Ăn hạnh nhân, bổ sung kẽm, tắm nắng đều đặn... là những việc mẹ bầu nên làm để tránh bị cảm lạnh mùa đông.
Vào mùa lạnh, mẹ bầu rất dễ bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi… nên đây chính là thời điểm hoàn hảo để xây dựng hệ thống miễn dịch tốt nhất. Việc này không chỉ tốt cho chính mẹ bầu mà còn ảnh hưởng đến em bé, giúp thai nhi phát triển tốt nhất.
“Việc mang thai sẽ làm ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, có nghĩa là cơ thể của mẹ sẽ ít có khả năng chống lại nhiễm trùng, bệnh tật. Đây chính là nguyên nhân khiến mẹ dễ bị cảm lạnh, cảm cúm.”, chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng Anh quốc Tiến sĩ Marilyn Glenville chia sẻ.
Trong khi tập thể dục thường xuyên và có giấc ngủ ngon được chứng minh có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch thì việc ăn uống của mẹ bầu cũng có tác dụng rất tốt. Ngoài việc bổ sung axit folic trước khi sinh thì mẹ bầu được khuyên nên ăn nhiều hoa quả và rau đặc biệt là trong những ngày mùa đông lạnh này. “Trái cây tươi và rau quả là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường khả năng bảo vệ cơ thể tự nhiên, chống lại nguy cơ nhiễm trùng.”, tiến sĩ Marilyn Glenville nói.
Việc mang thai sẽ làm ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, có nghĩa là cơ thể của mẹ sẽ ít có khả năng chống lại nhiễm trùng, bệnh tật. (ảnh minh họa)
Dưới đây là 3 việc mẹ nên làm để không lo bị ốm trong những ngày mùa đông lạnh giá:
Ăn hạnh nhân
Tất cả các loại hạt khô đều rất có lợi cho sức khỏe nhưng hạnh nhân được cho là thực phẩm tuyệt vời giúp chống cảm lạnh và cảm cúm. Màng bọc bên ngoài nhân hạnh nhân có chứa hóa chất tự nhiên giúp tế bào màu trắng phát hiện virus và ngăn chặn virus gây bệnh cho cơ thể.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mẹ bầu ăn 10 hạt hạnh nhân thường xuyên mỗi ngày sẽ giúp tránh khỏi những loại virus gây hại và giúp tăng tốc độ phục hồi cho những người đã bị nhiễm bệnh.
Hạnh nhân cũng rất giàu mangan, riboflavin, và đồng, giúp hỗ trợ cơ thể trong việc sản xuất năng lượng. Ngoài ra còn chứa canxi, phốt pho giúp tăng cường sự phát triển của xương, răng. Đồng thời chất phenylalanine trong hạnh nhân cũng có tác dụng hỗ trợ não phát triển đúng chức năng. “Hạnh nhân còn là nguồn thực phẩm giàu axit folic, rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của não bộ thai nhi, tốt cho hệ thần kinh và giúp ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống.”, tiến sĩ Glenville nói.
Bổ sung vitamin D
Phụ nữ mang thai được khuyên nên bắt đầu bổ sung vitamin D ngay khi họ biết đang mang thai và cả trong thời gian cho con bú. Tắm nắng thường xuyên là một cách giúp mẹ bầu tránh khỏi cảm lạnh và cảm cúm, bằng cách thúc đẩy hệ thống miễn dịch.
Nếu không thể tắm nắng thường xuyên trong mùa đông, mẹ nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin D như dầu cá, trứng, bơ thực vật, ngũ cốc ăn sáng…
Phụ nữ mang thai được khuyên nên bắt đầu bổ sung vitamin D ngay khi họ biết đang mang thai và cả trong thời gian cho con bú. (ảnh minh họa)
Đừng bỏ qua kẽm
Mẹ có thể đã biết kẽm rất quan trọng với nam giới để sản xuất tinh trùng, đồng thời kẽm cũng giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch của mẹ bầu đến mức tối đa. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người bổ sung đầy đủ kẽm khi đang bị cảm lạnh có khả năng phục hồi rất nhanh.
“Cơ thể đòi hỏi bổ sung đủ kẽm để sản xuất, sửa chữa và hoàn thiện chức năng AND, do đó mẹ nạp đủ kẽm khi mang thai là vô cùng quan trọng.”, tiến sĩ Glenville chia sẻ.
Kẽm có nhiều trong các thực phẩm như sữa, hải sản có vỏ, đậu, các loại ngũ cốc, bánh mì… Mặc dù hàu được cho là chứa lượng kẽm lớn nhưng các chuyên gia khuyên mẹ nên hạn chế ăn vì lo ngại hàu có chứa hàm lượng thủy ngân cao, không tốt cho thai nhi.