Bên cạnh cảm giác hạnh phúc khi chuẩn bị đón thêm em bé, mẹ bầu cũng phải chịu đựng không ít mệt mỏi, khó chịu.
Mang thai, sinh con vốn được coi là thiên chức cao cả của người phụ nữ. Vậy nhưng hành trình thực hiện thiên chức ấy không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, bằng phẳng và tràn đầy hạnh phúc.
Sau khi mang thai và sinh ba đứa con, bà mẹ trẻ Nhã Mỹ (sống tại California, Mỹ) đã thành thật chia sẻ: "Có những khoảnh khắc bạn sẽ thấy hoài nghi có phải thực sự sinh con là điều tuyệt vời không?". Dưới đây là 6 vấn đề khiến cô bất ngờ nhất trong quá trình trở thành một người mẹ.
1. Ốm nghén
Ốm nghén là triệu chứng phổ biến trong thai kỳ và ảnh hưởng tới khoảng 80% phụ nữ ở những mức độ khác nhau. Ốm nghén sẽ làm chị em cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và đôi khi không thể ăn uống được hoặc ăn xong là nôn. Triệu chứng này thường ảnh hưởng đến phụ nữ ở 3 tháng đầu thai kỳ và sẽ thuyên giản dần từ tháng thứ 4.
2. Phù nề
Có gần 75% phụ nữ mang thai bị sưng phù chân trong những tháng cuối của thai kỳ. Đây là hiện tượng bình thường do sự lớn lên của tử cung chèn ép vào phần dưới cơ thể khiến máu ở chân khó lưu thông để trở về tim hơn.
Ngoài ra, sự thay đổi của các nội tiết tố khiến tĩnh mạch bị giãn là một trong những nguyên nhân khiến hệ tuần hoàn bị ứ trệ, gây ra phù chân.
Tuy là một hiện tượng bình thường nhưng sưng phù chân khiến bà bầu rất khó chịu, bất tiện trong việc đi lại.
3. Rò tiểu, đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên, đi tiểu khó là nỗi trăn trở của hầu hết các mẹ bầu. Đi tiểu nhiều không chỉ khiến mẹ bầu cảm thấy bất tiện mà còn gây tâm ký ngại ngùng, xấu hổ và đặc biệt là mệt mỏi, mất ngủ khi phải đi tiểu vào ban đêm. Không chỉ vậy, đôi khi mẹ bầu còn bị rò tiểu, tiểu són gây mất vệ sinh, bất tiện.
Áp lực từ tử cung lên bàng quang là nguyên nhân đầu tiên khiến chị em bầu thường xuyên đi tiểu. Ngoài ra, hiện tượng tăng tĩnh mạch khiến mẹ bầu thường xuyên bị phù thũng đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng buồn tiểu.
4. Khám trong
Trước khi sinh, bác sĩ sẽ thực hiện khám cho mẹ bằng cách cho ngón tay vào trong âm đạo. Mẹ có thể cảm thấy không thoải mái nhưng làm vậy sẽ giúp bác sĩ xác định cổ tử cung của mẹ đã mở mấy phân, đã sẵn sàng sinh chưa và vị trí của thai nhi.
5. Gây tê màng cứng
Gây tê màng cứng là lựa chọn giảm đau khi sinh nở được nhiều bà mẹ lựa chọn. Tuy nhiên nhiều bà mẹ cũng thú nhận rằng đây không phải một trải nghiệm dễ dàng.
Bác sĩ sẽ để bạn nằm cuộc như một con tôm và cây kim dẫn thuốc tê có chiều dài như một chiếc đũa sẽ khiến bạn hoảng hồn.
6. Rạch tầng sinh môn
Tầng sinh là phần mô giữa âm đạo và hậu môn, có chiều dài từ 3-5cm. Thủ thuật rạch tầng sinh môn thường xảy ra với những mẹ bầu sinh con lần đầu. Vết rạch có thể sâu, nông hay dài ngắn tùy thuộc vào cơ thể mẹ và kích thước của con.
Đây là một trong những nỗi ám ảnh đối với mẹ bầu vì trong hầu hết các trường hợp, sau khi rạch tầng sinh môn và sinh con, bác sĩ sẽ khâu sống cho mẹ.