Loại "sâm của nhà nghèo" mùa nóng ai cũng thích ăn hóa ra còn giúp chống già, ngừa ung thư

Ngày 05/06/2023 16:30 PM (GMT+7)

Giữa những ngày hè oi nóng, thưởng thức miếng thạch sương sâm mềm mịn, núng nính, hòa quyện cùng vị ngọt thanh của đường phèn hoặc vị thơm béo của sữa tươi, kết hợp cùng ít đá, hạt é, hột lựu, trân châu… thì không chỉ tươi mát, thơm ngon mà còn bổ dưỡng, giúp thanh nhiệt.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày - Cơ sở 3, Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM về tác dụng và cách sử dụng của lá sương sâm.

Sương sâm là gì và chọn sao cho chuẩn?

Sương sâm (Tiliacora triandra) là một loại thảo dược dây leo có nguồn gốc từ Đông Nam Á, được sử dụng rộng rãi làm thuốc và thực phẩm từ hàng ngàn năm nay. Ở vùng Đông Bắc Thái Lan, người ta gọi loài cây này là “ngàn năm không già” vì bởi nó giúp ngăn ngừa nếp nhăn, phục hồi vẻ trẻ trung. Cây sương sâm cũng sống lâu năm, sinh trưởng mạnh và cho phép người dùng thu hái quanh năm.

Lá sương sâm. (Ảnh minh họa)

Lá sương sâm. (Ảnh minh họa)

Ở Việt Nam, cây sương sâm có 2 loại phổ biến là sương sâm trơn và sương sâm lông. Chúng phân biệt bằng đặc điểm lá và dây cây sương sâm có hoặc không có lớp lông bao phủ trên bề mặt, trái chín của cây sương sâm trơn có màu tím, trái chín của cây sương sâm lông có màu đỏ. Sau khi thu hái, lá và dây sương sâm tươi được rửa sạch rồi vò với nước lọc nguội, lọc lược sạch, để 1-2 giờ sẽ đặc sệt lại thành món thạch sương sâm, hoặc phơi hay sấy khô lá sương sâm rồi bảo quản tránh ẩm mốc để dùng dần.

Theo kinh nghiệm của những người thường làm thạch sương sâm thì nên chọn những lá sương sâm già, có màu xanh đậm sẽ cho nhiều thạch hơn lá non, và chọn lá sương sâm lông sẽ cho thạch đông mịn và ngon hơn lá sương sâm trơn. Lá sương sâm thu hái vào mùa khô sẽ cho nhiều thạch hơn so với thu hái vào mùa mưa.

Thạch sương sâm là món ăn giải nhiệt được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt trong những ngày hè nắng nóng như hiện nay. Không chỉ được sử dụng để làm món thạch giải nhiệt, lá sương sâm còn là một dược liệu quý với nhiều công dụng.

Những tác dụng với sức khỏe của sương sâm

Theo Đông y, lá sương sâm có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, nhuận tràng, chữa táo bón, kiết lỵ, đái dắt, nóng nhiệt… Theo nghiên cứu y học hiện đại, lá sương sâm chứa nhiều vitamin A, beta carotene, phốt pho, polyphenol, flavonoid, alkaloid và các khoáng chất như canxi và sắt… mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ.

Lá sương sâm khá phổ biến ở nước ta và có thể sử dụng làm thạch. (Ảnh minh họa)

Lá sương sâm khá phổ biến ở nước ta và có thể sử dụng làm thạch. (Ảnh minh họa)

Dưới đây là một số lợi ích nổi bật của sương sâm:

Ngăn ngừa nếp nhăn, phục hồi vẻ trẻ trung

Theo nghiên cứu ở Mỹ, chế phẩm bôi ngoài da có chiết xuất từ lá sương sâm, dùng hằng ngày có tác dụng kích thích tăng sinh nguyên bào sợi và tế bào sừng, làm tăng biểu hiện collagen và ức chế hoạt động collagenase, giúp ngăn ngừa và chống lão hoá da hiệu quả, cải thiện và/hoặc làm giảm các dấu hiệu lão hoá da theo thời gian hoặc do nội tiết tố, do ánh sáng (tia UV), giảm nếp nhăn trên gương mặt và tình trạng da chảy xệ.

Giúp hạ sốt ở người già và trẻ nhỏ

Có thể sử dụng bằng cách chế biến thành món thạch sương sâm hoặc vắt lấy nước uống hàng ngày. 

Hỗ trợ hạ đường huyết, bảo vệ gan, chữa tiểu đường

Các tác dụng này của nước lá sương sâm đã được nghiên cứu. Hiệu quả thông qua việc ức chế quá trình tạo đường ở gan, kích thích sản xuất insulin trong cơ thể. Nước lá sương sâm có khả năng phát triển thành một sản phẩm dinh dưỡng để ngăn chặn việc sản xuất quá mức glucose ở bệnh nhân béo phì, kháng insulin và tiểu đường.

Món thạch sương sâm mát lành, sần sật được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa)

Món thạch sương sâm mát lành, sần sật được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa)

Tác dụng chống oxy hoá, chống ung thư

Sương sâm giúp kháng khuẩn, hoạt động chống viêm và điều hoà miễn dịch, hỗ trợ ổn định huyết áp. Bên cạnh đó, sương sâm còn giúp làm giảm stress oxy hoá, cải thiện suy giảm trí nhớ, rối loạn chức năng não trong chứng nghiện rượu đã được nghiên cứu.

Hỗ trợ chữa bệnh tiểu khó, tiểu buốt

Tác dụng này có được nhờ vào tính mát, tác dụng thanh nhiệt giải độc của lá sương sâm. Có thể ăn thạch sương sâm đã ướp lạnh ngày 2 lần, mỗi lần một bát.

Lưu ý: Khi sử dụng lá sương sâm làm món thạch thì không nên lạm dụng món ăn vặt giải khát này, vì có thể dẫn tới tiêu chảy. Mỗi ngày người lớn không nên dùng quá 2 ly, còn trẻ em chỉ nên ăn nửa ly.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta có thể tự làm món này tại nhà. Tốt nhất nên mua lá tươi/khô hoặc tự trồng cây sương sâm ở nhà, vừa chọn được lá sâm đẹp, vừa làm nên món thạch sương sâm chất lượng mà vẫn thơm ngon, hấp dẫn.

Loại lá có canxi cao hơn sữa nhưng ít người biết ăn, nấu chung với gan lợn được món đại bổ
Loại lá này rất giàu dinh dưỡng, có tác dụng thanh gan, bổ mắt, khử ấm và đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.

Món ngon mỗi ngày

BS CK2 Huỳnh Tấn Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thực phẩm phòng bệnh