Trải nghiệm 2 lần mang thai ở Nhật khiến chị Trần Thị Yến nhớ mãi. Chị đã trải qua thai kỳ rất nhẹ nhàng, không bị áp lực vì đủ thứ kiêng khem, đi khám thai trong bệnh viện cũng cực kỳ thư giãn và hoàn toàn miễn phí.
Nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ những chia sẻ chân thực về cuộc sống tại Nhật Bản, chị Trần Thị Yến (sinh năm 1983, hiện sinh sống tại tỉnh Saitama) khiến không ít bà mẹ ghen tỵ vì được chồng và mẹ chồng yêu thương, chiều chuộng. Trải qua 2 lần mang thai và sinh nở, bà mẹ 8X không ngần ngại chia sẻ về hành trình 9 tháng 10 ngày ở đất nước mặt trời mọc.
Gia đình chị Trần Thị Yến và mẹ chồng. (Ảnh: NVCC)
Ăn uống không kiêng khem, được nhân viên địa phương gọi điện thăm hỏi thường xuyên
Mang thai lần đầu vào năm 2017, chị Trần Thị Yến cho hay bản thân khá bất ngờ trước sự quan tâm của nhân viên công tác xã hội địa phương với các mẹ bầu. “Dường như khi bạn mang thai, câu chuyện đó không còn là của riêng gia đình nữa mà còn có sự đồng hành của những nhân viên chuyên trách”.
Sau khi biết chị mang thai, nhân viên công tác xã hội tại địa phương có gọi điện chúc mừng và hỏi thăm tình hình sức khỏe. Đều đặn 2, 3 tháng một lần, họ lại gọi để cập nhật tình hình và hỗ trợ mẹ bầu nếu có vấn đề xảy ra. Đặc biệt 1 tháng trước khi sinh, chị Yến nhận được cuộc gọi dài hơn bình thường khi nhân viên này hỏi thăm hàng loạt các câu hỏi như: “Có được chồng và mẹ chồng chăm sóc chu đáo không?”, “Có bị chồng bạo hành không?”, “Em bé được bao nhiêu cân?”, “Mẹ đã chuẩn bị đồ đi sinh hay chưa?”…
Mang thai lần đầu, chị Trần Thị Yến cho hay bản thân khá bất ngờ trước sự quan tâm của nhân viên công tác xã hội địa phương với các mẹ bầu. (Ảnh: NVCC)
“Nghe những câu hỏi tận tình này, mình có cảm giác được quan tâm như cách mẹ lo lắng cho con gái vậy. Dù không quen biết và là những người xa lạ nhưng mình thấy an ủi và rất ấm lòng”, chị Yến bày tỏ.
Ngoài ra, chính phủ Nhật nói chung và chính quyền thành phố nói riêng rất quan tâm tới các mẹ bầu khi tổ chức nhiều lớp học thiết thực về cách chăm con, cách tắm cho con… Thông qua những lớp học miễn phí này, những ông bố và bà mẹ đều bớt bỡ ngỡ khi đứa trẻ được sinh ra đời.
Trải qua 2 lần bầu bí, chị Yến cho hay điểm khác biệt lớn của những bà bầu ở Nhật so với bà bầu ở Việt Nam là không áp lực chuyện kiêng khem mọi thứ. “Ở Nhật, bác sĩ cho phép mẹ bầu thích gì thì ăn đó, cả đồ sống như sushi hay đồ cay nóng. Họ chỉ lưu ý mình tránh đồ ôi thiu, đồ không tươi hoặc ăn quá mặn”.
Các bác sĩ ở Nhật không khuyên mẹ bầu bổ sung vitamin nếu sức khỏe không có vấn đề. (Ảnh: NVCC)
Đặc biệt, các mẹ bầu cũng không được khuyên dùng vitamin bổ sung. “Thậm chí khi bầu con đầu lòng, mình có e ngại và muốn bổ sung dinh dưỡng cho con thì được bác sĩ hỏi “sao lại uống vitamin? Mẹ thấy không khỏe ở đâu à?”. Nghe xong mình cũng khá bất ngờ bởi trong quan niệm, việc mẹ bầu sử dụng thêm các thực phẩm chức năng bổ trợ dường như rất quen thuộc”.
Khám thai miễn phí, dù đông vẫn thấy được thư giãn
Khác với quy trình khám thai ở Việt Nam, việc khám thai ở Nhật được thực hiện hoàn toàn miễn phí nên các bà mẹ không tốn kém quá nhiều. Chi phí cho những lần xét nghiệm được tính riêng nhưng cũng không quá đắt.
