Thời tiết mùa hè nắng nóng dễ khiến mọi người rơi vào trạng thái mệt mỏi, nhất là mẹ bầu. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Sơn đã chỉ cách sơ cứu cho phụ nữ mang thai bị say nắng, say nóng.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Sơn (Phòng khám Sản phụ khoa Thịnh An, Hà Nội) cho biết: “Say nắng, say nóng thường xảy ra khi cơ thể bị phơi nhiễm quá lâu dưới ánh nắng mặt trời. Say nắng là một thể của say nóng, là bệnh do tăng thân nhiệt. Say nóng là một phản ứng viêm toàn thể khi thân nhiệt trên 40,6 độ C, làm biến đổi tri giác và sự rối loạn các chức năng sống. Phụ nữ mang thai là một trong số những đối tượng có nguy cơ cao”.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, biểu hiện của người say nắng, say nóng bao gồm: Sốt cao trên 39,8 độ C, lúc đầu thở sâu, mạch nhanh, sau đó là thở nông và mạch yếu, đồng tử giãn, lú lẫn, mê sảng, co giật, ngất.
Say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.
Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu mẹ bầu khi bị say nắng, say nóng (Ảnh minh họa).
Say nóng, da của bệnh nhân bị lạnh và ẩm ướt (do gắng sức, da thường ẩm), tái mét, vã mồ hôi; miệng khô, yếu sức, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, bị chuột rút; mạch nhanh và yếu; loạn nhịp tim, hạ huyết áp; hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn; rối loạn thần kinh trung ương; động kinh và hôn mê; suy gan và thận, rối loạn đông máu...
Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn cho biết thêm: “Phụ nữ mang thai bị say nắng, say nóng nếu không cấp cứu kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Cơ thể người phụ nữ mang thai thường nhạy cảm hơn, thân nhiệt cũng cao hơn so với người bình thường. Nên khi bị say nắng, say nóng thường sẽ bị nặng hơn những người không mang thai và tính chất nguy hiểm cũng tăng lên.
Vì thế, khi thai phụ bị say nắng hay say nóng đầu tiên cần làm giảm thân nhiệt cho thai phụ bằng cách đưa ngay vào chỗ thoáng mát, dùng quạt mát.
Sau khi cảm nắng, bà bầu cần được đưa đến bệnh viện theo dõi. (Ảnh minh họa)
Tiếp đó, đặt thai phụ nằm ngửa (lưu ý chỉ khi thai còn bé), khi bụng thai phụ đã to thì cần để thai phụ nằm nghiêng về bên trái vì nếu lúc này đặt thai phụ nằm ngửa thì sẽ làm thai phụ khó thở hơn vì bị thai nhi chèn ép, sau đó gác chân lên cao.
Cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước lạnh có pha muối, tốt nhất là cho uống dung dịch oresol hoặc các loại nước trái cây như nước chanh, nước cam, nước chè tươi, cà phê, nước rau muống luộc...
Dùng khăn hay quần áo thấm nước đá chườm lạnh khắp người cho thai phụ, nhất là ở cổ, nách, háng.
Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay thai phụ đến bệnh viện nơi gần nhất để các bác sĩ xử trí chứ không nên để thai phụ ở nhà, mặc dù thai phụ đã có dấu hiệu tỉnh lại nhưng vẫn cần theo dõi và cần chăm sóc y tế cho đến khi cả thai phụ và thai nhi hoàn toàn trở lại bình thường”.