13 nỗi sợ thường trực của bà bầu

Ngày 03/01/2013 15:07 PM (GMT+7)

Bà bầu thường có xu hướng lo lắng với sức khỏe của em bé trong bụng.

Nếu bạn luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn không yên, thì những lời giải đáp sau sẽ giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi trong 9 tháng 10 ngày mong chờ con yêu.

1. Sợ bị sảy thai

Thực tế: Hầu như tất cả em bé trong bụng đều khỏe mạnh, nghiên cứu cho thấy chỉ có chưa đầy 20% bà bầu bị sảy thai. Các bác sĩ tiết lộ, tỉ lệ sảy thai nhiều nhất là trong vòng vài tuần đầu của thai kỳ, khi mà bà mẹ đó thậm chí còn không biết mình đã có bầu. Mọi việc xảy ra giống như một kỳ kinh bình thường khiến bạn rất khó phân biệt. Còn khi bác sĩ đã đo được nhịp tim của em bé thì nguy cơ này giảm xuống còn 5%. Các nguyên nhân sảy thai này thường là do sự bất thường của nhiễm sắc thể ngăn cản bào thai phát triển bình thường chứ không hẳn do lỗi không biết giữ gìn của bà mẹ. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ này bằng cách cắt giảm cà phê, rượu, thuốc lá, hạn chế vận động mạnh...

2. Sợ nghén nên con không đủ ăn

Thực tế: Thai nhi được ví như một ký sinh trùng, bé sẽ hấp thu tất các cả chất dinh dưỡng từ người mẹ. Ngay cả khi bạn nghén tới mức chỉ có thể ăn bánh, nước trái cây thì em bé vẫn đủ ăn. Các chuyên gia cho rằng, bạn chỉ nên gọi bác sĩ khi bạn bị nôn nghén tới mức mất nước nghiêm trọng. Còn hầu hết các trường hợp ốm nghén đều không gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng cho thai nhi. Để hạn chế cơn buồn nôn, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn, bởi đói cũng có thể khiến bạn hoa mắt, buồn nôn. Nếu cảm thấy khó ăn các loại thực phẩm chiên xào, hãy thay bằng món luộc, hấp, ít gia vị và tăng cường hoa qua, rau xanh. Nhìn chung, phụ nữ thường bắt đầu tăng cân sau khoảng 16 tuần, và đó cũng là thời kỳ mà em bé trong bụng bạn phát triển nhanh hơn.

13 nỗi sợ thường trực của bà bầu - 1
Nghén có làm em bé bị thiếu cân? (Hình minh họa)


3. Sợ thức ăn có hại cho em bé

Thực tế: Không chỉ lo về việc bổ sung vitamin, thực phẩm lành mạnh, các bà mẹ ngày nay còn lo ngại về độ an toàn của thực phẩm. Để có thể yên tâm về điều này, bạn có thể hỏi bác sĩ về các thực phẩm cần tránh khi mang thai. Ngay cả với những món chưa tiệt trùng thì bạn cũng đừng lo lắng quá nếu lỡ nuốt phải một vài miếng, bởi lượng thực phẩm này đưa vào cơ thể bạn vẫn rất ít, chưa đủ để ảnh hưởng trực tiếp tới em bé. Hãy nhớ ngày xưa mẹ bạn chắc sẽ không cẩn thận đến vậy, nhưng kết quả là bạn sinh ra vẫn khỏe mạnh, xinh xắn. Vì thế bạn hãy tự tin trong việc lựa chọn thực phẩm, chỉ cần nhớ nguyên tắc ăn chín, uống sôi là được.

4. Stress sẽ khiến em bé sinh ra bị buồn, nhăn nhó

Thực tế: Chỉ có stress kéo dài ngày này sang ngày khác mới có tác động tí chút tới thai nhi, còn một chút cáu giận trong ngày sẽ không gây hại cho em bé. Trong khi các nghiên cứu cho thấy stress có thể dẫn tới nguy cơ sinh non thì các chuyên gia lại cho cho rằng, bạn có thể hạn chế điều này nếu biết kiểm soát tình hình. Tóm lại, nếu bạn cảm thấy mình đang rơi vào trạng thái căng thẳng, hãy cố thở sâu, nghe nhạc, hay chợp mắt một chút, mọi chuyện sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.

5. Sợ con bị khuyết tật

Thực tế: Chỉ có khoảng 4% trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh bao gồm cả hội hội chứng down hoặc các bênh liên quan tới tim mạch. Tuy nhiên, ngày nay, các xét nghiệm sàng lọc có thể giúp bạn kiểm tra sức khỏe em bé ngay từ khi bé còn trong bụng mẹ. Cách tốt nhất để bảo vệ bé chính là việc bạn cần uống vitamin tổng hợp, axit folic trước khi mang thai và trong thời gian mang bầu để giảm các nguy cơ về não và tủy sống. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu trong gia đình của bạn từng có trường hợp này xảy ra. Ngay cả khi bạn mang thai ở tuổi ngoài 35 thì cũng cần theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ để có thể can thiệp kịp thời.

6. Sợ bị đẻ non

Thực tế: Đấy chỉ là bạn lo lắng quá thôi, bởi tỉ lệ sinh non hiện nay chỉ chiếm khoảng 13%, còn lại khoảng 70% các bé sẽ được sinh trong khoảng từ 34 tới 36 tuần. Thời điểm này bé đã phát triển đầy đủ và đã tránh được các biến chứng nghiêm trọng do sinh sớm. Tuy nhiên, để phòng tránh vấn đề này, bạn hãy bỏ rượu, thuốc lá, thường xuyên đi khám theo chỉ định bác sĩ và bổ sung axit folic đầy đủ. Nghiên cứu cho thấy 40.000 phụ nữ bổ sung axit folic 1 năm trước khi thụ thai và trong suốt thai kỳ thì có tới 70% sinh đúng dự kiến so với những người không dùng thuốc. Các chuyên gia cũng khẳng định axit folic có thể ngăn ngừa các gen bị hỏng và gây ra sinh non.

