Mệt mỏi, đau nhức, giãn tĩnh mạch… là những tác dụng phụ khi bầu bí vẫn cứ bám đuổi mẹ bầu dù đã đến quý 2 thai kỳ.
Bạn đã bước sang tháng thứ bốn thai kỳ và nghĩ rằng từ đây cơ thể sẽ thoải mái hơn nhiều bởi đã đi qua 3 tháng đầu ốm nghén, mệt mỏi… Thực tế thì 60% mẹ bầu đều cảm thấy dễ chịu hơn, tuy nhiên cảm giác mệt mỏi, đau đớn do sự thay đổi hormone trong thai kỳ không hẳn đã biến mất đâu các mẹ. Cho đến những tuần này, mẹ có thể vẫn phải chịu đựng rất nhiều “tác dụng phụ” của việc bầu bí như:
Mệt mỏi
Chiếc bụng bầu đang lớn dần lên từng ngày sẽ khiến mẹ làm bất cứ việc gì cũng trở lên khó khăn, mất sức hơn và đây chính là nguyên nhân khiến chị em vẫn có cảm giác mệt mỏi cả ngày. Hãy cố gẳng cắt giảm những công việc, suy nghĩ không cần thiết để bớt mệt mỏi. Hãy dành cho mình đủ thời gian để nghỉ ngơi và chia sẻ với anh xã những khó khăn của mình cũng như nhờ sự giúp đỡ.
Một khi mẹ có giấc ngủ đều, đủ giấc và có nhiều thời gian nghỉ ngơi thì cơ thể cũng sẽ bớt mệt mỏi hơn.
Đau nhức
Đau lưng là triệu chứng phổ biến nhất mà các mẹ sẽ gặp phải trong 3 tháng giữa thai kỳ. Nguyên nhân được cho là do các cơ bụng bị kéo giãn để đáp ứng nhu cầu lớn lên của em bé. Để giảm triệu chứng này, mẹ nên dành thời gian tập luyện thể thao. Hãy ưu tiên đến những bài tập cho vùng lưng, cơ bắp và sàn chậu. Khi thực hiện các động tác cúi cần cố gắng uốn đầu gối chứ không nên gập lưng sẽ làm mẹ thêm đau lưng hơn.
Đau lưng là triệu chứng phổ biến nhất mà các mẹ sẽ gặp phải trong 3 tháng giữa thai kỳ. (ảnh minh họa)
Giãn tĩnh mạch
Khi thai kỳ càng về cuối thì tình trạng giãn tĩnh mạch sẽ càng trở lên phổ biến hơn. Hãy cố gắng gác cao chân khi mẹ ngồi làm việc cũng như khi ngủ. Đồng thời tập luyện thể thao cũng là cách rất hiệu quả để giảm tình trạng giãn tĩnh mạch khi mang bầu.
Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường rất phổ biến với những mẹ bầu mang thai lần đầu do dung nạp quá nhiều dưỡng chất đặc biệt là đồ ngọt trong chế độ ăn hàng ngày. Bồi dưỡng quá nhiều khiến thai phụ tăng cân nhanh cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mẹ cần xét nghiệm cần thiết để xem mình có mắc bệnh không và thực hiện chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Buồn nôn
Đừng nghĩ rằng bước sang quý thứ 2 thai kỳ thì mẹ sẽ không buồn nôn nữa nhé. Rất nhiều mẹ bầu ốm nghén cho đến 3 tháng giữa thậm chí là đến ngày đi đẻ. Trong trường hợp này, mẹ hãy cố gắng ăn thành nhiều bữa trong ngày, tránh xa những thực phẩm cay, nóng, có chứa nhiều dầu mỡ. Uống nhiều nước cũng giúp mẹ bớt ốm nghén hơn.