Khi có kế hoạch sinh con rất nhiều cặp vợ chồng tò mò và muốn tìm hiểu về triệu chứng mang thai. Vậy sau quan hệ tình dục triệu chứng nào cho thấy đã thụ thai thành công, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ củaThs.BS Trịnh Thị Thúy ngay sau đây.
Tác giả bài viết: Ths.BS Trịnh Thị Thúy – Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. |
Ths.BS Trịnh Thị Thúy (Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) |
Không cần đến bệnh viện làm xét nghiệm hCG hay đi mua que thử mới biết mình có thai. Với các triệu chứng có thai dưới đây, chị em có thể chắc chắn về việc một mầm sống bé nhỏ đang hiện hữu trong bụng của mình.
1. Tắt kinh
Tắt kinh là triệu chứng mang thai mà chị em có thể nhận thấy sau 1 tháng. Sau khi trứng được thụ tinh, chu kỳ kinh nguyệt của các mẹ sẽ vắng mặt ít nhất trong 9 tháng tới đây.
Tắt kinh là triệu chứng tương đối tin cậy để chẩn đoán có thai ở những phụ nữ khỏe mạnh, trước đây kinh nguyệt đều đặn, không cho con bú hoặc không sử dụng một biện pháp tránh thai nào.
Tuy nhiên một số phụ nữ cũng có thể bị tắt kinh khi có thay đổi về cân nặng, sang chấn tâm lý (stress), hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý tuyến giáp hoặc có thể ít gặp hơn là u tuyến yên chế tiết hormon.
2. Buồn nôn (có thể kèm theo nôn hoặc không nôn)
Ốm nghén là cơn ác mộng của nhiều phụ nữ, đây là triệu chứng mang thai tháng đầu phổ biến, có thể xuất hiện khá sớm ở tuần thứ 4-6 của thai kỳ. Thậm chí, có người phải chịu đựng nó suốt 9 tháng mang thai. Không nhất thiết là buổi sáng, các mẹ có thể cảm thấy buồn nôn bất kỳ thời điểm nào trong ngày, ngay cả khi chưa kịp ăn gì.
Mức độ nặng nhẹ của tình trạng buồn nôn và nôn rất khác nhau, có người không có biểu hiện gì trong khi đó có người nôn hết cả thức ăn và nước uống.
Các mẹ có thể cảm thấy buồn nôn bất kỳ thời điểm nào trong ngày, ngay cả khi bạn chưa kịp ăn gì. (Ảnh minh họa)
3. Đau lưng
Nhiều chị em thường thắc mắc đau lưng có phải triệu chứng mang thai? Đau lưng chính là một trong những triệu chứng mang thai tuần đầu tiên. Dây chằng ở lưng sẽ bị kéo dãn, cơ bụng trở nên lỏng lẻo và các cơ quan ở lưng phải hoạt động tích cực hơn để chuẩn bị sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của thai nhi.
Điều này dẫn đến những cơn nhức mỏi dọc theo sống lưng và chúng thậm chí còn trở nên khó chịu hơn khi thai nhi trở nên lớn dần. Tuy nhiên, cảm giác đau lưng này khá giống với cảm giác nhức lưng trước mỗi kỳ kinh nên thường không được các mẹ chú ý.
4. Mệt mỏi
Triệu chứng mang thai 1 tháng đầu cơ thể của phụ nữ gần như bị vắt kiệt do phải làm việc liên tục không nghỉ để cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi. Tim cũng đập nhanh hơn giúp tăng cường oxy cho buồng trứng.
Bên cạnh đó, hệ tuần hoàn phải làm việc với áp lực khủng khiếp để tăng lưu lượng máu cung cấp cho tử cung để nuôi phôi thai lớn lên. Chưa kể việc thân nhiệt tăng cao cũng làm chị em mất thêm nhiều năng lượng.
Với cường độ làm việc đó, thai phụ cảm thấy đôi khi như không còn chút sức lực nào cả. Người lúc nào cũng cảm thấy mệt như thể vừa chạy thể dục.
5. Thường xuyên đi tiểu
Rõ ràng các mẹ vừa đi tiểu quay vào nhà được một lúc đã lại cảm thấy buồn tiểu và muốn trở lại nhà vệ sinh ngay lập tức.
Sau khi trứng được thụ tinh khoảng 6 tuần, lưu lượng máu trong cơ thể tăng lên đáng kể. Do đó, thận sẽ bài tiết ra nhiều nước hơn. Tiếp đó, sự chèn ép của tử cung ngày càng lớn lên bàng quang sẽ làm mẹ phải đi tiểu thường xuyên hơn. Lưu ý các mẹ cần phân biệt với nhiễm trùng đường tiết niệu để có cách xử trí phù hợp.
6. Thay đổi ở vú
Đây là một trong những triệu chứng nhận biết phổ biến nhất. Sau khi trứng được thụ tinh, nồng độ hormone trong cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhanh. Sự biến đổi này có thể làm tăng lượng máu cung cấp cho ngực khiến chị em có cảm giác nóng ran xung quanh đầu và núm vú.
