Mang thai bị sốt xuất huyết, phải làm sao?

Ngày 10/11/2022 21:00 PM (GMT+7)

Ở phụ nữ mang thai, virus gây bệnh sốt xuất huyết có khả năng gây bệnh nặng hơn do sự suy giảm hệ miễn dịch trong thai kỳ. Vì vậy, bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho người mẹ và thai nhi. Vậy phụ nữ mang thai cần phải làm gì khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết?

1. Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết dễ bị biến chứng nặng

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Tình hình dịch đang diễn biến rất phức tạp. Dự báo số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ sẽ có nhiều bệnh nhân nặng nếu cộng đồng vẫn chủ quan.

Số bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó số ca bệnh nặng đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế đang ngày càng gia tăng. Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết và bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho người mẹ và thai nhi. Vậy, bên cạnh việc chủ động phòng ngừa, thai phụ cần lưu ý gì khi có dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết?

Theo ThS. BS. Lê Võ Minh Hương, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Từ Dũ, sốt xuất huyết là bệnh gây ra do virus Dengue, lây truyền qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho mẹ và thai nhi.

Ở phụ nữ mang thai, virus có khả năng gây bệnh nặng hơn do sự suy giảm hệ miễn dịch trong thai kỳ. Người bệnh sốt xuất huyết có thể tử vong do thoát huyết tương hoặc xuất huyết nặng gây sốc giảm thể tích.

Ngoài ra, một phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể dẫn đến các tác động xấu cho thai như trẻ sinh nhẹ cân, sinh non hoặc thậm chí là tử vong cho thai nhi. Nếu thai phụ bị sốt xuất huyết trong khi sinh, khả năng băng huyết sau sinh là rất cao.

Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho mẹ và thai nhi. (Ảnh minh họa)

Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho mẹ và thai nhi. (Ảnh minh họa)

2. Dấu hiệu sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như các bệnh nhân khác. Triệu chứng khá giống với cảm cúm, biểu hiện thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, sốt liên tục, khó hạ sốt, kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo đau đầu, sau đó nổi ban và có dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da.

Khi sốt xuất huyết diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng: chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, cơ thể mất nước, khát nước, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, vật vã.

Trong trường hợp nặng hơn sẽ có biểu hiện: choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3-7 ngày sau khi khởi phát bệnh.

3. Thai phụ cần làm gì khi có dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết?

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương cho biết, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, phụ nữ mang thai cần thực hiện ngay các biện pháp sau nhằm giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng:

- Đến ngay các cơ sở y tế uy tín khám để được chẩn đoán xác định bệnh và có phương án điều trị phù hợp.

- Hạ sốt bằng paracetamol 10-15mg/kg cân nặng nếu sốt trên 38 độ C.

- Uống thật nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C.

- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.

- Mặc thoáng mát, nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại.

- Tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế.

Nếu gần ngày dự sinh, thai phụ nên chọn sinh tại các bệnh viện lớn có khả năng xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm xảy ra trong và sau sinh cho mẹ và bé.

Lưu ý: Trong quá trình theo dõi điều trị tại nhà, nếu thai phụ có một trong các dấu hiệu bệnh nặng sau đây cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời:

Đau bụng dữ dội hoặc đau cơ.

Nôn ói liên tục (ít nhất 3 lần trong 1 giờ).

Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng.

Nôn ra máu hoặc có máu trong phân.

Thở nhanh, khó thở.

Cảm thấy mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ…

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương khuyến cáo, hiện nay bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng ngừa nhưng việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%.

Việt Nam là một quốc gia nằm trong vùng dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết. Mùa dịch thường bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm. Các biện pháp kiểm soát trung gian truyền bệnh, hạn chế bị muỗi đốt là phương pháp hữu hiệu nhất giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh sốt xuất huyết.

Nếu không may nhiễm bệnh trong thai kỳ, thai phụ và người nhà cần biết cách nhận biết và xử trí kịp thời, tuân thủ hướng dẫn chăm sóc điều trị của bác sĩ để giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng, bảo vệ sức khỏe của mẹ và con.

Hạ sốt ở phụ nữ mang thai, dùng thuốc nào?
Khi đang trong thai kỳ, bà bầu bị sốt có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Vậy dùng thuốc hạ sốt thế nào cho an toàn?

Sức khỏe bà bầu

Vân Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe bà bầu