Bà bầu bị viêm họng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh

Ngày 25/07/2019 17:04 PM (GMT+7)

Bà bầu bị viêm họng là tình trạng khá phổ biến trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Việc có những kiến thức về dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh viêm họng sẽ giúp chị em bớt cảm thấy lo lắng hơn.

Khi bị viêm họng, mẹ bầu sẽ xuất hiện những dấu hiệu tương đối dễ nhận biết. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có các cách chữa trị khác nhau. Nếu không muốn sử dụng thuốc thì bà bầu có thể áp dụng một vài phương pháp tự nhiên cũng đem lại hiệu quả. 

1. Bà bầu bị viêm họng có nguy hiểm không?

Viêm họng là bệnh thường gặp trong thai kỳ. Trong một vài trường hợp, nó có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. 

Nếu bị viêm họng trong 3 tháng đầu

Ở giai đoạn này, sức đề kháng của người phụ nữ mang thai bị giảm sút. Vì thế bệnh không thể tự khỏi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và tăng nguy cơ biến chứng ở thai nhi. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc để điều trị viêm họng thì có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới quá trình hình thành và phát triển của thai nhi. 

Nếu bị viêm họng trong 3 tháng cuối    

Khi bị viêm họng ở tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu có khả năng bị rối loạn ở phổi, chậm chuyển dạ, thời gian mang thai bị kéo dài...Điều này hết sức nguy hiểm.

2. Dấu hiệu viêm họng ở bà bầu

Bà bầu bị viêm họng bao gồm các dấu hiệu như:

- Khô họng, đau, rát họng.

- Có thể ho khan hoặc ho có đờm.

- Sổ mũi, hắt hơi.

- Khô và đau hốc mũi, gốc mũi.

- Hơi thở có mùi tanh, đặc biệt là khi mới ngủ dậy.

- Có thể khó nuốt.

Tuy nhiên, khi tình trạng trở nên nghiêm trọng thì cơ thể sẽ bải hoải, mệt mỏi có thể sốt cho mẹ bầu.

Bà bầu bị viêm họng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh - 1

Bị viêm họng trong thai kỳ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. (Ảnh minh họa)

3. Nguyên nhân bà bầu bị viêm họng

Một vài nguyên nhân thường thấy nhất dẫn đến bà bầu bị viêm họng là:

Do vi khuẩn và virus

Đây là hai nguyên nhân chủ yếu làm cho bà bầu bị viêm họng. Các vấn đề liên quan đến mũi họng đa phần được gây ra bởi liên cầu khuẩn. Ngoài ra, nếu mẹ bầu bị cảm lạnh do nhiễm virus thì cũng có thể bị viêm họng, đau họng.     

Do yếu tố bên trong cơ thể

- Khi mang thai, sức đề kháng của người phụ nữ bị giảm đi.

- Tăng tiết dịch màng nhầy.    

- Rối loạn nội tiết tố khiến phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh.

Do tác nhân bên ngoài

- Thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể không thích nghi kịp.

- Ăn mặn thường xuyên làm tổn thương niêm mạc họng.

- Người có thai thường có cảm giác nóng bức, uống quá nhiều nước đá hoặc ngồi trước quạt quá lâu cũng có thể gây ra viêm họng cho bà bầu.

- Vô tình tiếp xúc với người đang mắc bệnh.

- Tiếp xúc với bầu không khí có nhiều khói bụi cũng có thể gây kích ứng, làm bà bầu bị viêm họng

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bà bầu dễ dàng điều trị bệnh viêm họng hơn. Thời kỳ mang thai rất nhạy cảm, chính vì thế, các mẹ không nên tự ‎ý điều trị mà cần tham vấn ‎y khoa của bác sĩ chuyên môn.

4. Phương pháp điều trị cho bà bầu bị viêm họng

Hiện tượng viêm họng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng với những người sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai, viêm họng lại gây ra nhiều nỗi lo lắng. 

Sử dụng thuốc

Trong thực tế cuộc sống thường ngày, các trường hợp viêm họng thường được bác sĩ kê đơn thuốc có kháng sinh, kháng viêm. Vì thế, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để được chỉ định sử dụng dùng thuốc điều trị viêm họng. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc vì nhiều loại thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe bà mẹ. Có một vài loại kháng sinh không gây hại cho phụ nữ mang thai như: penicillin, cephalosporins và erythromycin...  

Súc miệng nước muối

Bà bầu bị viêm họng nên súc miệng 2 đến 3 lần mỗi ngày sát khuẩn và giảm cảm giác đau họng. Một trong những cách chữa đau rát họng cho bà bầu đơn giản và hiệu quả nhất là súc miệng bằng nước muối. Nước muối pha loãng có tính sát trùng, giúp làm giảm bớt lượng vi khuẩn có hại tồn tại ở vị trí viêm nhiễm trong họng. Vì thế, để chữa viêm họng mẹ bầu chỉ cần súc miệng mỗi ngày 2 – 3 lần với nước muối ấm, pha loãng.

Bổ sung vitamin 

Việc bổ sung vitamin cũng là điều cần thiết trong quá trình mang thai của mọi bà mẹ. Chị em mang bầu bị viêm họng cần bổ sung thêm vitamin A,C để cải thiện hệ miễn dịch. Vitamin B trong sữa động vật và nhiều loại sữa khác cũng giúp tiêu viêm nhanh chóng.

Sử dụng nguyên liệu tự nhiên

Những mẹo nhỏ dân gian cũng giúp các bà bầu viêm họng giảm nhẹ triệu chứng ho khan, đau đầu hay nóng sốt.  Các mẹ có thể tham khảo: 

- Chanh ngâm mật ong: mẹ cắt quả chanh thành từng lát mỏng rồi xếp vào trong một bình nhỏ. Tiếp theo, cho khoảng 2 thìa mật ong vào bình, ngâm khoảng 1 ngày là được. Bà bầu có thể ngậm từng lát chanh hàng ngày để giảm viêm họng. 

- Nước nghệ: để làm dịu cổ họng đang bị đau, mẹ cho 1 muỗng nhỏ bột nghệ cùng với ½ muỗng cà phê muối vào một cốc nước ấm (có thể thay bằng sữa ấm). Sau đó uống từ từ cho đến hết. Sau khi dùng khoảng 3 ngày, bà bầu sẽ cảm thấy đỡ đau và bớt viêm họng.

- Nước ép củ cải: đây cũng là một loại nước ép rất tốt để chữa viêm họng. Mẹ bầu có thể dùng củ cải tươi để ép lấy nước uống. 

- Nước giá đỗ: phương pháp này tương đối đơn giản và dễ thực hiện. Bà bầu cho giá đỗ vào một chiếc chén và hấp cách thủy. Sau đó thì chắt lấy nước và uống từ từ. 

- Nước lá tía tô: từ trước đến nay, tía tô luôn được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên chữa cảm cúm. Vì vậy khi bị viêm họng, mẹ bầu có thể nghiền lá tía tô lấy nước. Sau đó uống thường xuyên trong ngày để đạt hiệu quả tốt. 

- Lá húng chanh: bà bầu giã nát lá húng chanh rồi trộn với 10ml nước sôi và một chút muối. Sau khi đã ngấm thì chắt lấy nước để uống. Mẹ bầu nên uống nước lá 2 lần một ngày đến khi hết bị viêm họng. 

Điều trị viêm họng với bà bầu không khó nhưng cũng không dễ. Tất cả phương pháp điều trị đều sẽ phải chú ý đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Bà bầu bị viêm họng: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách phòng tránh - 2

Những mẹo nhỏ dân gian cũng giúp các bà bầu viêm họng giảm nhẹ triệu chứng ho khan, đau đầu hay nóng sốt (Ảnh minh họa)

5. Phòng ngừa bệnh viêm họng cho bà bầu như thế nào?

Những người phụ nữ mang thai bị giảm sút khả năng đề kháng với các tác nhân từ môi trường, thời tiết - nguyên nhân bệnh viêm họng. Đế ứng phó với những tác nhân này, các bà bầu có thể bỏ túi một vài mẹo vặt hữu ích sau:

Giữ ấm cơ thể

Vì phụ nữ mang thai thường có thân nhiệt cao hơn bình thường nên một số người lơ là việc giữ ấm, dẫn đến dễ mắc bệnh viêm họng. Ăn mặc kín đáo với chất liệu thoải mái để cơ thể không bị lạnh khi thời tiết thay đổi hay làm việc trong môi trường máy lạnh.

Chú ý trong sinh hoạt

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, hút sạch bụi bẩn và khử trùng nhà để giảm vi khuẩn trong môi trường.

- Sử dụng khẩu trang khi dọn dẹp hoặc đi lại trên đường.

- Tránh tiếp xúc với những người đang bị cảm cúm, viêm mũi, viêm họng.

- Tránh các khu vực có nhiều khói thuốc lá. 

- Không tắm nước lạnh vào buổi tối.

- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

- Hạn chế la hét nhiều.

Chú ý trong ăn uống

- Không ăn đồ ăn lạnh.

- Không ăn thức ăn quá cay, mặn hay nóng.

- Hạn chế thêm nhiều muối vào trong khẩu phần ăn hàng ngày.

- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung cho cơ thể đầy đủ các vitamin và khoáng chất, nâng cao sức đề kháng.

Những trường hợp dùng không đúng loại thuốc chỉ định cho phụ nữ mang thai có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. Hãy tìm đến bác sĩ ngay nếu triệu chứng ho khan trở nặng, kéo dài hoặc nóng sốt liên tục không thuyên giảm.

Bà bầu bị cảm: Bác sĩ chỉ cách nhận biết cảm cúm khác cảm lạnh trong thai kỳ
ThS. Bs CK II Nguyễn Công Định cho biết, khi mang bầu, hệ miễn dịch ở các thai phụ thường bị suy giảm.

Cảm sốt - Ho khi mang thai

Bình An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cảm sốt - Ho khi mang thai