Các mẹ cũng có thể nhận thấy vùng da xung quanh đầu vú của mình trở nên thâm, đen hơn bình thường. Khi chạm vào có thể thấy ngực mình mềm đi, kèm theo đó là cảm giác nặng và tức ngực.
Những thay đổi ở vú thể hiện rõ ở thai phụ con so hơn là con rạ: vú lớn ra, cảm giác hơi căng và đau, các tĩnh mạch nhỏ nổi lên và nhìn ngay dưới da gọi là hệ thống Haller. Núm vú to ra, nhô cao, tăng sắc tố và nhạy cảm, quầng vú sậm màu, các hạt Montgomery nổi rõ và có thể chảy sữa.
Những thay đổi này ở vú cũng có thể xuất hiện trong các trường hợp không có thai như: u tuyến yên tiết Prolactin, sử dụng các thuốc giảm lo âu như Benzodiazepines, có thai giả…
Sau khi trứng được thụ tinh, nồng độ hormone trong cơ thể người phụ nữ thay đổi rất nhanh. Ảnh minh họa
7. Thay đổi trong thói quen ăn uống
Ngoài những triệu chứng có thai tuần đầu dựa vào sự thay đổi của cơ thể, chị em còn có thể cảm nhận sự thay đổi trong sở thích ăn uống của mình để đánh giá khả năng mang thai.
Ví dụ: có thể tự nhiên thích ăn một số loại thức ăn trước đây không thích hoặc không thể ăn được những thức ăn trước đây rất thích ăn, thèm ăn chua, ăn ngọt hoặc ăn rất nhiều thức ăn, bữa ăn…
8. Táo bón, đầy hơi
Táo bón và đầy hơi là hai triệu chứng dễ gặp khi đã mang thai. Thậm chí chúng còn xuất hiện thường xuyên hơn cùng với sự phát triển của thai kỳ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hormone progesterone khi mang thai tăng cao tạo ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa của thai phụ. Để hạn chế táo bón, đầy hơi, chị em có thể ăn tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.
9. Nhạy cảm với mùi
Tự nhiên một ngày các mẹ trở nên nhạy cảm hơn hẳn với mùi xung quanh mình. Bất kể mùi nào cũng có thể khiến chị em khi mang thai cảm thấy khó chịu và buồn nôn như: Mùi thuốc lá, mùi nước hoa, mùi thức ăn, hay đơn giản là mùi cơm chín… Với một số thai phụ, sự nhạy cảm này có thể sẽ giảm dần sau khi hết 3 tháng đầu thai kỳ.
10. Chóng mặt
Khi mang thai, nhịp tim, tốc độ bơm máu và lượng máu lưu chuyển trong cơ thể tăng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hệ thống tim mạch đôi khi lệch nhịp do không điều chỉnh kịp thời là nguyên nhân khiến các mẹ bầu dễ chóng mặt, váng đầu.
Một nguyên nhân nữa là do huyết áp trong những ngày đầu thai kỳ giảm hẳn so với bình thường. Thế nên, đừng ngạc nhiên khi bình thường khỏe là thế mà nay lại dễ dàng ngất xỉu. triệu chứng có thai sớm nhất này có thể xuất hiện ít nhiều, nặng nhẹ tùy vào thể trạng từng người và mức độ thiếu máu của từng người.
11. Buồn ngủ
Lượng hormone progesterone tăng cao cũng khiến các mẹ cảm thấy buồn ngủ, ngủ gà, ngủ nhiều, nhưng cũng có một số trường hợp lại mất ngủ. Sự mệt mỏi thường trực này chính là một triệu chứng mang thai điển hình nhất.
12. Thân nhiệt thay đổi
Khi mang thai hormone progesterone tiết ra nhiều hơn làm nhiệt độ cơ thể các mẹ tăng cao hơn bình thường một chút, gần giống nhiệt độ cơ thể trong những ngày rụng trứng. Nếu thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể mình, chị em có thể dễ dàng nhận thấy dấu hiệu này. Đây là một triệu chứng mang thai dễ bị bỏ sót, vì có thể chỉ nghĩ rằng mình đang bị cảm lạnh hay quá mệt mỏi.
Khi nhiệt độ cơ thể tăng mẹ cảm thấy nóng bức, khó chịu nhưng không phải sốt do bệnh, mẹ nên sử dụng những loại nhiệt kế cho kết quả chuẩn nhất để theo dõi thân nhiệt
Hiện tượng thân nhiệt tăng thân nhiệt cũng có thể làm da ẩm ướt, gây nên rôm sảy ở những nơi có sự ma sát giữa các vùng da với nhau (vùng da gấp).
Trên đây là những triệu chứng có thai sớm thường gặp nhất, Một số chị em có thể có hầu hết các triệu chứng kể trên, song một số khác thì chỉ có một hay vài triệu chứng.
Tuy nhiên, những triệu chứng mang thai sớm trên là không điển hình và cũng có thể là triệu chứng của một số tình trạng bệnh lý khác. Do vậy, nếu nghi ngờ có thai các chị em nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và quản lý thai nghén cũng như để chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý có thể nguy hiểm đến sức khỏe.