Bà bầu bị ho ngậm chanh đào + mật ong có sao không?

Ngày 24/11/2016 05:34 AM (GMT+7)

Theo Bs. Song Hà, khi bị ho, thai phụ cần khám chuyên khoa và điều trị kịp thời, tránh ho kéo dài kèm bội nhiễm các vi khuẩn khác.

Lo sợ con bị ảnh hưởng khi uống thuốc kháng sinh

Thời tiết chuyển mùa, mẹ bầu Hồng Gấm (30 tuổi - Tp.HCM) bắt đầu mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là ho. Chị kể, do chủ quan, chị “mặc kệ” bệnh tự khỏi. Không ngờ, chị ho ngày càng nhiều và kéo dài cả tuần chưa đỡ. Sợ ảnh hưởng đến thai nhi, chị đã phải tìm đến bác sĩ chuyên khoa.

Kể triệu chứng bệnh, bác sĩ khuyên chị nên ngậm tắc (quất) chưng mật ong hoặc uống trà gừng. Bên cạnh đó, chị cần giữ lòng bàn chân luôn được ấm  bằng cách bôi dầu nóng hoặc mang vớ; quấn ấm cổ khi đi ngủ,… Nếu bệnh không thuyên giảm, chị cần đến gặp bác sĩ để điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Chị tâm sự: “Hồi mang bầu tháng thứ 4, tôi thúng thắng ho rồi tự khỏi. Lần này, tôi cậy sức khỏe tốt, bệnh sẽ chóng khỏi. Vì vậy, tôi lơ là để cơn ho hành hạ suốt tuần dài. Sang ngày thứ 7, bệnh chưa dứt, tôi  lo sợ ảnh hưởng đến thai nhi nên mới đi bệnh viện khám”.

Bà bầu bị ho ngậm chanh đào + mật ong có sao không? - 1

Nhiều mẹ bầu bị ho lo sợ con bị ảnh hưởng khi uống thuốc kháng sinh (ảnh minh họa)

Giống trường hợp chị Gấm, chị Hoài Thu (26 tuổi - Hải Dương) mang bầu giai đoạn cuối thai kỳ cho hay, sáng ngủ dậy, chị ho vài cái. Từ bữa đó, chị bắt đầu những cơn ho “như vạc, như quốc” và kéo dài hơn 1 tháng nay.

Dù ho cả tháng, chị Thu vẫn không dám tùy tiện uống thuốc. Khi kiểm tra thai định kỳ, chị có nói tình trạng bệnh nhưng bác sĩ chỉ khuyên chữa trị bằng phương pháp dân gian, không kê đơn thuốc kháng sinh.

Hằng ngày, mình chăm chỉ ngậm chanh đào mật ong và uống trà gừng nhưng không dứt ho. Thậm chí, mình ho đến mức thắt bụng lại, mệt phờ người. Lúc đó, mình cảm thấy lo lắng em bé sẽ bị ảnh hưởng. Sau khi đi khám , con vẫn ổn định nên an tâm phần nào”, chị Thu chia sẻ.

Không sử dụng thuốc ngậm tại chỗ tùy tiện

Phụ nữ mang bầu do thay đổi nội tiết trong cơ thể khiến sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm vi khuẩn, virut. Theo bác sĩ CK1 sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ, hiện đang làm việc tại Phòng khám Sản phụ khoa Song Hà) , mẹ bầu ho do vi khuẩn cần phải được điều trị bằng kháng sinh. Nhóm thuốc an toàn nhất cho phụ nữ có thai là beta lactam. Đối với các trường hợp ho do virut,  mẹ bầu không cần dùng kháng sinh. Thuốc kháng sinh và thuốc ho chỉ sử dụng khi triệu chứng ho làm ảnh hưởng đến thai nhi như ho kéo dài dễ gây động thai, sảy thai,…

Bà bầu bị ho ngậm chanh đào + mật ong có sao không? - 2

Phụ nữ mang thai có thể sử dụng các bài thuốc dân gian trị ho như chanh đào mật ong, trà gừng,...(ảnh minh họa)

Nhiều bà bầu sử dụng thuốc ngậm tại chỗ, cho rằng thuốc chỉ tác dụng lên vùng họng, không có tác dụng phụ. Thực ra, bất cứ loại thuốc nào cũng không có lợi cho phụ nữ có thai và  đang cho con bú. Dù là thuốc dùng tại chỗ, song một tỷ lệ nhỏ thuốc vẫn được hấp thụ vào máu và thai nhi qua nhau thai và sữa mẹ”, bác sĩ Song Hà nhấn mạnh.

Để hạn chế ho, phụ nữ có thai và đang cho con bú, đặc biệt là trong thời gian 3 tháng đầu, nên súc họng bằng nước muối pha loãng. Ngoài ra, chị em nên sử dụng các bài thuốc dân gian như chưng tắc (quất), đường phèn, gừng, mật ong rồi ngậm liên tục hoặc uống nước ấm nấu với gừng. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần giữ ấm lòng bàn chân, giữ ấm cổ khi đi ngủ và uống nhiều nước cam, chanh. “Khi ho kéo dài, phụ nữ mang thai cần được điều trị kịp thời, tránh trường hợp gây co thắt tử cung, động thai, sảy thai, thậm chí sinh non... Ngoài ra ho kéo dài nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi”, bác sĩ Song Hà khuyến cáo.

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cảm sốt - Ho khi mang thai