7. Sợ không thể giảm cân

Thực tế: Số cân nặng của bạn sẽ giảm dần khi em bé lớn lên. Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ thì đây là cách tuyệt hay để giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giúp mẹ giảm cân nhanh chóng. Ngoài ra, việc tăng cân đúng quy định, nghĩa là khoảng từ 13-15 kg sẽ giúp bạn lấy lại vóc dáng nhanh chóng hơn. Sau khi sinh em bé, bạn cũng có thể kết hợp các bài tập nhẹ nhàng để giúp giảm đi lượng mỡ thừa. Thực tế chứng minh những bà mẹ chỉ cắt giảm lượng calo sẽ không giảm cân nhanh bằng việc kết hợp tập thể thao. Tuy nhiên, nếu cho bé bú thì bạn không nên cắt giảm khẩu phần ăn quá nhiều, cần lưu ý đảm bảo 2000 calo mỗi ngày để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.

8. Sợ biến chứng như tiền sản giật, tiểu đường...

Thực tế: Nguy cơ gây tiền sản giật chỉ chiếm khoảng 5-8%. Nó thường xảy ra với phụ nữ trên 35 và dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, nếu bạn vốn có tiền sử huyết áp cao thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Việc kiểm tra huyết áp định kỳ sẽ giúp bạn hạn chế điều này. Bạn cũng đừng bỏ qua các dấu hiệu như chân tay phù, mắt mờ, đau đầu khi ở tam cá nguyệt đầu tiên. Đối với tiểu đường, nguyên nhân thường là do lượng thức ăn đưa vào cơ thể. Để tránh nguy cơ tiểu đường, bạn chỉ cần giảm bớt tinh bột là được. Nếu có tiền sử tiểu đường, việc kiểm tra glucose trong máu định kỳ sẽ giúp bạn an tâm hơn.

13 nỗi sợ thường trực của bà bầu - 2
Tiền sản giật là nỗi lo của nhiều bà bầu. (Hình minh họa)

9. Sợ chồng chán sau sinh

Thực tế: Việc bận bịu với con nhỏ có thể khiến bạn giảm bớt ham muốn, tuy nhiên, chỉ cần một thời gian ngắn, cơ thể bạn sẽ hồi phục lại, và chuyện chăn gối sẽ nhanh chóng được hâm nóng lại. Nhiều phụ nữ thú nhận khi con ra đời, họ thèm ngủ hơn thèm tình dục, hơn nữa, cảm giác khô rát khi quan hệ cũng khiến họ chán nản. Tuy nhiên, cùng với thời gian, 70% phụ nữ khẳng định họ đã lấy lại "phong độ" khi bé được 6 tháng. Với tình trạng khô, rát, bạn có thể sử dụng gel bôi trơn để hỗ trợ.

10. Sợ đẻ

Thực tế: Những câu chuyện của người đi trước khiến bạn phải sợ hãi khi nằm lên bàn đẻ. Một số phụ nữ chỉ nghĩ tới cảnh không mặc quần áo, để bác sĩ nam thò tay vào kiểm tra đã nổi hết cả gai ốc. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, bởi khi vào phòng đẻ, mối quan tâm hàng đầu của bạn là em bé chào đời chứ không phải những chuyện đáng sợ khác. Các bác sĩ cho rằng, chỉ cần thư giãn và nghĩ tới chuyện được bế em bé trên tay, bạn sẽ vượt qua giây phút này dễ dàng.

11. Sợ phải mổ

Thực tế: Có khoảng 1/3 số em bé sinh ra nhờ phương sinh mổ. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó đều là đã xác định trước như các trường hợp ngôi mông, tràng hoa quấn cổ... Bạn không cần phải lo lắng, bởi đó cũng chỉ đơn giản là cách để giúp em bé được gặp mẹ nhanh hơn thôi.

12. Sợ không đến bệnh viện kịp

Thực tế: Phụ nữ luôn sợ khi xuất hiện cơn đau đẻ thì sẽ không kịp tới viện. Tuy nhiên, số liệu cho thấy các bé thường ra đời sau 12-21 tiếng đau bụng đẻ. Như vậy bạn có rất nhiều thời gian để sửa soạn đồ và đi đến viện. Nếu cảm thấy lo lắng, hãy thử tính toán đoạn đường bạn đến viện vào giờ cao điểm, bạn sẽ thấy mình quỹ thời gian của mình còn rất nhiều.

13. Sợ không biết chăm con

Thực tế: Tất cả các bà mẹ nuôi con đầu lòng đều lóng ngóng trong những ngày đầu. Tuy nhiên, bản năng của người mẹ sẽ dạy bạn cách làm đúng đắn. Chỉ cần có tình yêu thương, bạn sẽ biết cách để chăm sóc bé, cho bé tắm, cho bé ti. Nếu không cảm thấy yên tâm, hãy chịu khó tham khảo sách báo về kinh nghiệm làm mẹ trong thời gian mang bầu, bởi sau khi sinh, em bé sẽ chiếm rất nhiều thời gian nên bạn sẽ khó có cơ hội để nghiên cứu điều này.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác