Chỉ cần vào khoa sản, bạn sẽ chứng kiến đủ cảnh tượng vui có, buồn có, dở khóc dở cười cũng có. Điển hình 6 sản phụ nối đuôi nhau đi thành hàng, lò dò từng bước thật chậm như trong video dưới đây.
Cách đây ít hôm, trên nền tảng TikTok đăng tải đoạn video hài hước về những sản phụ tại một bệnh viện ở Hà Nội. Điều đáng nói, những hình ảnh thú vị được lồng ghép với những giai điệu vui nhộn, bắt tai đã nhanh chóng nhận được sự chú ý trên cộng đồng mạng và có tới gần 11.000 bình luận dưới bài đăng.
6 sản phụ nối đuôi nhau đi thành hàng, ai cũng khệnh khạng, bước đi lò dò.
Theo đó, chủ tài khoản TikTok đã ghi lại cảnh 6 sản phụ xếp thành một hàng dọc, đi lại trước sảnh của khoa sản. Tất cả các sản phụ đều mặc bộ đồ giống nhau, đi lại lò dò chậm chạp từng bước một, vừa đau, vừa nặng nề. Gương mặt ai cũng toát lên vẻ mệt mỏi. Đặc biệt, sản phụ thứ 6 được cộng đồng mạng mệnh danh là “trùm cuối không làm người khác thất vọng” khi chị chỉ đi vừa một nửa chiếc dép do bàn chân bị phù to, mặt thản nhiên quay các hướng nhìn mọi người xung quanh với sự tò mò.
Sản phụ được mệnh danh là… “trùm cuối”.
Video này khi được đăng tải đã trở thành đề tài được bàn tán sôi nổi. Đa phần các bình luận đều tỏ ra thích thú và dành lời khen ngợi cho chủ nhân của video khi ghép nhạc cực khớp, vừa hài hước lại vừa hợp với cả bước đi của các mẹ bầu.
“Trông như các quan huyện, dáng đi rất chi là khệnh khạng mà”, “xem mà nhớ đến kỷ niệm hồi đi đẻ, đến ngày dự kiến nên vào viện trước cả tuần, ngày nào cũng nghe tim thai 3-4 lần rồi siêu âm, ở lâu quá quen hết mấy bà đến sinh, chờ sinh, đi chơi hết phòng nọ phòng kia thăm bà đẻ”, “thấy ảnh này lại nhớ đến lúc mình xấu nhất, nhưng thiêng liêng, đâu phải ai cũng có được hạnh phúc này”, “trùm cuối đúng là không làm chị em thất vọng, khệnh khạng quá mà, đã thế chân phù còn không đi được dép ngay ngắn nữa”, “nhớ dạo ngày thứ 2 sau sinh, bác sĩ kêu tới phòng siêu âm, tui vừa ra cửa phòng gặp 10 bà đang dựa cột tập đi với nhau, má ơi tui cười muốn banh chỉ và sau đó tui là đứa 11 gia nhập đội hình đó”…
Bình luận hài hước dưới video.
Được biết, những hình ảnh này ghi lại tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội. Nhiều bình luận khẳng định có thể các sản phụ đang nối đuôi nhau đi đến phòng siêu âm. Bởi vậy nên những ai đã từng sinh con tại đây đều không quá xa lạ với cảnh tượng vừa thương, vừa hài hước thế này.
Những điều sản phụ cần lưu ý sau khi sinh
Sau khi sinh, các bà mẹ cần lưu ý những điều sau để cơ thể nhanh chóng hồi phục và hạn chế thấp nhất những biến chứng sản khoa có thể xảy ra.
Nên tập đi lại nhẹ nhàng, đặc biệt là sau khi sinh mổ
Dù sau mỗi cuộc vượt cạn, các mẹ bầu rất đau vết khâu hay vết mổ, cộng với cơ thể luôn mệt mỏi, nhưng các bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu không nên nằm quá lâu trong vòng 24h. Thay vào đó, mẹ nên vận động cơ thể từ từ, nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng sức khỏe. Mẹ có thể bắt đầu từ những hoạt động cơ bản nhất như: nâng chân lên xuống, xoay người, tự ngồi dậy cho tới việc xuống giường tập đi lại trong phòng. Điều này giúp hạn chế tình trạng dính ruột, kích thích hoạt động các cơ quan vùng bụng, đẩy nhanh nước ối sót lại ra ngoài, giúp máu huyết được lưu thông…
Chú ý tới chế độ dinh dưỡng
Sản phụ sau sinh đặc biệt là khi sinh mổ bị mất nhiều máu, mất sức do ảnh hưởng của ca phẫu thuật và các loại thuốc kháng sinh. Vậy nên lúc này, mẹ cần đảm bảo ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhóm chất để nhanh chóng hồi phục sức khỏe và có sức để chăm em bé.
Chăm sóc vết khâu, vết mổ cẩn thận
Trong một tuần đầu sau sinh, mẹ cần đặc biệt lưu ý tới việc vệ sinh vết khâu và vết mổ, để tránh nhiễm trùng cũng như chảy dịch. Nếu thấy vết mổ đau nhiều, chảy dịch, hoặc có hiện tượng bất thường, cần đi thăm khám bác sĩ ngay.
Học cách thư giãn, tránh căng thẳng, stress
Khoảng thời gian sau sinh là một khoảng thời gian vô cùng nhạy cảm đối với bất cứ người mẹ nào. Mẹ rất dễ cáu gắt, buồn bực, khó chịu vô cớ, thậm chí là dễ tủi thân, khóc lóc. Lời khuyên đưa ra là mẹ nên học cách thư giãn, giải tỏa căng thẳng, stress. Mẹ có thể nghe nhạc, tưới cây, trò chuyện, chia sẻ với người thân, bạn bè. Mẹ hoàn toàn có thể yêu cầu sự giúp đỡ của chồng, người thân trong việc chăm sóc em bé, dọn dẹp nhà cửa,…