Chột nưa giòn mát, khi ăn có vị hơi nhẩn đắng nhưng hậu vị ngọt, kết hợp với thịt, cá, tôm đều rất hấp dẫn
Trên chợ mạng, chột nưa được bán với giá khoảng 60.000 đồng/kg. Vì cái tên lạ lẫm và hương vị đặc biệt mà gần đây, món ăn nhà nghèo này được người thành phố ưa chuộng.
"Chột nưa giòn, mát, lúc đầu ăn sẽ thấy hơi nhẩn đắng nhưng ngọt hậu. Mình thường mua về để hầm canh xương hoặc chần qua rồi bóp gỏi tôm thịt, cả nhà đều rất thích", bạn Ngọc (ở Đà Nẵng) chia sẻ.
Ở Huế còn nổi tiếng với dưa nưa hay chột nưa muối chua. Kỹ thuật làm dưa nưa nói chung cũng tương tự như làm như dưa cải hay dưa môn, nhưng khi ăn dưa nưa có vị bùi, thơm hơn và đặc biệt không bao giờ bị ngứa miệng cả.
Theo Đông y, nưa có vị cay, tính ấm, tác dụng diệt khuẩn tiêu viêm, hạ sốt, giải độc. Củ nưa tươi giã nát đắp lên chỗ viêm, mụn nhọt, sưng tấy, nơi rắn cắn.