Theo lời chị Yến, các bác sĩ ở Nhật đều rất nhiệt tình, đối với người ngoại quốc sẽ có thông dịch riêng. “Đi khám thai bạn cũng sẽ phải chờ khá lâu, nhanh thì khoảng 15 phút, còn chậm có khi cả tiếng. Nhưng điều đặc biệt là bệnh viện có cơ sở vật chất khá đẹp, có ghế sofa ngồi rất thoải mái, có âm nhạc nhẹ nhàng và không có cảnh chen lấn nên các bà bầu đều cảm thấy rất thư giãn, không hề mệt mỏi”, chị Yến kể lại.
Những bữa cơm cho sản phụ sau sinh ở Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)
May mắn hơn nhiều mẹ bầu khác, suốt thời gian mang thai chị Yến đều được chồng và mẹ chồng yêu chiều. Chồng chị Yến thường hỗ trợ vợ việc nhà, nấu các bữa ăn chính và thường xuyên đưa vợ đi ăn nhà hàng. Mẹ chồng chị 70 tuổi vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh cũng hay vào bếp nấu các món ăn ngon cho con dâu trong thời gian ở cữ.
Một mình chăm con thứ 2 vì dịch Covid
Khi sinh con đầu lòng, vì sinh mổ nên chị Yến lưu viện một tuần, chị được chồng chăm sóc cho cả mẹ và bé. Nhưng trải nghiệm khi sinh con thứ 2 thực sự đáng nhớ. Đúng vào thời điểm dịch Covid bùng phát nên khi đi sinh, chị chỉ có một mình. Sinh xong người thân cũng không được vào thăm nom.
Đồ ăn mẹ chồng Nhật chuẩn bị cho con dâu đang ở cữ. (Ảnh: NVCC)
“Lúc này chỉ có cô y tá hỗ trợ chăm sóc em bé. Đến ngày thứ 3 khi sinh xong, y tá đưa em bé về phòng cho mẹ chăm, các hoạt động trong bệnh viện như tập cho bé bú, tắm cho bé… mẹ cũng cần phải tham gia đầy đủ. Lúc này dù vết mổ còn đau, di chuyển khó khăn nhưng mẹ nào cũng phải cố gắng. Suốt một tuần ở viện, chồng mình chỉ được vào lúc vợ sinh và lúc vợ xuất viện. Khi làm thủ tục ra viện, bệnh viện đã cho hai vợ chồng ăn bữa cơm cực kỳ hoành tráng như nhà hàng 5 sao vậy”, chị Yến tươi cười kể lại.
Điều cô dâu Việt không thể quên được đó chính là khi được xuất viện, mẹ chồng đã lái xe đến bệnh viện chở con dâu và cháu nội. Lúc được gặp cháu, bà vui lắm, nâng niu đứa trẻ trên tay và rưng rưng khóc. Thương con dâu, thương cháu nên mẹ chồng chị Yến thường nấu nhiều món ngon cho con bồi bổ vì sợ con mới sinh xong cơ thể còn yếu. Đều đặn, bà nấu nhiều đồ ăn mang đến cất trong tủ lạnh khiến chị Yến cảm thấy an tâm và được bù đắp dù không có mẹ đẻ bên cạnh.
“Nuôi con nhỏ không mẹ nào là không vất vả, con mới sinh nên khóc nhiều ngày trời, mẹ cũng thường xuyên trong tình trạng mất ngủ, người phờ phạc, lúc nào cũng chỉ muốn được ngả lưng một chút xíu. Rất may ông xã hiểu điều đó nên phụ vợ chăm con lớn, làm việc nhà để vợ dành bất cứ thời gian nào có được trong ngày để nghỉ ngơi”.
Hiện tại, anh Sakata Masanori (sinh năm 1979) và chị Trần Thị Yến đã sinh được 2 cô con gái đáng yêu. Nói về gia đình nhỏ, chị bày tỏ bản thân rất hài lòng với những gì mình đang có. Vì sinh được hai cô công chúa đáng yêu nên chị và chồng không có dự định sẽ sinh con tiếp.
“Vợ chồng mình đều muốn nuôi dưỡng các con thật tốt, dù gái hay trai cũng chỉ sinh hai con là đủ. Ở Nhật, cụ thể là gia đình chồng mình không nặng nề chuyện sinh con trai hay con gái nên tư tưởng rất thoải mái và các con luôn được sống trong tình yêu thương. Thậm chí, bà nội còn cưng chiều cháu nội và con dâu như “trứng mỏng””, chị Yến trải lòng.