Bác sĩ dinh dưỡng giải đáp thắc mắc: Bà bầu không nên ăn gì?

Ngày 14/08/2018 16:03 PM (GMT+7)

Các mẹ bầu thường được khuyên không nên ăn một số loại thực phẩm do có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ cũng như em bé. Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam sẽ giúp mẹ chỉ ra các loại thực phẩm bà bầu không nên ăn trong giai đoạn vô cùng quan trọng này.

Bác sĩ dinh dưỡng giải đáp thắc mắc: Bà bầu không nên ăn gì? - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt (Viện Y học ứng dụng Việt Nam)

Chế độ ăn lành mạnh rõ ràng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đảm bảo sức khỏe tốt cho mẹ bầu và em bé trong bụng. Ngoài việc sử dụng những thực phẩm lành mạnh, mẹ bầu hãy luôn nhớ rằng loại thực phẩm tốt nhất là những thực phẩm tươi và được nấu chín hoàn toàn.

Bác sĩ dinh dưỡng giải đáp thắc mắc: Bà bầu không nên ăn gì? - 2

Ths.Bs.Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Nhưng đồng thời, mẹ bầu cũng cần tìm hiểu vì sao có một số thực phẩm dưới đây bà bầu không nên ăn.

Thịt sống hoặc chưa được nấu chín

Khi chế biến các loại thịt, hãy nấu cho thịt chín thật kỹ, đảm bảo thịt không còn màu hồng hoặc không còn nước đỏ chảy ra từ thịt, nhất là các loại thịt gia cầm, thịt lợn, xúc xích, thịt băm.

Tránh hoàn toàn các món ăn có chứa thịt sống, như các loại nem chua, gỏi... do trong đó có thể chứa ký sinh trùng Toxoplasma. Đây là loại ký sinh trùng hiện diện trong thịt sống, đất, phân mèo hoặc nguồn nước chưa được xử lý có thể gây nên bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Trần Thu Nguyệt, phụ nữ có thai nếu bị nhiễm khuẩn Toxoplasma có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Trong trường hợp bạn đang mang thai và nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh này, hãy trao đổi với bác sỹ để có những biện pháp điều trị hợp lý.

Ngoài ra, cần chú ý rửa sạch các bề mặt và các dụng cụ nấu nướng sau khi chế biến các loại thịt sống, đồng thời rửa sạch tay và làm khô sau khi chạm vào các thực phẩm sống. Đây là quy tắc vệ sinh cần thiết để phòng lây nhiễm các vi khuẩn như salmonella, campylobacter và E.coli O157 có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Thịt nguội

Thịt nguội bao gồm các loại salami, thịt giăm bông parma, xúc xích cay chorizo và xúc xích pepperoni. Những thực phẩm này có thể chứa các loại vi khuẩn như listeria và ký sinh trùng toxoplasma gây bệnh rất nguy hiểm.

Trứng sống hoặc trứng chỉ được nấu chín một phần

Mẹ bầu chỉ nên ăn trứng được nấu chín kỹ tới mức lòng trắng và lòng đỏ trở nên rắn lại. Việc nấu chín kỹ trứng sẽ phòng ngừa ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn salmonella. Ngoài ra, cũng nên tránh ăn các đồ ăn có trứng sống hoặc chưa được nấu chín hoàn toàn như các loại mayonnaise tự làm thủ công, các loại nước sốt, kem trộn có trứng tươi trong thành phần.

Bác sĩ dinh dưỡng giải đáp thắc mắc: Bà bầu không nên ăn gì? - 3

Bà bầu không nên ăn gì là băn khoăn của nhiều chị em.

Một số loại pho mát

Không nên ăn các loại pho mát mềm đã được lên mốc như là brie, camembert và chevre (một loại pho mát từ sữa dê) và những loại pho mát tương tự khác. Ngoài ra, bạn cũng tránh một số loại pho mát mềm vân xanh như Danish blue hay gorgonzola, vì có nhiều nấm mốc trong thành phần và có thể chứa vi khuẩn listeria - một loại vi khuẩn có thể gây hại cho thai nhi.

Mặc dù nhiễm khuẩn listeria là khá hiếm nhưng chúng ta cũng luôn phải thận trọng, đặc biệt là những phụ nữ có thai bởi chỉ một căn bệnh tưởng như là nhẹ trong thai kỳ cũng có thể dẫn đến sảy thai, thai lưu hoặc gây một căn bệnh nghiêm trọng nào đó cho đứa trẻ trong bụng.

Các loại salad chế biến sẵn

Các loại hoa quả, rau và salad chế biến sẵn có nguy cơ gây lây nhiễm listeria rất cao, do vậy nên hạn chế ăn khi mang bầu.

Các sản phẩm từ gan

Không nên ăn gan hoặc các sản phẩm chế biến từ gan như patê hoặc xúc xích gan do chúng chứa rất nhiều vitamin A. Quá nhiều vitamin A có thể gây hại cho đứa trẻ.

Các thực phẩm chức năng chứa vitamin A

Tương tự như trên, các thực phẩm chức năng multivitamin liều cao và các loại dầu gan cá có chứa hàm lượng lớn vitamin A và không được phép sử dụng khi mang thai.

Một số loại cá

Cá là một trong những thực phẩm được khuyến cáo thêm vào chế độ ăn lành mạnh khi mang bầu.

Tuy nhiên, khi mang thai, có một số loại cá cần phải tránh ăn hoặc ăn hạn chế vì những loại cá này có chứa hàm lượng thủy ngân khá cao có thể làm tổn thương hệ thần kinh của trẻ:

Các loại cá không nên ăn: Cá mập, cá kiếm

Hạn chế ăn cá ngừ: Ăn ít hơn 2 phần cá ngừ mỗi tuần (khoảng 140 g cá nấu chín hoặc 170 g cá sống); ăn  ít hơn 4 hộp cá ngừ đóng hộp mỗi tuần (khoảng 140 g cá hộp).

Hạn chế ăn các loại cá chứa nhiều dầu:  Không nên ăn nhiều hơn hai phần cá mỗi tuần (tương ứng với khoảng 140g cá đã nấu chín). Cá chứa nhiều dầu là các loại cá có dầu cá trong thịt cá, bao gồm cá ngừ tươi (không bao gồm cá ngừ đóng hộp), cá hồi, cá thu và cá mòi.

Sushi

Bà bầu nên tránh các loại hải sản ướp lạnh như sò sống, sashimi và sushi, các loại hải sản hun khói hoặc chế biến sẵn để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cách an toàn nhất để ăn sushi là hãy lựa chọn những loại được nấu chín hoàn toàn.

Các loại hải sản có vỏ chưa được nấu chín

Hãy ăn hải sản được nấu chín thay vì hải sản ăn sống (ví dụ như hầu tươi, sò...) vì hải sản sống có thể chứa các loại vi khuẩn và virus có hại có thể gây ngộ độc thực phẩm và nguy cơ cao nhiễm khuẩn listeria.

Lạc

Nếu bạn yêu thích lạc và các sản phẩm từ lạc như bơ đậu phộng, bạn vẫn có thể ăn ở một mức độ vừa phải trong khi mang thai để tránh hiện tượng đầy bụng. Tuy nhiên, những bà bầu bị dị ứng với lạc hoặc những người mà bác sỹ khuyến cáo không nên ăn thì nên tránh hoàn toàn.

Sữa chưa tiệt trùng

Bà bầu chỉ nên uống các loại sữa đã được tiệt trùng hoặc thanh trùng. Nếu sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng, bạn có thể đun sôi trước khi uống. Phụ nữ có thai nên tránh uống sữa dê, sữa cừu chưa tiệt trùng hoặc ăn các loại thực phẩm được chế biến từ sữa chưa tiệt trùng như pho mát mềm từ sữa dê và các loại kem tươi.

Bác sĩ dinh dưỡng giải đáp thắc mắc: Bà bầu không nên ăn gì? - 4

Dùng quá nhiều caffein trong thai kỳ còn có khả năng gây sẩy thai

Caffein

Tiêu thụ hàm lượng cao caffein khi mang thai có thể gây sinh con nhẹ cân, khiến cho đứa trẻ có nguy cơ cao mắc thêm một số căn bệnh nguy hiểm về sau. Thậm chí, quá nhiều caffein trong thai kỳ còn có khả năng gây sẩy thai.

Caffein có trong rất nhiều loại thực phẩm như cà phê, trà và sô cô la, và còn được bổ sung thêm vào một số loại nước uống có ga và nước tăng lực.

Một số loại thuốc điều trị cảm lạnh và cúm cũng có chứa caffein. Do vậy, hãy hỏi ý kiến bác sỹ hoặc dược sỹ trước khi sử dụng những loại thuốc này.

Bác sĩ Nguyệt cho biết thêm, mẹ bầu không cần thiết phải cắt giảm toàn bộ lượng caffeine trong chế độ ăn nhưng không nên nạp nhiều hơn 200 mg/ngày.

Nước tăng lực

Nước tăng lực không được khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ do có chứa hàm lượng caffeine khá cao và các thành phần khác không tốt cho phụ nữ có thai.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, bà bầu tránh ăn những thực phẩm chưa được rửa sạch, nhất là các loại rau, hoa quả và salad…

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyệt còn nhấn mạnh, trong trường hợp mẹ bầu muốn sử dụng loại thực phẩm được cảnh báo ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Nếu đã sử dụng và có biểu hiện bất thường cần đến khám bác sỹ ngay để phát hiện sớm nhất những ảnh hưởng có hại đến mẹ và bé.

Chuyên gia Viện Dinh dưỡng: Hoa quả tốt cho bà bầu nhưng đừng ăn để vào con không vào mẹ
Ths.Bs. Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, hoa quả tốt cho bà bầu, tuy nhiên, các mẹ chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải, phù hợp, không nên quá...

Dinh dưỡng thai kỳ

Bình An
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dinh dưỡng thai kỳ